Phòng chống đuối nước - vấn đề cấp thiết

  • Cập nhật: Thứ tư, 1/6/2016 | 2:59:01 PM

YBĐT - Hàng năm, cứ đến hè, tình trạng trẻ em, học sinh bị đuối nước liên tiếp xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Với đặc thù là tỉnh có nhiều sông, suối, ao, hồ, Yên Bái cũng là một trong những địa bàn phức tạp và “nóng” về vấn đề này.

Một lớp dạy bơi cho trẻ em của Câu lạc bộ Hào Gia (thành phố Yên Bái).
Một lớp dạy bơi cho trẻ em của Câu lạc bộ Hào Gia (thành phố Yên Bái).

Những tai nạn thương tâm

Chúng tôi đến thăm gia đình nhà chị N.T.H vào một buổi chiều tháng 5, ngôi nhà mái ngói nằm bên cạnh sông Hồng, khu Ghềnh Linh, xã Minh Tiến, huyện Trấn Yên, nơi chị H đang sinh sống vắng tiếng người. Đã 4 năm nay chị H thui thủi một mình, từ khi cậu con trai B.Đ.H ra đi vĩnh viễn do tai nạn đuối nước. Quá đau buồn trước cái chết của con, chồng chị anh S như điên, như dại bỏ nhà đi.

Kể từ ngày cậu bé Đ.H ra đi, chị H vẫn ngày đêm thương nhớ con và không thể quên cái ngày đau buồn nhất cuộc đời mình. Đó là một sáng trời thu tháng 10/2010, chị đi chợ như mọi ngày, Đ.H ở nhà với bố. Hôm đó là sinh nhật bạn cùng lớp, Đ.H xin phép bố cho đi ăn sinh nhật bạn, lúc về đã quá trưa mấy bạn học cùng lớp rủ nhau ra sông tắm, không may Đ.H gặp dòng xoáy, do không biết bơi nên em bị sặc nước và ra đi mãi mãi để lại niềm tiếc thương cho gia đình, bạn bè, thầy cô giáo.

Chị H nghẹn ngào nói: “Năm 38 tuổi tôi mới lập gia đình, một năm sau thì mang thai Đ.H, niềm vui vỡ òa khi Đ.H chào đời xinh xắn, khoẻ mạnh, lớn lên cháu rất ngoan, thương bố, thương mẹ. Từ lớp 1 đến lớp 4 cháu đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, khi cháu mất tôi chưa một lần xem lại ảnh Đ.H, mỗi lần gặp bạn cháu đi học về tôi ứa nước mắt vì thương nhớ con”.

Cũng nỗi đau mất con do tai nạn đuối nước, chị Y ở xã Mai Sơn, huyện Lục Yên như cắt từng khúc ruột khi đứa con trai 3 tuổi ra đi mãi mãi. Sự ra đi của bé T, đến giờ vẫn là nỗi dằn vặt của người mẹ trẻ. Hôm đó, chị Y bận, để bé T tự chơi một mình ngoài sân, gần sân có cái ao không may bé T ngã xuống không ai biết. Chỉ khi không thấy con đâu, chị Y tá hỏa đi tìm thì phát hiện bé T đã tử vong. Trường hợp tử vong do tai nạn đuối nước của bé T và H chỉ là 2 trong số hàng chục vụ trẻ đuối nước thương tâm trên địa bàn tỉnh Yên Bái mỗi năm.

Chủ động phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em dịp hè

Mùa hè đến cũng là thời điểm số vụ tai nạn đuối nước trẻ em gia tăng. Để phòng tránh, hạn chế tối đa hậu quả do đuối nước gây ra, các ngành chức năng khuyến cáo các gia đình đề cao ý thức trong việc trông nom, quản lý trẻ, đồng thời chủ động trang bị cho trẻ các kỹ năng bơi lội, sơ cứu cần thiết để tự bảo vệ bản thân.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh, năm 2015, toàn tỉnh xảy ra 120 vụ tai nạn thương tích trẻ em, làm tử vong 9 trẻ, trong đó đáng nói là có 9 trường hợp trẻ tử vong đều do đuối nước. Trong 5 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ đuối nước. Không biết bơi, chưa được trang bị những kiến thức, nhận thức về an toàn trên mặt nước là nguyên nhân hàng đầu của hầu hết các vụ đuối nước ở trẻ em.

Chị Nguyễn Bích Huyền - phường Minh Tân, thành phố Yên Bái cho biết: “Trang bị kỹ năng bơi lội cho trẻ là việc làm cần thiết, nhất là sau các vụ tai nạn đuối nước xảy ra nhiều trong thời gian gần đây. Tôi thường hay đưa con đi tập bơi. Tôi nghĩ, nếu các nhà trường có môn học bơi cho các em thì rất hữu ích”. Ngoài ra, nhiều bậc phụ huynh vẫn còn tâm lý chủ quan, thiếu sự quản lý, theo dõi để trẻ tự do tìm đến sông, ao, hồ, hố nước đùa nghịch, tắm mát mà không có sự giám sát của người lớn, không có các trang bị bảo hộ…

Nhằm nâng cao nhận thức cho trẻ em và các gia đình về vấn đề này, từ năm 2010, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã triển khai chương trình phòng, tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em tại 9 huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền rộng khắp bằng nhiều hình thức như: phát tờ rơi, trên các phương tiện thông tin đại chúng, phổ biến kiến thức về phòng tránh đuối nước ngay tại các trường học, xã, phường... Nhiều khóa học bơi ngắn hạn cho trẻ em được mở tại các bể bơi vào dịp hè thu hút sự quan tâm của đông đảo phụ huynh và các em nhỏ.

