Mô hình trường học VNEN ở Yên Bái: Nơi tiếp tục, nơi muốn dừng

  • Cập nhật: Thứ tư, 30/11/2016 | 8:09:25 AM

YênBái - YBĐT - Yên Bái có 14 trường tiểu học và 16 trường THCS tham gia mô hình trường học mới (VNEN) – một mô hình được khẳng định là mô hình giáo dục hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay của giáo dục Việt Nam nói riêng và giáo dục thế giới nói chung. Dù được đánh giá có hiệu quả khá tốt song các địa phương trong tỉnh Yên Bái cũng cùng tình trạng “nơi tiếp tục, nơi muốn dừng”…

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Bản Hát, huyện Trạm Tấu đang dạy và học theo mô hình VNEN.
Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Bản Hát, huyện Trạm Tấu đang dạy và học theo mô hình VNEN.

Mặc dù có những ý kiến trái chiều về mô hình VNEN nhưng không thể phủ nhận mô hình VNEN có những điểm mạnh mà mô hình giáo dục cũ không có được.

Chúng tôi có mặt tại Trường Tiểu học và THCS Bản Hát, huyện Trạm Tấu sau khi Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc và Trường THCS Lý Tự Trọng sáp nhập vào một. Trước khi sáp nhập, hai ngôi trường ở vùng cao khó khăn này có điểm chung là dạy học theo mô hình VNEN. Chúng tôi tham dự một giờ học Toán của học sinh lớp 5, thấy có khách, được sự cho phép của cô giáo, Chủ tịch Hội đồng Tự quản đứng lên hô: “Các bạn đứng!”, đồng loạt cả lớp đứng dậy: “Chúng em chào các cô các chú!”.

Sau đó, em Sùng Thị May – Trưởng ban Đối ngoại tự tin dõng dạc giới thiệu về lớp học, các thành viên Hội đồng Tự quản, các bạn trong lớp, các nhóm... Đó là điều mà học sinh tiểu học nói chung hiếm khi làm được, chứ chưa nói đến những học sinh vùng cao vốn nhút nhát.

Trước sự ngỡ ngàng của chúng tôi về sự tự tin của các em học trò, cô Lò Thị Vinh - giáo viên lớp 5, người đã công tác tại vùng cao 23 năm và 5 năm giảng dạy mô hình VNEN cho biết: “Lúc đầu cả thầy, trò đều bỡ ngỡ nhưng nay, thầy cô thì nhuần nhuyễn, có nhiều sáng tạo trong giảng dạy theo mô hình mới; học trò thì quen với cách dạy mới, chủ động lĩnh hội kiến thức, tự tin trong giao tiếp. Chất lượng giáo dục cũng từ đó được nâng lên rất nhiều”.

Khi chưa sáp nhập, thì cứ trong 10 em hoàn thành chương trình lớp 5 của xã Hát Lừu đỗ vào Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Trạm Tấu thì có 8 em là học sinh của trường; 100% học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học.

Ở Trạm Tấu chỉ có Trường Tiểu học và THCS Bản Hát tham gia mô hình trường học mới, đánh giá về chất lượng học sinh theo mô hình, bà Lê Thị Huệ - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) huyện Trạm Tấu nhận xét: “Học sinh được tiếp cận mô hình VNEN – về cơ bản đã thay đổi được thói quen học tập. Các em đã làm quen với cách học theo nhóm, dưới sự hướng dẫn của nhóm trưởng. Học sinh được rèn luyện nhiều hơn về kỹ năng nghe, nói; kỹ năng đánh giá và tự đánh giá; kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp trong các hoạt động theo nhóm. Đa số các em chủ động tham gia học tập sôi nổi, hào hứng. Bước đầu hình thành thói quen làm việc trong môi trường tương tác. Rèn cho học sinh tính tự lập trong công việc và học tập. Rèn kỹ năng giao tiếp, giúp các em bạo dạn tự tin hơn”.

Ở thành phố Yên Bái, Trường THCS Nguyễn Du tham gia mô hình trường học mới từ năm học 2015 – 2016. Mặc dù mới sang năm học thứ 2, nhưng cả thầy và trò nhà trường đã thích ứng nhanh với mô hình. Đa phần học sinh đã được học theo mô hình từ bậc tiểu học nên hoàn toàn không có bỡ ngỡ, điều quan trọng là cách tổ chức lớp của giáo viên và sự hướng dẫn của giáo viên trong việc tự chủ tiếp thu kiến thức của học sinh. Đến Trường THCS Nguyễn Du lần đầu, chỉ bằng cảm quan cũng thấy khối lớp 6, 7 đang học theo mô hình trường học mới.

Cách kê bàn truyền thống nhưng nội dung chương trình, cách dạy, cách học hoàn toàn theo phương pháp mới. Đưa chúng tôi đi tham quan, cô giáo Phạm Thị Mỹ Lan – Phó Hiệu trưởng chia sẻ: “Mô hình đã làm cho học sinh của nhà trường chủ động tiếp thu tìm hiểu kiến thức. Các thầy cô thích ứng nhanh và vận dụng tốt kiến thức của mình vào giảng dạy theo mô hình mới. Kết quả năm học 2015 – 2016, 184/186 học sinh lớp 6 đủ điều kiện hoàn thành chương trình lên lớp 7”. 

Những điểm mạnh của mô hình trường học mới là không thể phủ nhận, bởi chính kết quả của giáo dục, sự thay đổi từ chính tư duy học tập của học trò.

