Tự trồng rau an toàn
- Cập nhật: Thứ tư, 20/4/2016 | 10:06:13 AM
YBĐT - Khoảng trống trên sân thượng ngôi nhà 3 tầng của chị Nguyễn Thị Hồng Tâm, tổ 22, phường Đồng Tâm được chị tận dụng để trồng rau trong thùng nhựa gồm rau muống, cải xoong, mùng tơi, rau dền, cà chua, các loại rau thơm, hành....
Chị Nguyễn Thị Hồng Tâm, tổ 22, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái chăm sóc rau trồng trong thùng nhựa.
|
Chưa bao giờ vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) lại trở nên nóng bỏng như bây giờ. Trước thực trạng hàng loạt vụ việc, thông tin, phát hiện rau phun thuốc trừ sâu, hoa quả nhiễm hóa chất, tiêm chất kích thích, hóa chất bảo quản… nhiều người dân thành phố Yên Bái đã quay lại trồng rau theo kiểu tự cung tự cấp.
Nhiều năm nay, khoảng trống trên sân thượng ngôi nhà 3 tầng của chị Nguyễn Thị Hồng Tâm, tổ 22, phường Đồng Tâm được chị tận dụng để trồng rau trong thùng nhựa gồm rau muống, cải xoong, mùng tơi, rau dền, cà chua, các loại rau thơm, hành....
Chị Tâm cho biết: “Trồng rau thùng nhựa không khó, không quá tốn kém nhưng lại cần nhiều công sức chăm bón. Thời gian đầu mới trồng vì chưa nắm được quy trình nên có lứa rau gieo hạt không nảy mầm, bị úng rễ, sâu ăn… Nhưng trồng lâu rồi, có kinh nghiệm nên tôi trồng nhiều hơn và thấy không khó. Vất vả một chút, nhưng bây giờ ra chợ mua rau, chỉ nhìn bằng mắt thường không thể phân biệt được đâu là rau sạch, rau bẩn”.
Cùng suy nghĩ ấy, nhưng chị Lê Thị Hồng ở tổ 8, phường Đồng Tâm lại có cách làm khác. Chị Hồng chia sẻ: “Do không đủ điều kiện ánh sáng nên tôi không trồng rau trong thùng xốp hay thùng nhựa. Tôi tận dụng khoảng đất rộng chưa đầy 1m, dài hơn 10 m dọc hành lang trước nhà để trồng rau ngót, mồng tơi, rau muống… Mỗi loại trồng được 2 hàng, chia thành từng khóm nhỏ, được ít nào hay ít ấy, đủ để nấu cháo cho con gái nhỏ, thế là tôi đã thấy may mắn và yên tâm rồi”.
Theo ông Nguyễn Thế Sự - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (QLCLNLS&TS) Yên Bái: “về cơ bản, rau được trồng trong thùng xốp, thùng nhựa là an toàn, bởi không sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, một số hệ lụy có thể ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường như: mùn cưa, xơ dừa, trấu, tro bếp… bị rơi vãi trong quá trình trồng, chăm sóc. Ngoài ra, các vật dụng chứa nước trên sân thượng để tưới rau sẽ là nơi sinh sản lý tưởng cho muỗi và nguy cơ gây ra bệnh sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, đối với những hộ trồng rau trong thùng xốp, sau khi rau cho thu hoạch cần đảm bảo các chất phế thải được xử lý. Nếu tái sử dụng lại, các giá thể cần được mang phơi lại để khử trùng”.
Có thể thấy, trồng rau trên sân thượng bằng thùng xốp, thùng nhựa, mua máy tự làm giá đỗ, máy làm sữa đậu nành… tất cả chỉ là cách làm ứng phó, tạm thời đối với thực trạng thực phẩm bẩn tràn lan ngoài thị trường. Do đó, bên cạnh việc người dân tự tìm cách bảo vệ mình thì cần có hành động quyết liệt từ phía các cơ quan quản lý trong việc đảm bảo ATVSTP để bảo vệ sức khỏe lâu dài cho con người.
