Mô hình “Tình chị em” đang phát huy hiệu quả
- Cập nhật: Thứ sáu, 6/5/2016 | 3:46:56 PM
YBĐT - Dự án “Hoàn thiện và nhân rộng toàn quốc mô hình nhượng quyền xã hội dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (CSSKSS/KHHGĐ) tại các cơ sở y tế nhà nước” (Tình chị em) do Tổ chức Atlantic Philanthropies (AP) là một trong những mô hình sáng tạo của Marie Stopes International tại Việt Nam tài trợ.
Các học viên trạm y tế xã tham gia thực hành cấp cứu trên mô hình tại lớp tập huấn.
|
Với mục tiêu tổng thể là cải thiện sức khỏe bà mẹ thông qua việc nhân rộng toàn quốc mô hình nhượng quyền xã hội tại các cơ sở y tế công, nhằm cung cấp các dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ có chất lượng cao tiếp theo thành công của mô hình tại một số tỉnh giai đoạn 1 và 2.
Trong giai đoạn 3 này, Dự án "Tình chị em” được triển khai tại 3 tỉnh: Yên Bái, Cà Mau, Đắk Lắk từ năm 2013 đến năm 2016 với mục tiêu hoàn thiện mô hình, mở rộng mạng lưới và vận động chính sách để nhân rộng toàn quốc. Dự án được triển khai tại 90 trạm y tế xã, phường với 4 nhóm hoạt động chính là: khảo sát và đánh giá; nâng cao năng lực người cung cấp dịch vụ và chất lượng dịch vụ; nâng cao nhận thức và tạo nhu cầu cho người dân; thể chế hóa và nhân rộng mô hình.
Cho đến nay, tại mỗi tỉnh, Marie Stopes International Việt Nam đã phối hợp với sở y tế trong tất cả các hoạt động từ việc lựa chọn và thiết lập phòng thương hiệu tại trạm y tế xã, phường đến việc đào tạo giảng viên nguồn tuyến tỉnh, tổ chức các khóa tập huấn của giảng viên nguồn cho cán bộ trạm y tế tham gia mạng lưới đến giám sát hỗ trợ các hoạt động của trạm y tế.
Tại tỉnh Yên Bái, Dự án thực hiện tại 30 trạm y tế thuộc 4 địa phương gồm: huyện Trấn Yên 10 trạm; huyện Yên Bình 10 trạm; huyện Trạm Tấu 4 trạm và 6 trạm của thành phố Yên Bái. Dự án đã tuyển chọn 15 giảng viên nguồn thuộc các đơn vị trong ngành và Trường Cao đẳng Y tế Yên Bái tham gia các khóa đào tạo do Marie Stopes International Việt Nam tổ chức về: phòng chống nhiễm khuẩn và giám sát hỗ trợ; nhượng quyền xã hội và chất lượng dịch vụ; tiếp thị xã hội và tạo nhu cầu khác hàng; sàng lọc sớm ung thư cổ tử cung bằng Acid Acetic (VIA) và ung thư vú; kỹ năng tư vấn CSSKSS/KHHGĐ; chuẩn bị cấp cứu cơ bản tại trạm y tế xã, phường; đánh giá nhu cầu, thiết kế đào tạo dựa theo khung năng lực. Sau đào tạo, giảng viên nguồn đã tham gia tập huấn đợt 1 được 13 lớp cho 478 cán bộ trạm y tế và chuyên trách dân số xã của 30 trạm y tế tham gia Dự án.
Trong quý I/2016, đã tập huấn lại đợt 2 được 7 lớp với 231 học viên là trưởng trạm, cán bộ phụ trách truyền thông - giáo dục sức khoẻ, nữ hộ sinh trung học, y sỹ, y sỹ sản nhi tại 30 trạm y tế tham gia Dự án và cán bộ y tế ở 6 xã nhân rộng mô hình năm 2016 thuộc 4 địa phương thụ hưởng Dự án gồm các xã: xã Túc Đán (Trạm Tấu), xã Hưng Thịnh, Cường Thịnh (Trấn Yên), xã Tân Hương (Yên Bình), xã Giới Phiên, Tuy Lộc, thành phố Yên Bái.
Nhằm có thêm các kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện các hoạt động Marie Stopes International Việt Nam còn tổ chức cho ban quản lý, cán bộ đi thăm quan học tập mô hình trạm y tế “Tình chị em” tại tỉnh: Vĩnh Long, Thái Nguyên để nắm được các bước triển khai dự án như: khảo sát lựa chọn huyện, xã tham gia dự án, lựa chọn và đào tạo giảng viên nguồn, đại sứ thương hiệu. Tuyển chọn và tập huấn cho 163 đại sứ thương hiệu tại 30 xã Dự án từ các nhân viên y tế thôn bản, cộng tác viên dân số.
