Mạng xã hội - “con dao hai lưỡi”
- Cập nhật: Thứ ba, 15/11/2016 | 8:33:50 AM
YBĐT - Không thể phủ nhận những tiện ích mà Internet nói chung và mạng xã hội (MXH) nói riêng khi mang đến nguồn thông tin khổng lồ với tốc độ lan tỏa chóng mặt cho xã hội. Song cũng chính vì những tiện ích đó mà MXH đang gây ra nhiều hệ lụy khiến người sử dụng phải hết sức cẩn trọng và cảnh giác.
Ngồi cùng trong một không gian nhưng việc ai người nấy làm là hình ảnh không khó để bắt gặp trong giới trẻ hiện nay.
|
Tôi là người “nghiện” MXH hơn 5 năm nay và cũng cảm thấy vô cùng khó chịu nếu như một ngày không vào mạng. Hiện nay, việc sử dụng điện thoại thông minh, máy tính để lướt web, trò chuyện cùng bạn bè trên Zalo, Facebook, đọc báo, tra cứu thông tin hay đăng ảnh, “check in” tại một địa điểm yêu thích… đã trở thành thói quen khó bỏ đối với rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ.
Chỉ cần có Internet, mọi kết nối MXH sẽ được thông suốt và hoàn toàn miễn phí.
Chị Hoàng Thị Thu Hiền ở phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái chia sẻ: “MXH như một sợi dây vô hình kết nối tôi với mọi người, bạn bè, người thân. Mỗi khi vào MXH để xem, trò chuyện, tán gẫu, tôi gần như không thể dứt ra được. Vẫn biết “nghiện” MXH sẽ làm ảnh hưởng không ít đến công việc và cuộc sống hàng ngày nhưng bây giờ mấy ai có thể “cai nghiện”.
Cũng đúng thôi bởi trên MXH không gì là không có, từ thông tin thời sự, chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội cho đến kinh doanh quần áo, mỹ phẩm; những video “hot”, những bộ phim mới, hấp dẫn… đều được đăng tải công khai. Chỉ cần 1 cú click chuột để like, 1 lần chia sẻ, tất cả những thông tin, hình ảnh ấy cũng sẽ được gửi đến hàng trăm, hàng nghìn người bạn khác trên MXH để cùng xem và bình luận.
Còn nhớ câu chuyện về bé Thào Thị Yến Nhi ở Lào Cai, sinh non tháng thứ 7, nặng 2,1 kg, bị suy dinh dưỡng đến mức tới lúc 14 tháng tuổi mà chỉ nặng 3,5 kg do mẹ bỏ đi, bố không có tiền mua sữa và không biết cách chăm sóc.
Ngay lập tức, thông tin, hình ảnh về bé cùng địa chỉ, số điện thoại liên hệ cụ thể được đăng tải và chia sẻ ngập tràn trên các trang MXH. Sau đó, bé đã được mọi người đưa đến bệnh viện, hàng chục bà mẹ từ Hà Nội và Lào Cai đã tự nguyện thay nhau đến cho bé bú.
Cho tới khi hình ảnh của bé Nhi dần hồng hào, bụ bẫm trở lại khiến không biết bao trái tim rung động. Đó là một trong những minh chứng cho sức mạnh, sự lan tỏa và mặt tích cực lớn nhất mà MXH mang lại.
Tuy nhiên, nói về câu chuyện mặt trái của MXH, phải thừa nhận rằng, chúng ta đang dành quá nhiều thời gian cho thế giới ảo, tự đẩy mối quan hệ của bản thân và bạn bè trở nên xa cách. Nguy hiểm hơn, giới trẻ đang mất dần kỹ năng giao tiếp trong cuộc sống thực, trở nên thờ ơ, lạnh nhạt và xa lánh nhau.
