Tích cực triển khai sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp học
- Cập nhật: Thứ sáu, 10/6/2016 | 9:53:12 AM
YBĐT - Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã tích cực thực hiện Nghị quyết 29 -NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Qua đó, chất lượng GD&ĐT được nâng lên; mạng lưới, quy mô trường, lớp học tiếp tục được củng cố và hoàn thiện.
Kết quả này được thể hiện rõ qua việc toàn tỉnh đã có 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; tỉnh đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Giáo dục mũi nhọn, giáo dục vùng cao được quan tâm, hệ thống trường nội trú, bán trú tiếp tục mở rộng.
Trong đó, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh đứng thứ 2 toàn quốc; Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành nằm trong tốp các trường chuyên có chất lượng cao. Trong 5 năm trở lại đây, học sinh đã đạt trên 600 giải cấp quốc gia; tỷ lệ học sinh thi đỗ đại học, cao đẳng đạt trên 35%...
Những kết quả đạt được là cơ bản, nhưng nhìn vào thực tế, ngành giáo dục của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đổi mới toàn diện GD&ĐT. Trong đó, mạng lưới trường lớp các cấp học còn có sự bất cập, đội ngũ còn bất hợp lý; chất lượng giáo dục của các loại hình, giữa các vùng, địa phương trong tỉnh còn có sự chênh lệch khá rõ rệt, điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện hạn chế, nhất là đối với các điểm trường lẻ…
Để thực hiện các mục tiêu GD&ĐT đến năm 2020, Yên Bái có một mạng lưới giáo dục ổn định, phát triển lâu dài, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; tập trung nguồn lực, sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước dành cho ngành giáo dục để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm chuẩn hóa, hiện đại hóa trường, lớp học, tạo điều kiện để tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, nhất là học sinh vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn.
Từ đó, làm căn cứ để rà soát, sắp xếp, bố trí lại đội ngũ để nâng cao chất lượng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục của tỉnh... nên việc xây dựng và triển khai Đề án về sắp xếp lại quy mô, mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn là hết sức cần thiết, phù hợp với thực tiễn của một tỉnh miền núi và phù hợp với chủ trương lớn của Đảng. Do đó, về cơ bản, Đề án đã nhận được sự đồng thuận cao của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục, sự ủng hộ của nhân dân.
Đến thời điểm này, việc triển khai Đề án đang được các địa phương tích cực triển khai. Theo phương án sắp xếp, với 530 trường (mầm non 141; tiểu học 163, trung học cơ sở 145; tiểu học và trung học cơ sở 40, mầm non - tiểu học 2; mầm non và tiểu học, trung học cơ sở 1); 765 điểm trường, 6.130 lớp như hiện nay.
Sau khi sắp xếp, dự kiến sẽ giảm được 154 trường, giảm 611 điểm trường, giảm 558 nhóm, lớp. Cụ thể, toàn tỉnh sẽ còn 376 trường (mầm non 141, tiểu học 41, trung học cơ sở 47, tiểu học và trung học cơ sở 109, mầm non và tiểu học 7, mầm non và tiểu học - trung học cơ sở 31); 154 điểm trường và 5.567 lớp.
Về đội ngũ, với tổng số 14.496 người (đến tháng 3/2016), trong đó biên chế là 13.970 người, sau sắp xếp, số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên dôi dư là 1.150 người, trong đó có 195 cán bộ quản lý, 509 giáo viên tiểu học, 121 giáo viên THCS, 229 nhân viên kế toán, 96 nhân viên y tế.
Đến thời điểm này, ngành giáo dục đã phối hợp với các địa phương rà soát, xây dựng xong phương án bố trí sắp xếp cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên dôi dư đảm bảo theo đúng yêu cầu của Đề án. Theo đó, sẽ bố trí một số cán bộ quản lý xuống giảng dạy, thực hiện việc điều động, luân chuyển giáo viên giữa các trường, bố trí đào tạo lại để dạy ở cấp học thiếu giáo viên… Đối với nhân viên, cử đi đào tạo lại và bồi dưỡng nghiệp vụ văn thư, thư viện, thiết bị.
Về cơ sở vật chất, sẽ có 1.318 phòng học thừa ở điểm lẻ. Phương án xử lý sẽ di chuyển 432 phòng về điểm chính làm phòng học; 110 phòng làm nhà công vụ cho giáo viên; 8 phòng làm phòng bán trú cho học sinh; chuyển chính quyền địa phương quản lý, sử dụng 768 phòng. Hiện nay, các địa phương đang tiến hành lên phương án di chuyển để phục vụ ngay trong năm học mới.
Theo tính toán, sau sắp xếp, sẽ thiếu 649 phòng và 567 phòng ở cho học sinh bán trú ở điểm chính do chuyển học sinh, lớp từ các điểm lẻ về điểm chính. Về vấn đề này, tỉnh đã có chủ trương chỉ đạo các địa phương triển khai xây dựng để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.
Có thể nói, Đề án sắp xếp lại quy mô, mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020 là chủ trương rất thiết thực.
Tin tưởng rằng, với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự quyết tâm của ngành giáo dục và sự ủng hộ của nhân dân, Đề án sẽ thành công tốt đẹp và thúc đẩy sự nghiệp giáo dục Yên Bái đạt được những mục tiêu đã đề ra đến năm 2020.
Nguyễn Đình
Các tin khác
YBĐT - Chị Lê Kiều Minh, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái bị thu hút chú ý bởi đề Ngữ văn chuyên: “Thật bất ngờ với cách ra đề mới lạ này. Không chỉ có câu hình vẽ, mà tất cả các câu hỏi còn lại rất hay, rất mới".
YBĐT - Ngày 9/6, tại Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh đã diễn ra Đại hội đại biểu Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Yên Bái lần thứ II, nhiệm kỳ 2016 - 2021. 145 đại biểu đại diện cho 875 hội viên Hội Thầy thuốc trẻ trong toàn tỉnh đã về dự Đại hội.
YBĐT - Hướng tới kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2016), ngày 9/6, Chi hội nhà báo Báo Yên Bái tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Nâng cao tính phát hiện và kỹ năng xử lý đề tài”.
YBĐT - Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đợt 1, năm 2016 tại huyện Văn Yên đã góp phần thực hiện hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch công tác DS/KHHGĐ năm 2016 trên địa bàn các xã, thị trấn và huy động sự tham gia của các đoàn thể tại địa phương.