Sách và văn hóa đọc thời đại bùng nổ công nghệ thông tin
- Cập nhật: Thứ tư, 20/4/2016 | 3:15:09 PM
YBĐT - Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, khi mà các loại hình đa phương tiện chiếm ưu thế, thì một bộ phận người dân, nhất là người trẻ đang “hờ hững” với văn hóa đọc. Ở Yên Bái cũng vậy.
Xe thư viện lưu động phục vụ các trường học thuộc các huyện phía Tây của tỉnh.
|
Thực trạng
Có lẽ người nhận thấy sự thay đổi về thực trạng “hờ hững” với sách, với văn hóa đọc rõ nhất đó là những người làm công tác thư viện. Với họ, đó là nỗi buồn cho chính những quyển sách xếp hàng dài trên kệ mà ngày ngày họ cất công bảo quản, gìn giữ như một báu vật.
Đã công tác tại Thư viện tỉnh Yên Bái 14 năm, chị Nguyễn Thị Hiền thấu cảnh bạn đọc tìm đến thư viện lớn nhất tỉnh thưa dần: “Thật chạnh lòng khi phải đưa ra những con số về lượt bạn đọc. Tôi là người hoài cổ nên thường hay mơ về những năm tháng mà bạn đọc phải xếp hàng ở phòng mượn sách để chờ đến lượt. Là người trông coi, bảo quản sách tại đây, tôi yêu những cuốn sách, trong đó là cả một kho kiến thức rộng lớn, vậy mà hằng ngày phải chịu cảnh nằm yên trên giá”.
Trái ngược với cảnh đìu hiu ở phòng đọc truyền thống, tại phòng đọc điện tử “khả dĩ” hơn. Song, bên cạnh những người tra cứu thông tin thực sự lại có lượng khá đông bạn đọc dùng máy tính để lướt facebook hay chơi điện tử.
Ở thư viện thì như vậy, dạo qua một số cửa hàng sách trên địa bàn thành phố Yên Bái đều khá vắng những người tìm mua những cuốn sách yêu thích, thay vào đó, ở các quán cà phê, rất nhiều người ngồi hàng giờ bên chiếc máy vi tính để truy cập Internet, đọc sách báo trên mạng. Hầu hết các cửa hàng sách trên địa bàn thành phố đều hoạt động theo mô hình sách giáo khoa và thiết bị trường học.
Một vài cửa hàng sách khác mô hình này thì lại hoạt động cầm chừng vì ít khách đến hỏi mua. Cửa hàng sách Hồng Hà của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh là một trong số ít cửa hàng sách hiếm hoi trên địa bàn thành phố không theo mô hình “Sách giáo khoa và thiết bị trường học” thì lại khá vắng vẻ dù sách trong cửa hàng khá phong phú về nội dung cũng như hình thức.
Mặc dù có rất nhiều đổi mới trong quản lý, trưng bày, đầu tư nhiều đầu sách ở nhiều lĩnh vực, song hoạt động kinh doanh của cửa hàng không hiệu quả và đã có chủ trương giải thể.
Anh Đức Thắng - phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái hiện đang là cán bộ kỹ thuật tại một công ty chia sẻ: “Tôi thường đặt sách ở các nhà sách online, vì những cuốn đặc thù kỹ thuật tôi không thể tìm mua được ở Yên Bái”.
Mặt khác, hiện nay không chỉ là các bạn trẻ mà cả những cán bộ công chức dành thời gian cho facebook, phim ảnh... sau mỗi giờ lên lớp, mỗi ngày làm việc. Em Thùy Linh, học sinh một trường THPT có tiếng ở Yên Bái cho biết: “Em chỉ đọc sách giáo khoa và sách tham khảo trong chương trình học. Đối với các loại sách khác em ít đọc. Thỉnh thoảng có thời gian em cũng đọc một quyển sách nào đó nhưng phải là sách dễ đọc, vui vui chứ sách khô khan thì không đọc”.
Còn em Thủy Hường - quê ở Văn Chấn đang là sinh viên năm cuối Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình Hà Nội chia sẻ: “Đối với học sinh, sinh viên như chúng em, việc học ở trường đã chiếm phần lớn thời gian nên không có nhiều thời gian cho việc đọc sách. Lúc rảnh rỗi, chúng em thường xem ti vi, vào mạng Internet đọc những thông tin mới, nóng. Em chỉ đọc có một cuốn sách từ đầu năm tới giờ đó là cuốn “Đắc nhân tâm”. Tuy vậy, vì bận học nên chỉ khi nào có thời gian em mới “lôi” ra đọc”.
Chương trình học nặng, chiếm nhiều thời gian của các em học sinh cũng là lý do mà Phó giám đốc Thư viện tỉnh Nguyễn Xuân Thủy đưa ra để lý giải cho tình trạng vài năm trở lại đây lượng bạn đọc đến thư viện thấp: “Các em học sinh đi học kín tuần, thứ 7, Chủ nhật được nghỉ thì học năng khiếu, học thêm... Vì thế, đương nhiên không còn thời gian đọc sách tại nhà chứ chưa nói việc đến được thư viện”. Do đó, theo thống kê của Thư viện tỉnh, lượng bạn đọc vào dịp hè thường cao hơn.
Sự nỗ lực của nhà chức trách
Thực trạng về sách và văn hóa đọc trong thời đại công nghệ thông tin ở Yên Bái có lẽ cũng là tình trạng chung trên toàn quốc. Song, các cơ quan chuyên môn tỉnh Yên Bái đã có nhiều nỗ lực nhằm thay đổi tình hình, thu hút và khơi gợi niềm đam mê đọc sách. Trong đó, phải kể đến nỗ lực của Thư viện tỉnh trong đổi mới hình thức hoạt động, thu hút bạn đọc những năm gần đây.
Ngoài đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giới thiệu sách, bổ sung vốn sách, báo với nội dung đa dạng, phong phú, hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu, sở thích của bạn đọc, Thư viện đã chủ động hướng dẫn bạn đọc khai thác và sử dụng vốn tài liệu hiện có của thư viện, tạo mọi điều kiện thuận lợi để bạn đọc có thể sử dụng thư viện và tìm kiếm thông tin có hiệu quả nhất.
Bên cạnh duy trì hình thức mượn, đọc cá nhân, Thư viện khuyến khích cho mượn sách theo các đơn vị tập thể, cho các lực lượng vũ trang, các trường học... Thư viện đã tiếp tục liên hệ trực tiếp với các trường học tổ chức cấp thẻ và phục vụ lưu động tại các trường tạo mọi điều kiện để cán bộ, giáo viên, sinh viên, học sinh... được đọc sách một cách tốt nhất. Cùng với đó, công tác phục vụ ngoài thư viện được đẩy mạnh, đạt hiệu quả.
Bạn đọc tại Thư viện thị trấn Yên Thế (Lục Yên).
Ông Nguyễn Xuân Thủy cho biết thêm: “Thư viện tỉnh đã mở rộng các điểm phục vụ lưu động tại 9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Đây là hoạt động phục vụ riêng biệt, đặc thù của một tỉnh miền núi nhằm thực hiện tốt mục tiêu hướng về cơ sở, tăng cường nguồn lực cho cơ sở, đồng thời nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa từng bước hình thành thói quen đọc sách và áp dụng những kiến thức đã đọc vào sản xuất, học tập và đời sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn, miền núi, thực hiện tốt Phong trào: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, góp phần thực hiện chương trình Chung tay xây dựng nông thôn mới”.
Theo số liệu thống kê, năm 2015, Thư viện tỉnh đã phục vụ lưu động 180 buổi. Trong đó, số lượt phục vụ vùng sâu, vùng xa là 98 buổi, phục vụ 34.242 lượt bạn đọc, với 58.487 lượt sách, báo luân chuyển, gần 30 nghìn bản sách được mượn tập thể, 3.139 lượt bạn đọc chương trình thư viện điện tử.