Phòng thương hiệu “Tình chị em” tại 30 trạm y tế trong tỉnh được sơn sửa, trang bị bàn ghế, giá để tài liệu, cốc, bình nước, lọ hoa, bình phong, rèm cửa và tài liệu tuyên truyền luôn đáp ứng nhu cầu tư vấn về CSSKSS/KHHGĐ cũng như tư vấn về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân (CSSKND) các dân tộc trong vùng. Trang thiết bị y dụng cụ phòng chống nhiễm khuẩn và y dụng cụ thực hiện kỹ thuật dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ được bổ sung đầy đủ đảm bảo phục vụ cho công tác CSSKND tại trạm y tế như: chăm sóc thai nghén, đỡ đẻ, khám điều trị các bệnh lây truyền qua đường sinh sản và đường tình dục, thực hiện các biện pháp tránh thai...
Sau một thời gian triển khai đến nay, chất lượng các dịch vụ kỹ thuật cũng như kỹ năng tư vấn, vận động khách hàng đã từng bước được nâng cao. Cơ sở vật chất, trang thiết bị CSSKSS/KHHGĐ và phòng thương hiệu “Tình chị em” đã phát huy hiệu quả. Trạm y tế đã thu hút được nhiều khách hàng đến nhận tư vấn và thực hiện các dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ cũng như các dịch vụ CSSK khác. Đến với trạm y tế “Tình chị em” mọi người dân luôn nhận được sự tiếp đón với thái độ niềm nở, thân thiện của các nhân viên y tế.
Công tác truyền thông, quảng bá thương hiệu của Dự án được triển khai bằng nhiều hình thức, trong đó đã thực hiện 1 phóng sự truyền hình, 1 phóng sự phát thanh phát trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, tuyên truyền trên 6 số Bản tin sức khỏe, Trang thông tin điện tử, phát thanh trên đài truyền thanh thuộc 30 xã của Dự án 2 lần/tháng.
Hoạt động truyền thông: truyền thông nhóm tại cộng đồng 2 lần/xã/tháng; thăm hộ gia đình, mỗi đại sứ thương hiệu đến thăm trên 5 hộ/tháng. Hoạt động giám sát hỗ trợ được Ban quản lý Dự án tỉnh triển khai định kỳ hàng quý, nhằm giúp đỡ các cán bộ trạm y tế tuân thủ các quy trình chuyên môn tốt hơn. Nhờ đó, thương hiệu “Tình chị em” đã trở thành địa chỉ tin cậy của chị em phụ nữ trong lĩnh vực CSSKSS/KHHGĐ.
Năm 2016 là năm cuối thực hiện giai đoạn 3 của Dự án, hiện nay Ban quản lý Dự án tỉnh Yên Bái đang chọn 6 trạm y tế để nhân rộng mô hình trạm y tế “Tình chị em”. Chỉ đạo các trạm y tế “Tình chị em” tiếp tục tổ chức các hoạt động truyền thông, quảng bá thương hiệu từ tỉnh đến các thôn thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng lưới đại sứ thương hiệu. Hàng quý, đều thành lập các đoàn để giám sát hỗ trợ trạm y tế về chuyên môn, chất lượng dịch vụ, kỹ năng truyền thông. Thực hiện các dịch vụ kỹ thuật và tư vấn tại phòng thương hiệu trạm y tế và tại cộng đồng.
Sau khi dự án kết thúc, Sở Y tế sẽ cùng trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục duy trì tốt các hoạt động của trạm y tế “Tình chị em”. Đồng thời, nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh nhằm tăng cường sự tiếp cận của chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh sản với các dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ có chất lượng cao ngay tại trạm y tế mà không phải lên tuyến trên. Mô hình trạm y tế “Tình chị em” sẽ được duy trì góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân tại địa phương, đặc biệt là chị phụ nữ ở các vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.
Thanh Thế
Các tin khác
Bộ Y tế cho biết, từ tháng 6 tới, một số vaccine mới sẽ được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng thường xuyên miễn phí.
YBĐT - Sáng 6/5, Trường mầm non Cộng đồng thuộc Trung tâm Giới thiệu việc làm phụ nữ Yên Bái tổ chức cho các cháu khối lớp 5 tuổi đi thăm quan Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái.
YBĐT - Năm 2011, Thành ủy Yên Bái ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc xây dựng, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị trên địa bàn thành phố Yên Bái giai đoạn 2011 - 2015 và đến năm 2020".
YBĐT - Khoảng 5 giờ sáng ngày 4/5, trên địa bàn xã Tân Phượng, huyện Lục Yên đã xảy ra bão lốc làm thiệt hại lớn về nhà cửa, cây cối và hoa màu của nhân dân, may mắn không có thiệt hại về người.