Bài 1: Những kết quả đào tạo nghề
- Cập nhật: Thứ hai, 30/5/2016 | 2:07:50 PM
YBĐT - Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Yên Bái đạt 45%, trong đó qua đào tạo nghề đạt 30%.
Lao động người dân tộc Dao huyện Văn Yên tham gia lớp đào tạo nghề may.
|
Nguồn nhân lực giữ vai trò quyết định trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong sự nghiệp CNH - HĐH hiện nay. Từ sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND; của các cấp, các ngành, các địa phương và sự nỗ lực của ngành lao động - thương binh và xã hội (LĐTB&XH) cũng như các cơ sở đào tạo, mạng lưới đào tạo nghề của Yên Bái hiện nay tương đối hoàn thiện.
Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Yên Bái đạt 45%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 30%. Nguồn nhân lực này là yếu tố quan trọng góp phần vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư của tỉnh những năm qua. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, để có nguồn nhân lực chất lượng, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, cũng như nâng cao về quy mô và chất lượng là vấn đề đang đặt ra trong công tác đào tạo nghề hiện nay.
Xuất thân từ một gia đình làm kinh tế nông nghiệp tại xã Vân Hội, huyện Trấn Yên, sau 2 năm học ngành điện tại Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái, Vũ Trung Hiếu đã được tuyển vào làm việc tại Công ty cổ phần Xi măng Yên Bình. Có việc làm ổn định với mức thu nhập hiện nay khoảng 5 triệu đồng/tháng, Hiếu có điều kiện giúp đỡ gia đình ổn định cuộc sống. Đây là một trong hàng ngàn trường hợp thanh niên của Yên Bái tìm được việc làm, có thu nhập ổn định sau khi được học nghề tại địa phương.
Là tỉnh miền núi nhiều khó khăn, tuy nhiên, thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, xây dựng tỉnh thành trung tâm đào tạo nhân lực trong khu vực, với quyết tâm cao và những giải pháp căn cơ, quy mô đào tạo, chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề của Yên Bái đã có bước chuyển tích cực.
Đánh giá những kết quả công tác đào tạo nghề, ông Ngô Thanh Giang - Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Yên Bái cho biết: “Từ sự quan tâm lãnh đạo của tỉnh, sự giúp đỡ của các bộ, ngành trung ương, Yên Bái đã có mạng lưới đào tạo nghề tương đối hoàn chỉnh. Hết năm 2015, toàn tỉnh có 24 cơ sở dạy nghề gồm 2 trường cao đẳng nghề, 2 trường trung cấp nghề và 7 trung tâm, 11 cơ sở tham gia dạy nghề. Với mạng lưới cơ sở đào tạo nghề hiện có, quy mô, chất lượng dạy nghề của tỉnh ngày càng đáp ứng nhu cầu của xã hội”.
Đánh giá của lãnh đạo ngành LĐTB&XH được minh chứng: đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Yên Bái đạt 45%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 30%. Trong đó, Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành 1/40 trường chất lượng cao của cả nước đến năm 2020, được Bộ LĐTB&XH phê duyệt đầu tư 1 nghề đào tạo đạt cấp độ quốc tế, 3 nghề đào tạo đạt cấp độ Asean. Đối với 2 trường trung cấp nghề là Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ và Trung cấp Nghề Lục Yên, đã được Bộ LĐTB&XH phê duyệt đầu tư mỗi trường có 3 nghề đào tạo đạt cấp độ quốc gia.
Bên cạnh đó, mạng lưới các trung tâm dạy nghề cấp huyện được củng cố và phát triển trên cơ sở sáp nhập với trung tâm dạy nghề và giáo dục thường xuyên, đã đáp ứng được yêu cầu dạy nghề cho lao động địa phương. Đặc biệt, cùng xây dựng 37 chương trình đào tạo nghề, từ năm 2010, Yên Bái là tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp trong lĩnh vực đào tạo, dạy nghề, đào tạo cho cán bộ, công chức, viên chức theo Quyết định 10/2010/QĐ - UBND của UBND tỉnh. Hàng năm, Sở LĐTB&XH đều khảo sát, bổ sung danh mục đào tạo nghề, nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp và năng lực đào tạo của cơ sở dạy nghề để xây dựng kế hoạch, sát thực tế với nhu cầu học nghề của từng địa phương.
Điểm sáng trong đào tạo nghề thời gian qua là đào tạo nghề cho lao động nông thôn. 5 năm qua (2011 - 2015), đã có trên 4,8 vạn lao động nông thôn được đào tạo nghề và gần 3,2 vạn lao động được hỗ trợ học nghề theo chính sách Đề án 1956 (bình quân 6.400 lao động/năm). Qua đó, đưa tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt 42,8%, tỷ lệ có việc sau khi học nghề đạt trên 70%. Đặc biệt, từ năm 2010 - 2014, đã có 12.373 hộ sau khi học nghề được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế với số tiền trên 247 tỷ đồng.
