Các cơ sở đào tạo nghề ở Yên Bái góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
- Cập nhật: Thứ sáu, 29/4/2016 | 3:10:46 PM
YBĐT - Đến nay, toàn tỉnh có 24 cơ sở đào tạo nghề, trong đó, có 2 trường cao đẳng nghề, 2 trường trung cấp nghề, 9 trung tâm dạy nghề và 11 cơ sở khác tham gia hoạt động dạy nghề.
Kỳ thi tay nghề học sinh, sinh viên do Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái tổ chức tháng 4/2016.
|
Cùng với việc hoàn thiện hạ tầng cơ sở, cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính… thì đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho các dự án đầu tư lớn luôn được tỉnh Yên Bái đặc biệt coi trọng. Nhờ đó, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được nâng cao, đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp và xu thế hội nhập, phát triển trong thời đại mới.
Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có cùng những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, Yên Bái đã và đang trở thành điểm đến của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chính vì vậy, để đáp ứng nhu cầu và yêu cầu ngày một cao của thị trường về nguồn nhân lực, tỉnh Yên Bái đã chủ động, tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực tăng về số lượng, bảo đảm về chất lượng, có kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư trên địa bàn, kết hợp các loại hình đào tạo ngắn hạn và dài hạn.
Theo đó, mạng lưới đào tạo nghề trên địa bàn có bước phát triển mạnh cả về cơ sở vật chất và nội dung, chương trình giảng dạy. Đến nay, toàn tỉnh có 24 cơ sở đào tạo nghề, trong đó, có 2 trường cao đẳng nghề, 2 trường trung cấp nghề, 9 trung tâm dạy nghề và 11 cơ sở khác tham gia hoạt động dạy nghề.
Đặc biệt, Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái đã được Chính phủ phê duyệt và đầu tư xây dựng trở thành trường chất lượng cao của cả nước vào năm 2020 với 1 nghề có cấp độ quốc tế, 4 nghề đạt cấp độ ASEAN. Hàng năm, Yên Bái đã ưu tiên bố trí nguồn ngân sách địa phương (chiếm 36%) để đối ứng với nguồn vốn đầu tư của Trung ương trong hỗ trợ đào tạo nghề và đầu tư cơ sở vật chất cho dạy nghề. Điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị các cơ sở dạy nghề ngày càng được đầu tư, nâng cấp hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy nghề.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó trưởng Phòng Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết: “Tỉnh đã xây dựng 37 chương trình đào tạo nghề để áp dụng trên phạm vi toàn tỉnh, trong đó, các ngành nghề như: may công nghiệp, điện dân dụng, kỹ thuật máy nông nghiệp… được tập trung đào tạo để tạo nguồn nhân lực cho các dự án đầu tư lớn của tỉnh”.
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng dạy nghề, hàng năm toàn tỉnh đều tổ chức rà soát, thống kê nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn để xây dựng kế hoạch đào tạo cho phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội ở từng địa phương.
Sở LĐ-TB&XH đã hướng dẫn các địa phương căn cứ quy hoạch phát triển ngành nghề, nhu cầu sử dụng của nền kinh tế, mô hình xây dựng nông thôn mới, mục tiêu giải quyết việc làm để xác định kế hoạch đào tạo cho phù hợp. Qua đó, việc tổ chức dạy nghề đã gắn với nhu cầu sử dụng của nền kinh tế và yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở từng địa phương.
Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, Yên Bái thực hiện đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp trong lĩnh vực đào tạo, dạy nghề, đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh; đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, dạy nghề gắn với sử dụng nguồn nhân lực sau khi đào tạo xong. Ngoài ra, tỉnh cũng thực hiện phân cấp cho các huyện, thị xã, thành phố thực hiện đặt hàng đào tạo, dạy nghề cho các đối tượng thuộc phạm vi cấp huyện quản lý…
Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, thời gian qua, khi Yên Bái mở cửa thu hút đầu tư đã có nhiều doanh nghiệp “dừng chân” xây dựng cơ sở hạ tầng và triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, Phòng đã tổ chức nhiều lớp dạy nghề theo địa chỉ và đào tạo nghề theo nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, qua đó đã góp phần tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.
Thống kê của Sở LĐ-TB&XH cho thấy, từ 2011 - 2015, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho trên 60 ngàn người, trong đó có trên 31 ngàn lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo chính sách của Đề án 1956, đã có trên 70% lao động có việc làm sau học nghề. Quy mô đào tạo nghề ngày càng tăng, chất lượng và hiệu quả dạy nghề có bước chuyển biến tích cực, đào tạo nghề đã gắn với nhu cầu thị trường lao động. Hết năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 45%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 30%. Chất lượng lao động trên địa bàn tỉnh qua các năm đã có sự cải thiện đáng kể và không có sự chênh lệch nhiều so với các tỉnh trong khu vực trung du miền núi phía Bắc.
Có thể nói, với việc đẩy mạnh các giải pháp đào tạo, dạy nghề, chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn đã từng bước được nâng lên. Qua đó, góp phần thu hút đầu tư và từng bước đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Hùng Cường
Các tin khác
YBĐT - Trẻ em là đối tượng dễ bị xâm hại, nhất là trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV, các em dễ bị tổn thương về sức khỏe, tâm lý. Ánh mắt kỳ thị, xa lánh của mọi người xung quanh sẽ làm các em thêm tự ti, mặc cảm. Bởi thế, giúp trẻ nhiễm HIV hòa nhập cộng đồng rất cần sự quan tâm, chia sẻ và có những chính sách chăm lo.
YBĐT - “Yên Ninh ta ra đi băng qua rừng suối sâu với đèo cao. Sương đêm mênh mông tiến quân trên đường thiên lý mạnh bước. Xa quê hương ta ra đi càng thiết tha yêu bản làng. Ta hy sinh không ngại ngần vì miền Nam yêu thương”…
YBĐT - Những năm qua, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS/KHHGĐ) của tỉnh đã đạt được kết quả đáng khích lệ, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên được khống chế, duy trì ở mức 1,2%.
YBĐT - Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý khám chữa bệnh (KCB) và thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) là yêu cầu bức thiết để hiện đại hóa ngành y tế. Tuy nhiên, vấn đề này trong thời điểm hiện tại đang còn gặp nhiều khó khăn.