Cô giáo Đoàn Thị Thảo – giáo viên Trường Tiểu học Tô Mậu – trường duy nhất tại huyện Lục Yên tham gia thí điểm mô hình cho biết: “Học sinh cơ bản thay đổi được thói quen học tập – đó là mục tiêu lớn nhất của mô hình, Trường Tiểu học Tô Mậu đã thành công với mục tiêu đó. Đồng thời, tỷ lệ chuyên cần của trường tăng lên".

"Do trường ở vùng dân tộc thiểu số, đa phần là người Dao và mô hình yêu cầu của tổ chức lớp, các em đã tự tin giao tiếp, tăng cường được tiếng Việt; chủ động tiếp thu kiến thức. Các em mạnh dạn phát biểu, được phân việc; phương pháp đánh giá giảm áp lực điểm số. Sau mỗi đợt nhận xét, có sự giúp đỡ kịp thời của giáo viên. Phụ huynh quan tâm hơn tới học sinh”. Cô Thảo nói. 

Trong một đánh giá của ngành GD & ĐT Yên Bái khẳng định học sinh đã cơ bản thay đổi được thói quen học tập cũ khi học tập theo mô hình trường học mới. Mô hình đã giúp học sinh phát huy tính tự học, sáng tạo, tính tự giác, tự quản, sự tự tin, hứng thú trong học tập.

Phương pháp dạy và học mới còn giúp các em phát huy tốt các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hợp tác, kỹ năng tự đánh giá, đánh giá lẫn nhau trong giờ học; phát huy tính tích cực của học sinh thông qua các hoạt động cá nhân, nhóm, cặp đôi, chung cả lớp và hoạt động với cộng đồng…

Trong những năm qua, kết quả đánh giá cuối năm học, các cấp học, đại đa số học sinh tiểu học theo mô hình trường học mới đều đạt chuẩn kiến thức kỹ năng và yêu cầu về thái độ theo quy định. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình đạt 99,7%.

Năm học 2015 – 2016, đối với lớp 5 (các phòng GD & ĐT ra đề kiểm tra cuối năm học chung cho tất cả các trường) kết quả cho thấy tỷ lệ điểm 9, 10 của từng môn học của học sinh theo mô hình VNEN cao hơn so với học sinh theo mô hình cũ từ 3 - 20%. Từ cơ sở, các phòng GD & ĐT cũng đánh giá khá tốt về mô hình VNEN.

Phòng GD & ĐT huyện Văn Yên đánh giá, việc dạy học cá thể theo hướng phát triển năng lực của học sinh đã thực sự mang lại kết quả, học sinh tiếp thu bài học nhẹ nhàng, thoải mái.

Phòng GD & ĐT huyện Mù Cang Chải đánh giá, thông qua hoạt động học tập phát triển được ngôn ngữ của học sinh, phát triển được các kỹ năng tự giải quyết vấn đề, hợp tác, đánh giá, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp ứng xử trong cuộc sống hàng ngày.

Phòng GD & ĐT huyện Văn Chấn đánh giá, học theo mô hình VNEN các em phát huy được 5 tự đó là tự học, tự sáng tạo, tự tin, tự giác và tự chủ... Với thầy cô tham gia trực tiếp mô hình trường học mới cũng có những đánh giá khá tốt về hiệu quả của mô hình VNEN.

Bên cạnh những đánh giá khá tốt về mô hình trường học mới thì các cơ sở giáo dục, các trường học cũng đưa ra những khó khăn khi thực hiện mô hình. Dư luận thậm chí có khá nhiều ý kiến trái chiều, có phần “cực đoan” - đến mức phụ huynh xin chuyển trường, ngành giáo dục địa phương kiến nghị dừng. Tại sao các nhà trường đánh giá hiệu quả mô hình trường học mới tốt nhưng có địa phương lại đề nghị dừng triển khai?

Minh Tư
Bài 2: Còn ngại đổi mới
(Xem tiếp số sau)
 

Các tin khác
Người Mông Bản Lềnh đã áp dụng kiến thức kỹ thuật trong chăn nuôi.

YBĐT - Thôn Bản Lềnh (Sơn Thịnh, Văn Chấn) không có trường hợp sinh con thứ 3; không có người tảo hôn hay kết hôn cận huyết thống; không còn gia đình nào để người chết quá lâu trong nhà theo tục cũ… Đó là một bước chuyển lớn về nhận thức và hành động khi công tác tư tưởng được đội ngũ cán bộ cơ sở ở đây tuyên truyền nhuần nhuyễn, thấu đáo đến từng nhà, từng người dân trong bản.

Cần người giúp việc đang trở thành nhu cầu phổ biến của nhiều gia đình.

YBĐT - Vài năm trở lại đây, đời sống của nhân dân Yên Bái ngày càng được cải thiện. Số lượng gia đình có mức thu nhập cao và ổn định ngày càng tăng, do đó nhu cầu tiếp cận và sử dụng các loại dịch vụ xã hội ngày càng phổ biến. Có người giúp việc đang trở thành nhu cầu thực tế của nhiều gia đình.

Không khí lạnh gây rắt đậm tại các tỉnh Bắc và Trung Bộ.

Dự báo, ngày 29/11, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ, sau đó sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc và trung Trung Bộ.

Chị Thu Bẩy chăm chút từng mái tóc cho khách hàng.

YBĐT - Trong xã hội ngày nay, làm đẹp là một nhu cầu rất lớn và chính đáng của mọi người, mọi giới, nhất là giới nữ. Nghề làm đẹp theo đó phát triển, trở thành một nghề nghiệp được xã hội thừa nhận và tôn vinh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục