Kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội Khuyến học Việt Nam (2/10/1996 - 2/10/2016)

Đẩy mạnh nhân rộng các mô hình học tập, góp phần xây dựng Yên Bái trở thành xã hội học tập

  • Cập nhật: Thứ sáu, 30/9/2016 | 12:28:54 PM

YBĐT - Đến nay, 9/9 huyện, thị, thành phố, 180/180 xã, phường thị trấn đã xây dựng Hội khuyến học cơ sở; toàn tỉnh có 2.678 chi hội, ban khuyến học.

Đồng chí Ngô Thị Chinh - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cùng lãnh đạo Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Chi nhánh tỉnh Yên Bái trao phần thưởng cho học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia năm học 2015 - 2016.
Đồng chí Ngô Thị Chinh - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cùng lãnh đạo Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Chi nhánh tỉnh Yên Bái trao phần thưởng cho học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia năm học 2015 - 2016.

Tư tưởng và tấm gương học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền tảng về xã hội học tập ở Việt Nam. Sinh thời Bác đã dạy: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” và “Học tập là một việc phải tiếp tục suốt đời ”. Thấm nhuần điều đó, những năm qua, thực hiện chính sách ưu tiên đặc biệt của Đảng và Nhà nước với sự nghiệp giáo dục - đào tạo; chính quyền, đoàn thể và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn tích cực làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài, góp phần to lớn vào sự nghiệp “trồng người”.

Sau 16 năm thành lập (14/11/2000), hội khuyến học (HKH) các cấp Yên Bái đã không ngừng được củng cố, phát triển. Đến nay, 9/9 huyện, thị, thành phố, 180/180 xã, phường thị trấn đã xây dựng HKH cơ sở; toàn tỉnh có 2.678 chi hội, ban  khuyến học, trong đó có 1.119 ban khuyến học, với trên 3.000 người tham gia công tác HKH các cấp. 9/9 huyện, thị, thành phố đều có cán bộ chuyên trách thường trực công tác khuyến học. Với sự vững mạnh của Hội đã thu hút đông đảo hội viên với trên 132 ngàn người, đạt 17,2% dân số toàn tỉnh, đây là lực lượng nòng cốt trong xây dựng xã hội học tập.

Thực hiện Quyết định 89/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án xây dựng xã hội học tập, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 97 triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020”; Kế hoạch số 95 thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng giai đoạn 2012 - 2020” trên địa bàn tỉnh Yên Bái và ngày 15/7/2016, tiếp tục ban hành Kế hoạch số 86 về triển khai nhân rộng và đánh gíá, công nhận các mô hình học tập giai đoạn 2016 - 2020.

Đây là sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh bằng các chủ trương, chính sách với mục tiêu cụ thể đến năm 2020 cần đạt được: 100% cán bộ HKH các cấp được tập huấn nâng cao nhận thức về xã hội học tập, học tập suốt đời và các mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng; tăng bình quân mỗi năm 2,5% số gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình học tập”; 40% dòng họ được công nhận danh hiệu “Dòng họ học tập”; 50% cộng đồng (thôn, bản, tổ dân phố và tương đương) đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”.

Đối với vùng kinh tế phát triển (thành phố, thị xã, huyện vùng thấp) tỷ lệ này tương ứng 30%, 50%, 60%; vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bảo dân tộc ít người, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các tỷ lệ này tương ứng là 20%, 30% và 40%. Có 60% các tổ chức, cơ quan, trường học, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu “Đơn vị học tập”. 60% số xã, phường, thị trấn được công nhận “Cộng đồng học tập” cấp xã.

Để phấn đấu đạt được các mục tiêu trên theo Kế hoạch 86 của UBND tỉnh, trong thời gian tới, các cấp Hội cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xã hội học tập, mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và người dân về xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời để cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, cán bộ, công chức, viên chức, hội viên HKH và người lao động tiếp tục chuyển biến nhận thức và hành động hoàn thành tốt các mục tiêu nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập và phong trào học tập suốt đời. Tích cực tuyên truyền để mọi cá nhân có trách nhiệm học tập thường xuyên, suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để làm người công dân tốt; có nghề, lao động với hiệu quả ngày càng cao; học cho bản thân và những người xung quanh hạnh phúc; học để góp phần phát triển quê hương, đất nước.

Hai là, tiếp tục nhân rộng và nâng cao chất lượng các mô hình: “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng thôn, bản học tập”,  “Đơn vị học tập” và “Cộng đồng học tập” cấp xã theo Quyết định 448 của Trung ương HKH Việt Nam và Thông tư 44 của Bộ Giáo dục & Đào tạo để phong trào khuyến học trở thành nòng cốt trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng làng, xã văn hóa, và công cuộc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh hiện đại.