Yên Bình là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi đại gia súc và du lịch vùng, huyện có trên 54.000 người trong độ tuổi lao động nên nhu cầu đào tạo nghề là rất lớn. Về kết quả công tác dạy nghề, ông Nguyễn Văn Trọng - Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Hiệu quả dạy nghề là rất rõ. Cùng một bộ phận theo học cao đẳng, trung cấp, từ năm 2012 đến 2015, toàn huyện đã mở 78 lớp đào tạo nghề cho 2.263 lao động nông thôn. Qua đó đã giúp nhiều nông dân có kiến thức, tiếp cận khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và làm giàu. Trong đó, nhiều người tìm được việc làm trong các cơ sở sản xuất và các doanh nghiệp qua đó ổn định cuộc sống”.
Cũng như Yên Bình, trong 5 năm qua, đã có 3.251 lao động của huyện vùng cao Mù Cang Chải được đào tạo nghề và đào tạo theo Quyết định 1956 là 2.747 lao động. Ông Vũ Tiến Đức - Chủ tịch UBND huyện đánh giá: “Việc đào tạo nghề đã góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện từ 16,2% năm 2010 lên 27% năm 2015, góp phần quan trọng tạo nguồn nhân lực có chất lượng để vùng cao thực hiện xóa đói giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm trung bình mỗi năm 6%”.
Có thể thấy, chất lượng và hiệu quả dạy nghề thời gian qua đã có bước chuyển biến tích cực, đào tạo nghề đã gắn với nhu cầu thị trường lao động. Theo báo cáo của ngành LĐTB&XH mỗi năm, có hàng nghìn lao động sau khi học nghề được các doanh nghiệp trong tỉnh tuyển dụng vào làm việc như: Công ty cổ phần Cơ khí và Xây dựng Yên Bái, Công ty cổ phần Xi măng Yên Bái, Công ty cổ phần Xi măng Yên Bình, Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn, Công ty TNHH Deasung Global, Công ty TNHH Unico Global…
Đặc biệt, từ khi đi vào hoạt động đến nay, các công ty may trên địa bàn tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề may cho trên 2.300 lao động. Riêng trong quý I/2016, các doanh nghiệp này đã đào tạo 985 lao động để tuyển dụng vào làm việc, trong đó, Công ty TNHH Quốc tế Vina KNF đào tạo 600 lao động, Công ty cổ phần May Chiến Thắng đào tạo 250 lao động. Cùng vào làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh, nhiều lao động sau khi được đào tạo nghề đã được giới thiệu làm việc tại các doanh nghiệp ngoài tỉnh như Công ty May Đức Giang, Tổng công ty Xây dựng Sông Hồng, Nhà máy điện tử Sam Sung Thái Nguyên… Ngoài ra, có trên 700 lao động đi làm việc tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…
Có kiến thức, có tay nghề, có việc làm, đây là yếu tố vô cùng quan trọng để lao động ổn định cuộc sống, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây cũng là yếu tố để nhiều nhà đầu tư đến với Yên Bái trong thời gian qua.
Giai đoạn 2011 - 2015, Yên Bái có 59.400 người được đào tạo nghề (bình quân 12.000 người/năm). Trong đó, trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề gần 8.600 người (chiếm 14,5%); trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng là 50.800 người (chiếm 85,5%).
Theo Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015, với 45% lao động qua đào tạo, trong đó, lao động qua đào tạo nghề đạt 30%, chỉ số đào tạo lao động của Yên Bái đạt 5,65 điểm, tăng 0,59 điểm so với năm 2014 và không có sự chênh lệch nhiều so với các tỉnh trong khu vực Trung du miền núi phía Bắc. Chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện đã góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Yên Bái đã tăng 4 bậc so với năm 2014, xếp thứ 51/63 tỉnh, thành. Dạy nghề cho lao động nông thôn đã góp phần để nhiều mô hình kinh tế, tạo việc làm có thu nhập như: nuôi ong mật tại xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải; trồng và sơ chế măng tre Bát độ ở xã Kiên Thành; nuôi tằm ở xã Đào Thịnh, Tân Đồng, huyện Trấn Yên; trồng nấm ở Văn Yên… phát triển, với thu nhập bình quân của lao động sau học nghề đạt từ 3,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng. |
Đình Tứ - Phong Sơn
Bài 2: Cơ sở nhiều - chất lượng chưa tương xứng
(Xem tiếp số sau)
Các tin khác
YBĐT - Sáng 30 - 5, Trường Mầm non Hồng Ngọc, thành phố Yên Bái tổ chức lễ tổng kết năm học, vui Tết thiếu nhi 1/6, chia tay bé 5 tuổi vào lớp 1.
YBĐT - Chiều 29/5, Tỉnh đoàn Yên Bái, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh và Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức Lễ trưởng thành Học kỳ trong quân đội năm 2016 cho 106 chiến sỹ “nhí” sau 7 ngày đêm trải qua các nội dung trong chương trình Học kỳ trong quân đội năm 2016.
YBĐT- Với các phong trào, hoạt động cụ thể của các cấp, ngành, sự quan tâm của phụ huynh, hy vọng mùa hè này, các em sẽ có những sân chơi thật sự ý nghĩa, khắc ghi dấu ấn tuổi thơ qua những trò chơi, hoạt động bổ ích, lý thú.
Ngày 27-5, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết dự án VNEN - thực hiện mô hình trường học mới ở bậc giáo dục tiểu học.