Trường THPT Hoàng Văn Thụ: Nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành
- Cập nhật: Thứ sáu, 4/11/2016 | 7:11:32 AM
YBĐT - Ngày 17/8/1966, Ủy ban Hành chính tỉnh Yên Bái đã ra quyết định thành lập Trường cấp III Lục Yên.
Cuộc thi Rung chuông vàng do nhà trường tổ chức đã tạo ra sân chơi trí tuệ, bổ ích cho các em học sinh.
|
Đảng và Nhà nước ta luôn xác định đầu tư cho giáo dục là quốc sách hàng đầu, là động lực cho sự phát triển, coi sự nghiệp trồng người là nhiệm vụ cơ bản của ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Đây là điều kiện thuận lợi để Trường Trung học phổ thông (THPT) Hoàng Văn Thụ, huyện Lục Yên thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giáo dục trong suốt 50 năm qua.
Xây dựng và trưởng thành từ thời kỳ gian khó, vững vàng qua bao thử thách, Trường THPT Hoàng Văn Thụ ngày càng lớn mạnh, trở thành điểm sáng, nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ, tài năng của bao thế hệ học sinh.
Nhờ chính sách phát triển giáo dục đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đến đầu những năm 1960, huyện Lục Yên đã có hệ thống giáo dục cấp I ở hầu hết các xã và một số trường cấp II. Sau khi tốt nghiệp, nhiều người có nguyện vọng học tiếp cấp III. Trước tình hình đó, ngày 17/8/1966, Ủy ban Hành chính tỉnh đã ra quyết định thành lập Trường cấp III Lục Yên.
Ngày 25/9/1966, giữa lúc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang tập trung mọi nỗ lực vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhà trường đã tổ chức khai giảng năm học đầu tiên với 1 lớp 8, 23 học sinh, 8 thầy, cô giáo. Trong 3 năm học, từ 1966 - 1967 đến 1968 - 1969, Trường đã tuyển vào 125 học sinh. Lớp 10 cuối cấp đầu tiên còn 19 học sinh. Dự thi tốt nghiệp đỗ 15 học sinh, bằng 78,9%.
Thời kỳ chiến tranh, thầy và trò phải dựng trường, lớp ở nơi sơ tán, vượt qua nhiều khó khăn đã để lại một trang đẹp trong lịch sử phát triển của nhà trường, đặc biệt về lòng yêu nghề, tận tụy với các em học sinh của các thầy, cô giáo, trong đó có những người từ miền xuôi lên miền núi công tác.
Từ năm 1966 đến 1975, các năm học diễn ra trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Được sự quan tâm của Đảng và chính quyền, sự giúp đỡ của nhân dân, nhà trường đã vượt qua nhiều thử thách để bảo đảm sơ tán an toàn, tổ chức trường lớp, tổ chức đời sống, thực hiện thành công kế hoạch dạy và học.
Đến năm 1973, cơ sở vật chất của nhà trường đã có những thay đổi với hệ thống nhà xây cấp 4, có đủ phòng học, nhà làm việc, phòng thí nghiệm, thực hành, phòng thư viện, ký túc xá cho học sinh ở xa..., tạo thuận lợi để phát triển số lượng học sinh, đội ngũ giáo viên và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục.
Cũng như bao lớp thanh niên thời ấy, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, nhiều học sinh từ mái trường này đã "xếp bút nghiên" lên đường nhập ngũ tham gia chiến đấu. Nhiều người đã hy sinh, góp phần xương máu vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Đất nước thống nhất cũng là giai đoạn nhà trường có quy mô phát triển cao nhất. Số học sinh tuyển vào lớp đầu cấp tăng nhanh. Năm học 1975 - 1976, tuyển vào 3 lớp đầu cấp với 133 học sinh, đến năm học 1980 - 1981, Trường đã tuyển mới 382 học sinh.
Toàn trường có gần 1.000 học sinh với 21 lớp. Trước tình hình số lượng học sinh phát triển nhanh, UBND tỉnh có quyết định thành lập phân hiệu vừa học vừa làm (khu B) tại xã Tân Lĩnh (Lục Yên), đồng thời bổ sung nhiều đợt sinh viên mới tốt nghiệp đại học sư phạm lên công tác.