Các phong trào này phải gắn kết chặt chẽ giữa gia đình nhà trường với xã hội để nâng cao chất lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường, từng bước xây dựng xã hội học tập. Đặc biệt cần lưu ý phát hiện các năng khiếu, tài năng trong thế hệ trẻ để có kế hoạch bồi dưỡng nhân tài, phục vụ công cuộc xây dựng đất nước, quê hương.

Ba là, củng cố xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh, nhất là ở cơ sở, thôn, bản, tổ nhân dân, các doanh nghiệp, các cơ quan, dòng họ… Thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia; đổi mới nội dung phương thức hoạt động, làm tốt vai trò nòng cốt liên kết, phối hợp với các tổ chức, các lực lượng xã hội tham gia khuyến học, khuyến tài, khơi dậy truyền thống hiếu học trong nhân dân, xây dựng xã hội học tập. Nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn; quan tâm chăm lo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hội cơ sở để các hội viên phát huy mọi trí tuệ, tâm huyết, sức lực cho hoạt động khuyến học.

Bốn là, tổ chức đánh giá, công nhận danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”. Hàng năm, HKH các cấp tổ chức đăng ký, đánh giá, xếp loại các danh hiệu: “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” đề nghị cấp có thẩm quyền xét công nhận 5 năm một lần, UBND các cấp chủ trì tổ chức đại hội biểu dương gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập tiêu biểu. Thường xuyên tổ chức, kiểm tra, giám sát, kịp thời biểu dương, khen thưởng các điển hình cá nhân, tập thể, gia đình có thành tích tiêu biểu, xuất sắc để động viên, khuyến khích nhân rộng phong trào thi đua xây dựng xã hội học tập.

Tin tưởng rằng, từ chủ trương xây dựng xã hội học tập là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của nhân dân, sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Yên Bái, sự nghiệp xây dựng xã hội học tập của tỉnh ngày càng phát triển bền vững đóng góp tích cực vào mục tiêu “nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, bỗi dưỡng nhân tài” của đất nước, của tỉnh đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Hội Khuyến học Việt Nam được ra đời vào ngày 2/10/1996, với chức năng vận động toàn dân học tập. Sứ mệnh của Hội là "Khuyến học, khuyến tài, xây dựng cả nước thành một xã hội học tập". Ngày 3/2/1997, tại Văn bản số 03/TB/MTTQ, Hội trở thành thành viên chính thức của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Sau 20 năm hoạt động, đến nay, toàn quốc đã có 99,23% cấp xã có hội khuyến học cơ sở, có 142.661 chi hội khuyến học và 115.701 ban khuyến học. Hội có tổng số 14.557.471 hội viên, đạt 15,88% tỷ lệ dân số. Cả nước có 11.038  trung tâm học tập cộng đồng; có 8.427.421 gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, có 65.200 “Dòng họ học tập” và 60.356 “Cộng đồng học tập”.

Trần Văn Tho -Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái

Các tin khác

Chiều 29-9, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức công bố Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015.

Ảnh minh họa - Internet

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND các tỉnh, thành tiếp tục bổ sung và phát triển kho sách lưu động thư viện tỉnh luân chuyển về cơ sở, góp phần nâng cao dân trí, mức hưởng thụ văn hóa của người dân.

Cầu “Khuyến học - Dân trí” ở thôn Yên Thịnh, xã Kiên Thành, Trấn Yên được hoàn thành trong niềm vui mừng của các em học sinh và nhân dân trên địa bàn.

YBĐT - Từ khi có cây cầu bê tông kiên cố bắc qua ngòi Rào, hàng ngày các em học sinh của thôn Yên Thịnh, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên đến trường không còn lo ngã xuống ngòi, mùa mưa lũ không phải nghỉ học ở nhà.

Lãnh đạo Sở Giáo dục & Đào tạo và Hội Khuyến học tỉnh trao phần thưởng cho học sinh có thành tích xuất sắc năm học 2015 - 2016.

YBĐT - Được thành lập ngày 14/11/2000 (sau Hội Khuyến học Việt Nam 4 năm), tuy nhiên, phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, kể từ ngày thành lập đến nay, đặc biệt trong 5 năm gần đây, các cấp hội khuyến học (HKH) tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước đối với công tác khuyến học, khuyến tài (KHKT), xây dựng xã hội học tập.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục