Kiểm tra tình hình thực hiện Đề án rà soát, sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp tại Trạm Tấu và Mù Cang Chải
- Cập nhật: Chủ nhật, 2/10/2016 | 10:15:25 AM
YênBái - YBĐT - Từ 28/9 đến 1/10, đoàn công tác của tỉnh Yên Bái do đồng chí Dương Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tình hình sau một tháng thực hiện Đề án rà soát, sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2020 tại hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải.
Đồng chí Dương Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác kiểm tra phòng ở của Trường PTDT bán trú TH&THCS Púng Luông, huyện Mù Cang Chải.
|
Cùng tham gia đoàn công tác có lãnh đạo các sở: Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư tỉnh.
Trên tinh thần nắm bắt tình hình thực tế thực hiện Đề án và để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, đoàn công tác đã kiểm tra tại hầu hết các trường thực hiện Đề án của hai huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải và nghe 100% các trường trên địa bàn 2 huyện báo cáo những khó khăn trong quá trình thực hiện Đề án.
Qua đó, các địa phương, các trường học đã triển khai nghiêm túc Đề án và áp dụng linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương. Thực hiện Đề án, năm học 2016 – 2017, huyện Mù Cang Chải có 34 trường, giảm 3 trường so với năm học trước, sáp nhập 92/139 điểm trường lẻ; huyện Trạm Tấu hiện có 26 trường (giảm 2 trường so với năm học trước), sáp nhập 63 điểm trường.
Đồng chí Dương Văn Tiến cùng đoàn công tác kiểm tra tại Trường PTDT bán trú TH&THCS Pá Hu, huyện Trạm Tấu.
Sau một tháng thực hiện, các trường, các địa phương đã nỗ lực đưa điểm lẻ về theo đúng lộ trình. Bước đầu đã ổn định lớp học; tỷ lệ chuyên cần duy trì đảm bảo chỉ tiêu phổ cập giáo dục; học sinh bán trú đã ổn định chỗ ăn, chỗ ở; chế độ chính sách cho học sinh, giáo viên cũng đã kịp thời triển khai, chi trả. Tư tưởng của cán bộ giáo viên ổn định. Phụ huynh học sinh cơ bản ủng hộ đưa điểm lẻ về điểm chính.
Các địa phương, các trường đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động sự ủng hộ, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của nhân dân và kêu gọi các đơn vị, các nhà hảo tâm xây dựng được một số công trình như bể chứa nước phục vụ học sinh tại Trường Phổ thông Dân tộc (PTDT) bán trú Dế Xu Phình; máy giặt phục vụ cho các cháu học sinh lớp 1-2 học bán trú; bổ sung dinh dưỡng cho học sinh tại Trường PTDT bán trú TH&THCS Púng Luông; 1 bếp, 2 nhà vệ sinh của nhà tài trợ cho Trường Mầm non Lao Chải, một số phòng ở và công trình phục vụ học sinh nằm ngoài Đề án... Một số xã có giải pháp rất tốt trong quản lý học sinh bán trú như cho học sinh lớn chăm học sinh bé, cùng dòng họ hoặc nhà gần nhau...
Thời gian qua, tại một vài điểm trường có học sinh nghỉ học do thời tiết giao mùa và một số lễ cúng theo mùa của đồng bào dân tộc Mông. Tuy nhiên vẫn đảm bảo được tiêu chí phổ cập; đảm bảo chất lượng giáo dục, các tiêu chí về giáo dục.
Bên cạnh đó, các trường thực hiện Đề án vẫn còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất như công trình vệ sinh, lớp học, phòng ở, nhà ăn, nhà bếp...; quản lý học sinh bán trú.
Kiểm tra công trình vệ sinh tại Trường PTDT bán trú TH&THCS Púng Luông, huyện Mù Cang Chải
Qua nghe báo cáo của các trường về những khó khăn trong quá trình thực hiện Đề án; một số đề xuất của các trường, các địa phương đã được đoàn công tác tháo gỡ.
Những nhu cầu cấp thiết cần ngay của học sinh, giáo viên như: thêm nhà ăn, nhà vệ sinh, nhà tắm... nằm ngoài Đề án được đoàn công tác tập hợp để trình phê duyệt giải quyết trong thời gian sớm nhất với mục tiêu đảm bảo cho học sinh có môi trường học tập tốt hơn.
Sau khi đi kiểm tra thực tiễn tại các trường, đoàn công tác đã có các buổi làm việc với lãnh đạo hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải để cùng bàn cách giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong quá trình triển khai Đề án.
Tại đây, lãnh đạo hai huyện cùng các trường đã thẳng thắn trao đổi với đoàn công tác để đưa ra phương hướng giải quyết các khó khăn một cách hiệu quả nhất.
Đoàn công tác kiểm tra thực đơn tại bếp ăn của Trường PTDT bán trú TH&THCS Bản Công, Trạm Tấu.
Thay mặt đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Tiến đã ghi nhận và biểu dương sự cố gắng của hai địa phương và các trường học để vẫn đảm bảo chất lượng giáo dục sau một tháng triển khai thực hiện Đề án. Đồng chí lưu ý một số trường đã không thực hiện theo đúng chủ trương của tỉnh là “phải đảm bảo cơ sở vật chất mới đưa học sinh từ điểm lẻ về”. Đồng chí đề nghị các trường chưa làm đúng chủ trương của tỉnh cần rút kinh nghiệm, thực hiện Đề án tốt hơn trong thời gian tới.
Đồng chí yêu cầu, trong thời gian tới, huyện, các ngành tiếp tục triển khai Đề án và Công văn số 259 ngày 14/9 của UBND tỉnh. Các huyện tiếp tục tuyên truyền cụ thể, thiết thực về mục đích, ý nghĩa và nội dung của Đề án tới phụ huynh học sinh, không tuyên truyền chung chung; có ngay giải pháp tuyên truyền, vận động duy trì sĩ số lớp.
Các trường phải nắm chắc số học sinh hằng ngày để đảm bảo chế độ báo cáo, có chỉ đạo kịp thời. Các huyện cần chỉ đạo tuyên truyền, vận động loại bỏ những hủ tục lạc hậu; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản. Đồng chí nhấn mạnh, quan điểm của tỉnh khi thực hiện Đề án là có cơ sở vật chất mới đưa học sinh về, phải làm chắc chắn, không được vội vàng.
Thăm học sinh Trường PTSDT bán trú TH&THCS Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu.
Đồng chí đề nghị hai huyện phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nội vụ có báo cáo thống kê đề xuất xây dựng các công trình ngoài Đề án, công tác quản lý học sinh trước ngày 3/10; tiến hành rà soát các khó khăn, các điểm đưa học sinh về; xây dựng báo cáo sơ kết 1 tháng thực hiện Đề án ở tất cả các mặt, về tình hình chung của các địa phương.
Các trường phải xác định được trách nhiệm chính trong việc duy trì sĩ số; có giải pháp tăng cường quản lý học sinh bán trú, đặc biệt là học sinh lớp 1 và lớp 2. Đồng chí đề nghị các phòng giáo dục tham mưu cho các huyện chỉ đạo đảm bảo các yêu cầu trong công tác quản lý học sinh; xây dựng phương án khi có sự cố, quản lý tốt nguồn cung cấp thực phẩm, đảm bảo chất lượng. Ngành y tế, công an thường xuyên kiểm tra an toàn thực phẩm, công tác phòng chống cháy nổ, đuối nước...
Về các kiến nghị, đề xuất, đồng chí nhất trí chỉ đạo bổ sung làm ngay công trình vệ sinh, nhà tắm, nhà ăn nếu còn thiếu, công trình nước sạch nếu chưa có; điều chỉnh lại thiết kế nhà vệ sinh phù hợp với quy mô học sinh; tỉnh sẽ xem xét hỗ trợ giáo viên quản lý học sinh.
Đồng chí yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các nhu cầu phát sinh ngoài Đề án, nghiên cứu tham mưu cho tỉnh có kiến nghị, đề xuất điều chỉnh thiết kế công trình vệ sinh; số lượng, quy mô phù hợp với từng trường trước ngày 3/10. Sở Nội vụ tham mưu, đề xuất số lượng cụ thể phù hợp với quy mô từng trường.
Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp báo cáo chung cho cả hai huyện, phối hợp với Sở Nội vụ bố trí giáo viên quản lý học sinh; thống kê chi tiết tỉ lệ huy động, tỉ lệ duy trì sĩ số; phối hợp với các huyện nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh, giải quyết những khó khăn để Đề án sớm mang lại hiệu quả…
Thanh Ba
Các tin khác
Hôm nay 2/10 – Ngày Khuyến học Việt Nam, đồng thời cũng là ngày hội của gần 15 triệu hội viên Hội Khuyến học trên toàn quốc. Mỗi hội viên của Hội đều tự hào được làm việc nghĩa, không vụ lợi, hướng theo lí tưởng làm cho dân Việt trở thành một dân tộc thông thái như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong mỏi.
YBĐT - Tối 1/10, tại Quảng trường Trung tâm Hội nghị tỉnh Lào Cai, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai tổ chức Lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc mở rộng lần thứ XIII, năm 2016. Đây là sự kiện quan trọng, có quy mô lớn, được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Lào Cai (1/10/1991 - 1/10/2016).
Ngày 30/9, tại Hà Nội, Báo Thế giới & Việt Nam - cơ quan trực thuộc Bộ Ngoại giao, đã tổ chức lễ ra mắt báo điện tử được phát triển trên nền trang thông tin điện tử cùng với việc giới thiệu phiên bản mới của báo in.
YBĐT - Chiều 30/9, tại số 37, đường Quang Trung, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái đã diễn ra Lễ khai trương Trung tâm hội nghị, tiệc cưới Tùng Dương Palace.