Ban Giám hiệu được kiện toàn, đáp ứng yêu cầu quản lý trường học đang trong thời kỳ phát triển mạnh về số lượng và đẩy mạnh các hoạt động giáo dục toàn diện. Năm 1987 - 1988, đặc biệt là 2 năm 1989 - 1990, do những nguyên nhân chung của tình hình kinh tế - xã hội đất nước còn gặp nhiều khó khăn và Lục Yên phát hiện ra mỏ đá quý dẫn đến hàng loạt học sinh bỏ học.
Từ chỗ tuyển vào lớp 10 (lúc này là hệ 12 năm) gần 400 học sinh đã giảm mạnh, chỉ tuyển được một lớp 10 với 33 em. Trước tình hình đó, để bảo đảm cho sự phát triển liên tục của một trường THPT miền núi đã có bề dày truyền thống, đồng thời tiếp tục giữ vững và phát triển cấp III, năm học 1992 - 1993, UBND tỉnh Yên Bái đã ra quyết định sáp nhập Trường THCS thị trấn Yên Thế vào Trường THPT Lục Yên. Lúc này, Trường có tên gọi mới là Trường liên cấp II - III Lục Yên.
Sau một thời gian sáp nhập, do số lượng học sinh tăng, để đáp ứng cơ sở vật chất và chất lượng giảng dạy phân theo bậc học, được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT và UBND huyện Lục Yên, Trường tách riêng thành Trường cấp III Lục Yên.
Với thành tựu to lớn 10 năm đổi mới của đất nước và Nghị quyết Trung ương II (khóa VIII) về chiến lược phát triển GD&ĐT, mọi hoạt động giáo dục của nhà trường đều khởi sắc. Số học sinh sau một thời gian giảm sút đã tăng nhanh trở lại. Cơ sở vật chất của nhà trường cũng không ngừng cải thiện và nâng cấp. Trước tình hình đó, Trường tách khỏi liên cấp II - III Lục Yên với tên gọi như trước là Trường Phổ thông trung học Lục Yên.
Đến năm 2000, đổi thành Trường THPT Hoàng Văn Thụ. Đến năm 2002 - 2003, số học sinh tăng đột biến với 1.324, tổng 31 lớp.
Với khí thế tự hào của ngôi trường mang tên nhà cách mạng Hoàng Văn Thụ, bằng sự quyết tâm, khắc phục khó khăn, đoàn kết, nhất trí của cán bộ, giáo viên cùng với sự giúp đỡ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp của nhân dân trong chương trình xã hội hóa, quy mô và số lượng của nhà trường ngày càng ổn định.
Chất lượng dạy và học của nhà trường tiến bộ qua các năm học, luôn xứng đáng là địa chỉ tin cậy của nhân dân và học sinh trên địa bàn huyện Lục Yên và các huyện lân cận.
Trải qua 50 năm xây dựng và trưởng thành, với 23 học sinh của lớp học đầu tiên, năm học này, nhà trường có 30 lớp với tổng số 1.254 học sinh. Nâng bước các thế hệ học sinh vào đời lập nghiệp, trong 50 năm qua, từ mái trường này có 11.691 học sinh học hết bậc THPT, có 10.177 học sinh đỗ tốt nghiệp THPT. Giai đoạn 1996 - 2016, hàng năm, có trên 30% học sinh tốt nghiệp thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học trong cả nước, trong đó có những trường đại học thuộc tốp đầu.
Đặc biệt, giai đoạn 1996 - 2016, có 64 học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, có 8 em học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia. Ngoài ra, học sinh của trường còn tích cực tham gia các kì thi giải Toán bằng máy tính cầm tay, thi Tin học trẻ, Olympic Tiếng Anh... đều đạt được những thành tích đáng khích lệ.
Cùng với việc nâng cao chất lượng học văn hóa, nhà trường còn quan tâm tới các hoạt động giáo dục thể chất để thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh. Đặc biệt, tại Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh năm học 2015 - 2016 đạt 32 huy chương, xếp thứ 2 toàn đoàn. Tham gia Hội khỏe Phù Đổng khu vực phía Bắc tại Phú Thọ đạt 1 Huy chương Bạc. Tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ 9 đạt 1 Huy chương Bạc.