Nguyên nhân chính dẫn đến nguồn rau không đảm bảo chất lượng là do quy mô sản xuất rau tại Yên Bái hiện còn manh mún, trình độ canh các của người dân còn hạn chế. Cơ quan quản lý, ngành chức năng trong quá trình kiểm tra, kiểm soát chất lượng ATVSTP gặp phải nhiều hạn chế, khó khăn như: không có cán bộ chuyên trách về ATVSTP tại tuyến huyện, xã; phương tiện làm việc sơ sài; hàng năm kinh phí cho việc lấy mẫu xét nghiệm ít, trong khi có mẫu phí xét nghiệm lên tới vài triệu đồng. Đó là chưa kể đến việc mẫu xét nghiệm phải chuyển tới các trung tâm tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng.
Sau nửa tháng đến một tháng mới có kết quả mẫu xét nghiệm và nếu sai phạm, sản phẩm đã được tiêu thụ, dẫn đến khó thu hồi, xử lý, truy xuất nguồn gốc; số lượng, độ đại diện các mẫu xét nghiệm chưa cao, số mẫu đạt loại A thấp, chủ yếu là các mẫu loại B…
Theo thống kê của Chi cục QLCLNLS&TS Yên Bái, từ năm 2010 đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành đã lấy 110 mẫu rau xét nghiệm, test thử nhanh 577 mẫu. Trong đó, phát hiện 9 mẫu vượt ngưỡng nitrat, 3 mẫu vượt ngưỡng chỉ tiêu lưu huỳnh trên măng, không phát hiện rau có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
“Trong thời gian tới, Chi cục QLCLNLS&TS Yên Bái sẽ đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền phổ biến về ATVSTP. Theo đó, phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng công khai kết quả kiểm tra, đánh giá lấy mẫu xét nghiệm trên thực phẩm; tổ chức tập huấn kiến thức đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, chế biến; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về lĩnh vực sản xuất như: chè, giò, chả, nem chua, thịt sấy, rau… cho các cá nhân, cơ sở sản xuất, chế biến; các mẫu xét nghiệm sau khi được gửi đi có kết quả đánh giá nếu phát hiện sai phạm sẽ tiến hành xử phạt. Nếu cơ sở kinh doanh chế biến 3 năm liên tiếp xếp loại C sẽ bị tước giấy phép kinh doanh…” - ông Sự cho biết thêm.
Có 5 yếu tố ảnh hưởng tới việc sinh trưởng cũng như chất lượng an toàn, chất lượng dinh dưỡng của rau củ khi trồng là đất, phân, nước, ánh nắng và hạt giống. Việc lựa chọn và chăm bón rau ra sao rất quan trọng, bởi nếu bón nhiều quá, rau củ sẽ cứng, nếu bón quá ít, cây sẽ mềm và không đủ khả năng chuyển hóa các chất dinh dưỡng để phát triển. Người trồng rau thùng xốp, thùng nhựa cũng cần lưu ý, buổi chiều nên để cây ở những nơi không có nhiều nắng còn buổi sáng nên cho cây được đón nắng, gió để đạt được giá trị dinh dưỡng tốt nhất. |
Mai Linh
Các tin khác
YBĐT - Bám sát nhiệm vụ theo sự phân công của Ủy ban Bầu cử huyện, Công an huyện Văn Chấn đã tập trung lực lượng xuống địa bàn, kịp thời nắm bắt tình hình ANTT cơ sở, nhất là những địa bàn trọng điểm, địa bàn thị trấn, thị tứ, những nơi thường phát sinh khiếu kiện, có tranh chấp đất đai, những điểm có khai thác khoáng sản...
YBĐT - Từ 24/4 - 30/4 tới đây, huyện Trạm Tấu sẽ triển khai tiêm vắc xin sởi - Rubella cho đối tượng từ 16 - 17 tuổi trên địa bàn với mục tiêu ít nhất trên 90% đối tượng hướng đến trong đợt này được tiêm phòng trong năm 2016.
YBĐT - Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Yên Bái vừa trao số tiền 298 triệu đồng cho xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải để giúp đồng bào khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống sau ảnh hưởng nặng nề của băng giá và mưa tuyết đầu năm 2016.
Bộ Giáo dục -Đào tạo (GD&ĐT) vừa có văn bản gửi các sở GD&ĐT, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh về việc kiểm tra thực hiện Quy chế môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQPAN).