Thành phố Yên Bái: Quyết tâm trước thềm năm học mới
- Cập nhật: Thứ năm, 25/8/2016 | 8:33:06 AM
YBĐT - Thời điểm này, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) thành phố Yên Bái đã và đang chủ động, tích cực chuẩn bị cho năm học mới và triển khai nhiều nhiệm vụ với những giải pháp cho cả trước mắt và lâu dài.
Ngành GD&ĐT thành phố đã đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng GD&ĐT. Trong ảnh: Cô và trò Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái. (Ảnh: Thanh Ba)
|
Chủ động chuẩn bị cho năm học mới
Những ngày này, cũng như các địa phương khác trong toàn tỉnh, toàn quốc, thành phố Yên Bái đang nỗ lực chuẩn bị cho năm học mới 2016 - 2017. Theo Phòng GD&ĐT thành phố, mọi nội dung, công việc liên quan đến năm học mới đều đang được Phòng và các nhà trường tích cực, chủ động triển khai. Trong đó, công tác phân tuyến, tuyển sinh của các trường thực hiện trên tinh thần phù hợp với địa bàn và việc sáp nhập trường; phương án điều động, bố trí cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cũng được tiến hành trên tinh thần đảm bảo cân đối, đồng đều về số lượng, chất lượng của các trường.
Phòng GD&ĐT thành phố đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức bồi dưỡng chính trị cho gần 1.200 cán bộ, giáo viên, nhân viên, đã và đang tiến hành tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ năm học. Cơ sở vật chất các trường học được quan tâm đầu tư, bổ sung.
Hiện, đã và đang xây dựng bổ sung phòng học cho Trường Tiểu học (TH) Lê Văn Tám, Trường Trung học cơ sở (THCS) Yên Thịnh, khu hiệu bộ cho Trường THCS Nguyễn Du, bếp ăn cho Trường Mầm non (MN) Âu Lâu…; tiếp tục đầu tư trang thiết bị với 72 phòng có bảng tương tác… Ngoài ra, các trường đã chủ động từ nguồn ngân sách và sự ủng hộ của cha mẹ học sinh để tu bổ, sửa chữa cơ sở vật chất và mua sắm bổ sung bàn ghế.
Cùng với sự chủ động, tích cực của ngành GD&ĐT, thành phố Yên Bái cũng chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể có những giải pháp thiết thực quan tâm đến công tác giáo dục trên địa bàn như: tổ chức tuyên dương, khen thưởng 83 học sinh có thành tích cao, khen thưởng các thầy cô giáo, các tập thể đạt thành tích xuất sắc trong buổi tổng kết năm học vừa qua để động viên, khích lệ thầy và trò; vận động và giúp đỡ học sinh có nguy cơ bỏ học ra lớp; hỗ trợ nhân lực, vật lực cho các trường trên địa bàn trong việc chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới và tổ chức ngày khai giảng.
Tập trung sắp xếp mạng lưới trường, lớp trên địa bàn
Một trong những nội dung quan trọng rất được quan tâm thực hiện trong thời điểm này là vấn đề sắp xếp mạng lưới trường, lớp trên địa bàn nhằm thực hiện Kết luận số 100 của Thường trực Tỉnh ủy và Công văn số 678 của UBND tỉnh Yên Bái về việc hướng dẫn xây dựng Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục MN, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh. Thành phố đã tổ chức Hội nghị triển khai xây dựng Đề án "Sắp xếp quy mô mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục MN, TH, THCS công lập trên địa bàn thành phố Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020" với sự tham gia của lãnh đạo các phường, xã và các đơn vị nhà trường; tiến hành xây dựng đề án từ cấp xã, phường cho đến cấp thành phố.
Cùng với đó là tổ chức tuyên truyền đến từng thôn, tổ dân phố, các nhà trường, từng cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh học sinh. Việc sắp xếp đảm bảo chủ trương sáp nhập các trường có quy mô nhỏ để thành các trường có quy mô lớn, thu điểm lẻ về điểm chính nhằm tập trung đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, tiết kiệm và hiệu quả; tổ chức các hoạt động giáo dục thuận lợi, chất lượng; tinh giản bộ máy biên chế cồng kềnh để bố trí đảm bảo số lượng, chất lượng và cơ cấu.
Được biết, năm học 2015 - 2016, thành phố có 49 trường công lập từ mầm non đến THCS; 533 nhóm, lớp; 18.142 cháu, học sinh; 5 điểm trường lẻ. Thực hiện Đề án, sẽ sáp nhập 29 trường thành 14. Như vậy, tổng số giảm 15 trường; giảm 5 điểm lẻ. Năm học 2016 - 2017, thành phố còn 34 trường MN, TH, THCS, TH&THCS công lập với quy mô 539 nhóm, lớp với trên 18.460 cháu, học sinh. Trong đó có: 12 trường MN, 8 trường TH (2 trường có bậc học MN); 5 trường THCS; 9 trường TH&THCS (3 trường có bậc học MN).
Bà Đào Thị Xuân Huế - Phó phòng GD&ĐT thành phố Yên Bái cho biết: “Theo lộ trình xóa điểm lẻ, thành phố sẽ xóa 1 điểm trường lẻ ở thôn Lương Thịnh của Trường TH Tân Thịnh vào năm học 2016 – 2017; xóa toàn bộ 3 điểm trường lẻ bậc học MN vào năm học 2017 - 2018 và xóa 1 điểm trưởng lẻ Bảo Lương của Trường TH Yên Ninh vào cuối năm học 2018 - 2019. Chuẩn bị cho sự sáp nhập này, sẽ xây dựng 11 phòng, sửa 2 phòng học và 1 công trình vệ sinh để đưa điểm lẻ về điểm trường chính. Hiện, thành phố đang tiến hành làm các thủ tục và bố trí một phần kinh phí để thực hiện”.
