Hiệu quả nguồn lực giảm nghèo
- Cập nhật: Thứ sáu, 20/5/2016 | 2:57:00 PM
YBĐT - Để thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, những năm qua, huyện Trạm Tấu đã triển khai đồng bộ các chương trình, dự án gồm: hợp phần phát triển kinh tế huyện, ngân sách phát triển xã, tăng cường năng lực và quản lý dự án và giám sát. Các nguồn lực đầu tư đã góp phần tích cực cho kinh tế, xã hội của địa phương phát triển, người nghèo đã giảm bớt khó khăn và ổn định cuộc sống.
Cán bộ Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Trạm Tấu, hướng dẫn người dân kê khai cấp thẻ bảo hiểm y tế.
|
Để sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo Công tác giảm nghèo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành thành viên. Hàng năm, ban chỉ đạo công tác giảm nghèo cấp xã xây dựng kế hoạch giảm nghèo của địa phương; kiểm tra, giám sát các chương trình, dự án được đầu tư; điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo…
Giai đoạn 2011-2015, tổng kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên địa bàn huyện đạt trên 1.652 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách trung ương trên 682 tỷ đồng, bao gồm vốn đầu tư phát triển trên 676 tỷ đồng và vốn sự nghiệp trên 5,3 tỷ đồng. Vốn ngân sách địa phương trên 178 tỷ đồng, gồm vốn đầu tư phát triển trên 141 tỷ đồng và vốn sự nghiệp trên 37 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn nhiều nguồn vốn khác như: vốn vay tín dụng ưu đãi trên 63 tỷ đồng, vốn huy động cộng đồng trên 550 tỷ đồng, vốn ODA, vốn trái phiếu chính phủ trên 178 tỷ đồng… Từ các nguồn vốn hỗ trợ, các dự án được triển khai tại 12 xã, thị trấn, trong đó, chính sách hỗ trợ sản xuất bằng việc hỗ trợ hộ nghèo phát triển chăn nuôi trâu cái sinh sản, khôi phục đàn lợn, mua giống lúa, ngô mới, phân bón và chuyển đổi toàn bộ diện tích lúa nương sang trồng ngô, cỏ voi, hỗ trợ máy nông cụ… với kinh phí thực hiện trên 22, 2 tỷ đồng.
Các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng được đặc biệt quan tâm đầu tư gồm: 11 công trình giao thông, 10 công trình thủy lợi, 4 công trình cấp nước sinh hoạt, 5 công trình nhà công vụ giáo viên và 1 công trình san tạo mặt bằng phụ trợ với kinh phí trên 164,6 tỷ đồng. Chương trình hỗ trợ nhà ở, sau 5 năm toàn huyện có 375 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ về nhà ở, với kinh phí trên 3,9 tỷ đồng.
Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từ năm 2011 đến nay, có 1.969 lao động nông thôn thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số được học các nghề như: trồng trọt, chế biến lâm sản, chăn nuôi thú y, sửa chữa xe máy, điện dân dụng, gò hàn, bảo vệ thực vật, xây dựng… Qua học nghề, đã giúp cho trên 200 người đi XKLĐ, góp phần vào công tác giảm nghèo tại địa phương.
Cùng hỗ trợ cho phát triển sản xuất, người dân thuộc hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn còn được hưởng các chế độ, chính sách của Chính phủ như: 2.504 hộ nghèo được vay vốn ưu đãi với số tiền trên 63 tỷ đồng; chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng, giao 164.490 ha rừng khoanh nuôi cho 26.581 lượt hộ tham gia quản lý bảo vệ, kinh phí trên 36 tỷ đồng.
Ngoài ra, 10.844 hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn được hỗ trợ dầu hỏa thắp sáng, được trợ giúp pháp lý miễn phí. Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, trẻ em từ 3 đến 5 tuổi thuộc vùng khó khăn được hỗ trợ tiền ăn trưa; học sinh, sinh viên được miễn giảm học phí, được hỗ trợ chi phí học tập. Chính sách hỗ trợ về y tế đối với người nghèo cũng được đặc biệt quan tâm. Toàn huyện có 110.756 người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, cựu chiến binh, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Công tác khám, chữa bệnh được triển khai thường xuyên tại các trạm y tế xã, cung ứng thuốc kịp thời, đầy đủ, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.
Trong 5 năm, đã tiến hành khám, chữa bệnh miễn phí cho trên 137.000 lượt người nghèo… Từ các nguồn vốn đầu tư cho chương trình giảm nghèo, đến nay 100% xã trên địa bàn huyện có đường ô tô đến trung tâm xã, 100% xã có điện lưới quốc gia. Hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 5%, một số xã do có các chương trình dự án đầu tư, đã giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh như: Hát Lừu, Bản Công, Pá Hu…
Qua chương trình đã nâng mức thu nhập bình quân đầu người từ 5,5 triệu đồng/người/năm 2011, tăng lên năm 2015 đạt 10,5 triệu đồng/năm. Một số ngành nghề có bước tăng trưởng khá như: dịch vụ, công nghiệp xây dựng, góp phần tạo việc làm mới cho 700 người/năm.
Các công trình giao thông, thủy lợi có ý nghĩa quan trọng trực tiếp với đời sống của người dân và đã giảm bớt sức lao động, thời gian vận chuyển, đảm bảo nước tưới tăng diện tích cây trồng. Những hộ nghèo được tham gia các hoạt động sinh kế, có điều kiện nâng cao thu nhập, làm chủ kinh tế hộ gia đình và còn làm thay đổi suy nghĩ, cách làm truyền thống của người dân trong tình trạng nuôi, trồng mang tính tự phát, nay đã có tính toán đầu tư đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Để triển khai hiệu quả chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, huyện Trạm Tấu mong muốn tiếp tục được duy trì các chính sách giảm nghèo; tiếp tục hoàn thiện các chương trình đang được đầu tư về giao thông, thủy lợi và công trình cấp nước sinh hoạt. Tăng cường kiểm tra, giám sát các chương trình, dự án được đầu tư, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư và phấn đấu thực hiện mục tiêu mỗi năm huyện giảm 6% hộ nghèo.
Thạch Phong
Các tin khác
YBĐT - Theo khảo sát hàng năm trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ thì số lao động cần được giải quyết việc làm khoảng 1.000 người. Tuy nhiên, trong số này đa phần tự giải quyết việc làm thông qua đi lao động ngoài tỉnh và việc làm ở địa phương.
YBĐT - 137 cán bộ, công chức và lực lượng vũ trang của huyện Yên Bình đang tích cực tham gia vào 26 tổ công tác chỉ đạo, hướng dẫn, phục vụ công tác bầu cử tại các xã, thị trấn.
Nhân 126 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, các ngày qua đã có 66.104 lượt người vào Lăng viếng Bác; trong đó có 11.540 lượt khách nước ngoài.
Sáng ngày 19/5, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức trao giải cuộc thi cho các thí sinh xuất sắc vòng 1, cuộc thi Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh lần thứ III - năm 2016 phần thi trắc nghiệm.