Cùng với công tác phục vụ lưu động, năm 2015, Thư viện tỉnh tổ chức luân chuyển sách xuống 20/20 điểm bưu điện văn hóa xã và các điểm luân chuyển sách tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Từ các hoạt động trên, phần nào đã đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin và nâng cao mức hưởng thụ sách báo cho người dân ở cơ sở, góp phần xây dựng văn hóa đọc trong nhân dân.
Cùng xây dựng văn hóa đọc
Trước ý kiến một số bạn trẻ cho rằng, nay là thời đại của công nghệ thông tin, đọc sách trên mạng vừa nhanh, vừa đỡ tốn kém. Ông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng: “Suy nghĩ trên chỉ là cái nhìn bề nổi. Mạng Internet có khối lượng thông tin lớn, nội dung phong phú, nhanh và cập nhật nhưng khi đọc xong, thông tin đọng lại trong người đọc không được bao nhiêu. Người đọc không thể “gặm nhấm”, “nhâm nhi” từng câu văn cũng như linh hồn mà tác giả gửi gắm vào đó giống như đọc sách truyền thống. Khi đọc sách, người đọc cần phải biết chọn lọc sách và phải biết kết hợp hài hòa giữa văn hóa đọc truyền thống và văn hóa đọc hiện đại để đạt được hiệu quả cao nhất”.
Hiện nay, ngoài thư viện truyền thống với trên 200 nghìn bản sách, Thư viện tỉnh còn đầu tư xây dựng thư viện điện tử. Song, trên giao diện, thư viện chỉ giới thiệu tóm lược các tài liệu, còn nếu người đọc quan tâm đến tài liệu đó thì vẫn phải chọn mượn văn bản giấy. Và người đến thư viện cũng hiểu rằng, không gian nơi đây thuận lợi cho việc lĩnh hội tri thức và sáng tạo.
Đọc sách là một trong những cách thức giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy. Thiết nghĩ, việc giữ gìn, phát huy văn hóa đọc rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội mà trước tiên văn hóa đọc bắt nguồn từ gia đình qua việc hình thành và nuôi dưỡng thói quen đọc sách ngay từ thuở ấu thơ.
Rồi tiếp đến là thầy cô - những người dẫn lối cho trẻ đến với văn hóa đọc. Chính họ là những người sẽ kết nối với học sinh về cảm xúc. Và nếu người thầy có thể khiến đám trẻ coi trọng sách - tạo ra một kết nối thực sự, nhu cầu thực sự - đám trẻ có thể sẽ tắt màn hình. Chỉ cần vài giờ thôi trong 24 giờ của một ngày, chỉ cần gia đình, nhà trường và xã hội luôn quan tâm đến giáo dục cho giới trẻ thì chắc chắn văn hóa đọc sẽ mãi tồn tại, cho dù công nghệ số phát triển đến đâu đi chăng nữa.
Thanh Ba
Các tin khác
YBĐT - Trong những năm qua, hoạt động tuyên truyền phổ biến kiến thức khoa học trong chăm sóc sức khỏe (CSSK) nhân dân bằng y học cổ truyền (YHCT) của các cấp hội đông y được triển khai dưới nhiều hình thức.
Hôm nay (20/4), Ngày sách Việt Nam lần thứ 3 chính thức khai mạc trên cả nước, đồng thời, Hội sách chào mừng Ngày sách Việt Nam cũng được khai mạc tại Công viên Thống Nhất, Hà Nội.
Thấy các bạn gặp nạn, những em khác trên bờ nhảy xuống cứu khiến cả tập thể 9 học sinh đuối nước dưới đoạn sông sâu 2m.
YBĐT - Khoảng trống trên sân thượng ngôi nhà 3 tầng của chị Nguyễn Thị Hồng Tâm, tổ 22, phường Đồng Tâm được chị tận dụng để trồng rau trong thùng nhựa gồm rau muống, cải xoong, mùng tơi, rau dền, cà chua, các loại rau thơm, hành....