Theo ghi nhận, việc thực hiện Đề án gặp một số khó khăn cơ bản như: tâm lý ngại thay đổi của người dân và cả một số cán bộ, giáo viên, nhân viên; phòng học ở Trường TH Tân Thịnh chưa kịp xây dựng để đưa điểm lẻ về ngay trong những ngày đầu năm học. Song, các cấp chính quyền địa phương và các đơn vị nhà trường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc thực hiện Đề án; cơ sở vật chất các trường trong thành phố cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ; việc thu điểm lẻ có lộ trình nên các nhà trường và chính quyền địa phương đã sẵn sàng cho việc sáp nhập trường và thu điểm lẻ khi được triển khai.
Chú trọng nâng cao chất lượng GD&ĐT
Nâng cao chất lượng GD&ĐT luôn là mục tiêu hướng tới của ngành giáo dục. Năm học này cũng như cả giai đoạn tới, để thực hiện mục tiêu này, ngành GD&ĐT thành phố cũng đã đề ra những giải pháp cả trước mắt và lâu dài, từ việc quy hoạch mạng lưới trường lớp, xây dựng cơ sở vật chất cho đến xây dựng đội ngũ. Theo đó, sẽ điều chỉnh mạng lưới trường lớp để đến năm 2020 thành phố có một mạng lưới trường, lớp phù hợp, vừa đáp ứng tốt yêu cầu trước mắt, vừa đảm bảo ổn định và phát triển lâu dài.
Cùng đó, tiếp tục đầu tư thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa trường lớp; thực hiện có hiệu quả Dự án "Nâng cao năng lực quản lý giáo dục và đầu tư trang thiết bị cho các trường của thành phố Yên Bái"; tham mưu mở rộng quỹ đất, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia từ 25 trường sau sáp nhập đến năm 2020 là 34/ 34 trường, đáp ứng tiêu chí về giáo dục trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Phòng GD&ĐT thành phố còn hướng dẫn các nhà trường làm tốt công tác tham mưu cũng như xã hội hóa trong việc đầu tư bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học.
Cùng với quy hoạch hợp lý mạng lưới trường lớp và xây dựng cơ sở vật chất, ngành GD&ĐT thành phố còn chú trọng việc xây dựng đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Để thực hiện nội dung này, Phòng GD&ĐT phối hợp với Phòng Nội vụ thành phố trong công tác tuyển dụng, sắp xếp đội ngũ; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cho cả giai đoạn và cụ thể cho từng năm học.
Đồng thời, xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn thành phố Yên Bái giai đoạn 2016 - 2021”; tôn vinh nhà giáo, cán bộ quản lý có thành tích xuất sắc; khen thưởng học sinh đạt thành tích cao và giáo viên có học sinh đạt giải trong các kỳ thi.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên các cấp học, đổi mới phương pháp dạy học, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và các thiết bị giảng dạy hiện đại (bên cạnh các thiết bị, đồ dùng dạy học tự làm), tạo sự chuyển biến cơ bản về chất lượng đội ngũ, kỹ năng nghiệp vụ sư phạm, đạo đức nghề nghiệp…
Không chỉ vậy, làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục cũng là một trong những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục mà ngành GD&ĐT thành phố đặt ra. Theo đó, ngành sẽ tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, xây dựng tốt mối quan hệ gia đình, nhà trường và xã hội; đẩy mạnh hoạt động của hội khuyến học các cấp, huy động xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài; huy động mọi nguồn lực tại chỗ, sự hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài, các tổ chức xã hội và các nhà hảo tâm đầu tư cho giáo dục.
Đặc biệt, sử dụng có hiệu quả và công khai nguồn kinh phí đầu tư cho giáo dục, thành lập đường dây nóng để cán bộ, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh kịp thời liên hệ và phản ánh; phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch cùng hướng dẫn, quản lý và kiểm tra việc thực hiện ngân sách, thu chi ngoài ngân sách của các trường MN, TH, THCS, TH&THCS trên địa bàn thành phố.
Sự chủ động, tích cực và giải pháp rõ ràng với quyết tâm cao của toàn ngành sẽ là nền tảng vững chắc để ngành GD&ĐT thành phố đạt được những kết quả đặt ra trong năm học này cũng như những năm học tiếp theo.
Hạnh Quyên
Các tin khác
YBĐT - Toàn huyện có 528 cụ được chữa bệnh về mắt, trong đó có gần 300 cụ được phẫu thuật thay thủy tinh thể, giải phóng mù lòa.
YBĐT - Hiện, huyện Yên Bình có 490 người cao tuổi (NCT) làm chủ trang trại, doanh nghiệp, 21 hội viên NCT làm kinh tế giỏi.
YBĐT - Vận động hội viên đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; giúp hội viên tiếp cận với các nguồn vốn và tiến bộ khoa học, kỹ thuật ứng dụng vào chăn nuôi, trồng trọt; tuyên truyền sản xuất gắn với bảo vệ môi trường... là những giải pháp thiết thực của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Trấn Yên giúp hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.
YBĐT - Ngày 22 và 23/8, Ban giám khảo Hội thi kho quân khí cấp quân khu tổ chức chấm thi trực tiếp tại Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) huyện Văn Chấn và Ban CHQS huyện Văn Yên, Yên Bái.