Nhìn lại chặng đường nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành, Ban Giám hiệu và tập thể sư phạm nhà trường đã xây dựng một khối đoàn kết, nhất trí trên cơ sở đấu tranh xây dựng, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Nhà trường đã duy trì và đẩy mạnh Phong trào thi đua “Hai tốt” một cách liên tục. Chất lượng GD&ĐT ngày càng nâng cao. Trường có nhiều hoạt động lao động sản xuất, hướng nghiệp, công tác giáo dục quốc phòng, thể dục, thể thao đạt kết quả tốt.
Trường có nhiều hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương. Công tác Đảng, Đoàn trong trường học được xây dựng và củng cố tốt. Trường đã làm tốt công tác vận động các lực lượng giáo dục ngoài xã hội; trong đó, phụ huynh học sinh tham gia nhiều hoạt động thiết thực giúp nhà trường hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Sở GD&ĐT, chính quyền và nhân dân huyện Lục Yên, Ban đại diện cha mẹ học sinh, đến nay, Trường đã có một cơ ngơi khang trang, bề thế với cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản đáp ứng công tác dạy và học, một website riêng phục vụ công tác quản lý và thông tin, đặc biệt là hệ thống quản lý điểm của học sinh. Cảnh quan sư phạm ngày càng xanh - sạch - đẹp, góp phần thiết thực vào việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và thực hiện tốt Phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Trước những yêu cầu đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và chủ trương của ngành, nhà trường xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm trong những năm học tiếp theo là: kiên trì nề nếp giảng dạy và học tập; cải tiến phương pháp giáo dục và giảng dạy theo hướng phát huy tính chủ động, tích cực của học sinh; tập trung nâng cao chất lượng các lớp đại trà; chú trọng công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.
Nâng cao chất lượng đầu vào để bảo đảm hiệu quả đào tạo; nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc dạy và học môn Ngoại ngữ, Tin học, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế trong thời đại mới. Trường cũng chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo theo hướng chuẩn hóa, toàn diện; chú trọng và tích cực chuẩn bị các điều kiện xây dựng trường chuẩn quốc gia; nâng cao chất lượng, tỷ lệ học sinh đỗ đại học, cao đẳng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau khi ra trường; xây dựng nhà trường trở thành địa chỉ giáo dục tin cậy của nhân dân và học sinh trên địa bàn huyện Lục Yên.
Trên chặng đường tiếp theo, để giữ gìn và phát huy truyền thống 50 năm xây dựng và trưởng thành, tập thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường hôm nay không ngừng cố gắng, nỗ lực phấn đấu, cống hiến tâm sức, trí tuệ và nhiệt huyết, hoàn thành nhiệm vụ được giao ở từng vị trí công tác.
Nhà trường luôn mong muốn và trân trọng đón nhận sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự chỉ đạo trực tiếp của Sở GD&ĐT, sự ủng hộ của Ban đại diện cha mẹ học sinh, sự đồng thuận của xã hội để tiếp tục vững bước trên chặng đường mới, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của quê hương, xứng đáng với niềm tin của Đảng bộ và nhân dân Lục Yên, xứng đáng là một địa chỉ tin cậy trong sự nghiệp "trồng người" của ngành GD&ĐT tỉnh Yên Bái.
Nguyễn Đăng Thi - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ
Các tin khác
YBĐT -Sau gần 1 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, BHXH thành phố Yên Bái đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhất là trong lĩnh vực phát triển mới đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
YBĐT - UBND tỉnh Yên Bái vừa có Kế hoạch số 165/KH-UBND chỉ đạo triển khai Tháng hành động Vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2016. Chủ đề và thông điệp của Tháng hành động năm 2016 là “Chung tay xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”.
YBĐT - Ngày 3/11, Sở Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Yên Bái tổ chức Hội thảo "Nâng cao chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi cấp THPT" 7 tỉnh phía Bắc.
Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến sáng 3/11, mưa lũ trong những ngày qua tại các tỉnh miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đã làm 4 người chết (Quảng Bình 2 người, Quảng Trị 2 người); 1 người mất tích (ở Quảng Bình); 12 người bị thương.