Đặc biệt, đã có rất nhiều vụ án lừa tình, lừa đảo, trộm cắp tài sản thông qua MXH chỉ bằng vài câu làm quen, tán gẫu và sau đó là hẹn gặp, lợi dụng lòng tin để phục vụ mục đích xấu nhờ thứ “tình yêu ảo” trên MXH. Đó là chưa kể đến việc giới trẻ tự do ngôn luận, sử dụng MXH cá nhân một cách sai trái mà chưa hề có sự quản lý chặt chẽ từ bất cứ một cơ quan, đơn vị nào. Nhiều học sinh cũng vì sa đà vào MXH mà chểnh mảng, không tập trung vào việc học tập.
Đau lòng nhất là mới đây, một học sinh lớp 8 trên địa bàn thành phố Yên Bái tự vẫn sau gần 1 tuần bị phụ huynh của bạn đánh khi hai học sinh xảy ra mâu thuẫn. Điều đáng nói ở đây là hành động vô tình của cá nhân nào đó đã đăng clip em học sinh bị đánh lên MXH. Những lời bình luận đầy ác ý, những hình ảnh bôi nhọ danh dự của em đã khiến em hoang mang, xấu hổ và dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Chị Nguyễn Phương Thảo ở phường Yên Thịnh chia sẻ: “Là cha, là mẹ, nhìn những hình ảnh ấy tôi thực sự ám ảnh và đau lòng. Các con đều đang trong lứa tuổi rất nhạy cảm, mua sắm các thiết bị điện tử để các con có thể sớm được tiếp xúc, cập nhật công nghệ hiện đại và phục vụ tốt hơn việc học tập. Thế nhưng, quản lý các con sử dụng MXH, chơi điện tử… lại là bài toán quá khó”.
Anh Lê Ngọc Thuyết - Giảng viên môn Tâm lý giáo dục - Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái thẳng thắn: “Sử dụng MXH đang trở nên phổ biến, đại trà bởi người tham gia được thỏa mãn nhu cầu giao tiếp, kết nối bạn bè… Tuy nhiên, đối với giới trẻ, đặc biệt là thanh, thiếu niên nếu sử dụng MXH cần có sự giám sát nhất định của gia đình và nhà trường.
Lý do là trẻ ở độ tuổi này đang có nhu cầu giao tiếp rất lớn, dễ kết bạn nhưng chưa có đủ khả năng chọn lọc thông tin nên cần có sự định hướng của cha mẹ rõ ràng”.
Bên cạnh đó, cha mẹ phải thường xuyên nói chuyện, đặt các tình huống giả định với trẻ để trẻ nhận biết sự việc đúng, sai và cách giải quyết hợp lý. Về phía nhà trường, nếu có điều kiện nên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tọa đàm, có sự tuyên truyền kịp thời và cả kiểm tra, giám sát đối với việc sử dụng MXH của trẻ.
“Nghiện” MXH thực chất là một kiểu lạm dụng, sử dụng theo thói quen một cách có hệ thống và tâm lý bị lệ thuộc. Việc sử dụng MXH đúng cách sẽ mang lại tác động tích cực, đời sống tinh thần phong phú, kết nối cộng đồng. Nếu không thì vô tình người sử dụng sẽ trở thành nạn nhân từ chính “con dao hai lưỡi” này.
Mai Linh
Các tin khác
YBĐT - Khi chấm bài kiểm tra, giáo viên phải có phần nhận xét, động viên sự cố gắng, tiến bộ của học sinh. Việc cho điểm có sự kết hợp giữa đánh giá kết quả bài làm với theo dõi sự cố gắng, tiến bộ của học sinh.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Quyết định về việc tổ chức lại Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước nhằm thay thế Quyết định số 144/2007/QĐ-TTg.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh điều này vì tâm lý của học viên trong cơ sở cai nghiện rất dễ bị kích động, lôi kéo.
YBĐT - Yên Bái có trên 1.000 doanh nghiệp, nhưng nhiều doanh nghiệp nhỏ, phân tán nên việc thu kinh phí công đoàn của 90% doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn gặp khó khăn rất lớn.