Tuy nhiên, theo nhận định của những người làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, việc phòng, tránh đuối nước trẻ em vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Rất nhiều khuyến cáo của các cấp, ngành chức năng được đưa ra nhằm bảo vệ trẻ khỏi đuối nước như: không cho trẻ đi tắm, bơi ngoài sông, hồ mà không có người lớn biết bơi đi kèm; rào quanh ao, hố nước để tránh các em khi chơi đùa bị ngã, rơi xuống; lấp kín các hố, rãnh nước sau khi sử dụng; làm nắp đậy chắc chắn, an toàn cho giếng, bể nước; nên dạy bơi cho trẻ…

Song thực tế, các khuyến cáo này ít được phụ huynh vùng nông thôn để ý hoặc đã biết nhưng chưa có sự quan tâm kịp thời. Hiện, đa số các bể bơi và các khóa học bơi đều tập trung tại thành phố, thị xã, khu đô thị, trẻ em nông thôn rất khó tiếp cận, trong khi đó việc dạy bơi và rèn luyện kỹ năng phòng tránh đuối nước miễn phí cho trẻ em chưa triển khai thường xuyên. Đây là sự thiệt thòi rất lớn cho các em, nhất là trẻ ở nông thôn.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn - Trưởng phòng Bảo vệ Chăm sóc trẻ em, Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết: “Đuối nước hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu mọi người nâng cao ý thức. Gia đình, nhà trường và xã hội cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho mọi người, nhất là cho trẻ em thông qua việc dạy bơi cho trẻ. Bên cạnh đó, cần phổ cập kỹ năng sơ, cấp cứu trẻ em bị đuối nước cho mạng lưới y tế cơ sở và đội ngũ cộng tác viên. Ngoài ra, ở các sông, suối ao hồ phải có rào chắn và biển cảnh báo nguy cơ tai nạn đuối nước để trẻ em biết”.

Một mùa hè nữa lại về, đối với trẻ em là niềm vui háo hức được tận hưởng kỳ nghỉ hè nhưng tiềm ẩn trong đó là những nguy cơ về tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước. Mong rằng, với sự quan tâm, chung tay của các cấp, các ngành, gia đình và toàn xã hội tất cả trẻ em trên địa bàn tỉnh sẽ có một mùa hè thực sự an toàn, bổ ích và lý thú. 

Thầy giáo An Vũ Trường Minh - giáo viên thể dục Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (thành phố Yên Bái):

Khi thấy người bị đuối nước, cần bình tĩnh quan sát xung quanh xem có đoạn cây, phao để đưa ra cho người bị đuối nước nắm kéo vào. Cũng có thể nắm các rễ cây ở bờ ao và đưa tay ra cho người bị nạn nắm kéo vào.

Trong trường hợp khẩn cấp, không tìm được các dụng cụ trên, khi bơi đến cứu nên dừng ở xa quan sát người bị nạn, rồi từ từ tiến đến sau lưng, bẻ tay người bị nạn ra sau, luồn tay mình qua nách, nâng cằm để miệng và mũi người bị nạn nổi trên mặt nước và đưa vào bờ. Hoặc có thể nắm chặt vai người bị nạn và đưa vào bờ, chú ý miệng và mũi nạn nhân phải nổi trên mặt nước.

Bà Hà Hữu Lợi - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Đào Thịnh (Trấn Yên)

Là địa phương có sông, hồ, việc học sinh, thanh, thiếu niên rủ nhau ra chơi, tắm khá phổ biến, nhất là vào mùa hè, trong khi đó hầu hết các sông, hồ nước chảy xiết, nhiều khu vực nước sâu, xoáy rất nguy hiểm.

Trong khi đó, đáng lo ngại là công tác quản lý các em còn lỏng lẻo; công tác giáo dục, tuyên truyền về phòng, chống tai nạn đuối nước với trẻ em, học sinh chưa thực sự hiệu quả; việc tổ chức dạy bơi cho trẻ em còn nhiều khó khăn”.

Thu Hiền

Các tin khác
Học sinh THPT ở thị xã Nghĩa Lộ tích cực ôn luyện cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2016.

YBĐT -Theo thống kê, tổng số thí sinh của 4 đơn vị của thị xã gồm: THPT Nghĩa Lộ, THPT Nguyễn Trãi, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT Miền Tây và Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp dạy nghề là 553 thí sinh. 

 

YBĐT - Thị xã Nghĩa Lộ triển khai các hoạt động có sự tham gia của trẻ em như: diễn đàn trẻ em, các cuộc thi về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; viết vẽ, sáng tác thông điệp và tìm hiểu về phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em.

Thí sinh có thể gọi đến đường dây nóng của Bộ GD-ĐT để phản ánh tiêu cực trong thi cử.

Thí sinh có thể gọi đến đường dây nóng của Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) để phản ánh tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia theo số 04.36231285; 01658528475.

Cường độ nắng nóng ở Bắc Bộ đang gia tăng, dự kiến đợt nắng nóng này kéo dài đến ngày 3/6.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, cường độ nắng nóng ở Bắc Bộ và các tỉnh ven biển Trung Bộ có xu hướng gia tăng trong những ngày tới và có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 3/6.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục