Tạo dựng niềm tin từ Phòng thương hiệu “Tình chị em”
- Cập nhật: Thứ ba, 6/12/2016 | 1:44:31 PM
YBĐT - Mô hình Phòng thương hiệu “Tình chị em” giúp nhiều phụ nữ các xã tham gia Dự án được tiếp cận thuận tiện với dịch vụ chăm sóc chất lượng cao.
Cán bộ trạm y tế xã thuộc Dự án tư vấn cho khách hàng tại Phòng thương hiệu “Tình chị em”.
|
Dự án “Hoàn thiện và nhân rộng toàn quốc mô hình nhượng quyền xã hội dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/ kế hoạch hóa gia đình (CSSKSS/KHHGĐ) tại các cơ sở y tế nhà nước” (Tình chị em) do Tổ chức Atlantic Philanthropies (AP) là một trong những mô hình sáng tạo của Marie Stopes International tại Việt Nam tài trợ.
Năm 2014, Dự án được triển khai tại Yên Bái ở 30 trạm y tế thuộc 4 địa phương, gồm: huyện Trấn Yên 10 trạm, huyện Yên Bình 10 trạm, huyện Trạm Tấu 4 trạm và 6 trạm của thành phố Yên Bái. Với 4 nhóm hoạt động chính của Dự án là: khảo sát và đánh giá, nâng cao năng lực người cung cấp dịch vụ và chất lượng dịch vụ, nâng cao nhận thức và tạo nhu cầu cho người dân, thể chế hóa và nhân rộng mô hình.
Đến nay, sau 3 năm thực hiện, Dự án đã tạo những chuyển biến tích cực. Những năm trước, khi chưa có mô hình phòng khám “Tình chị em” ở các trạm y tế thì phần lớn phụ nữ trong vùng vẫn còn khá e dè khi đến khám và điều trị các bệnh phụ nữ và sử dụng các biện pháp tránh thai, KHHGĐ.
Phần lớn các trạm y tế đều chưa được đầu tư phòng khám chuyên CSSKSS cho phụ nữ. Tuy nhiên, từ khi Phòng thương hiệu “Tình chị em” được triển khai, tất cả các 30 trạm y tế thuộc Dự án đều có phòng khám, tư vấn riêng được bố trí đẹp mắt, ngăn nắp, kín đáo, từ hình ảnh lọ hoa, chậu cây cảnh, tranh ảnh minh họa đến những biển chỉ dẫn, bảng tên… tạo cảm giác gần gũi cho khách hàng khi đến khám hoặc tư vấn.
Bên cạnh đó, các trang thiết bị, dụng cụ y tế như: bộ dụng cụ đặt tháo vòng, máy nghe tim thai… được trang bị đầy đủ. Qua đó, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu khám bệnh của phụ nữ trên địa bàn, phòng khám luôn cung cấp các dịch vụ chất lượng và tư vấn các giải pháp phù hợp cho phụ nữ khi mang thai ngoài ý muốn, thực hiện các biện pháp tránh thai, quản lý và chăm sóc thai nghén, chăm sóc bé sau khi sinh, điều trị bệnh phụ khoa, KHHGĐ…
Hàng năm, Dự án có kế hoạch đào tạo cho các cán bộ y tế. Do đó, kỹ năng cũng như nghiệp vụ chuyên môn về CSSKSS của cán bộ y tế ở các trạm y tế thuộc Dự án đều được nâng cao và ngày càng chuyên nghiệp hơn.
Để thu hút chị em đến với phòng khám, nhiều trạm y tế đã tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá mô hình, đề cao vai trò và trách nhiệm của đại sứ thương hiệu “Tình chị em” trong cộng đồng. Coi người bệnh như khách hàng, cung cấp các dịch vụ chất lượng cao, uy tín với chi phí thấp, tiết kiệm kinh phí, đáp ứng sự hài lòng của người dân địa phương.
Với những hoạt động tích cực, nỗ lực của các cán bộ y tế ở 30 trạm y tế thuộc Dự án, hiệu quả của mô hình Phòng thương hiệu “Tình chị em” ngày càng được phát huy.
Từ quý III năm 2015 đến quý III năm 2016 số khách hàng nhận dịch vụ CSSKSS và dịch vụ KHHGĐ tăng dần theo từng quý. Tỷ lệ khách hàng nhận dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ quý III năm 2016 tăng 28% so với quý III năm 2015. Trong đó, tỷ lệ nhận dịch vụ KHHGĐ tăng 17%, dịch vụ CSSKSS tăng 51%. Tỷ lệ khách hàng hộ nghèo tăng 55 % so với quý III năm 2015.
Vệ sinh của trạm y tế sạch sẽ, quý III năm 2015 đạt 65% và quý III năm 2016 đạt 85%. Quý III năm 2015 đạt 63% và quý III năm 2016 có 89% khách hàng rất hài lòng về thái độ ứng xử của nhân viên y tế.
Ông Đặng Anh Tuyến - cán bộ Dự án “Hoàn thiện và nhân rộng toàn quốc mô hình nhượng quyền xã hội dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ tại các cơ sở y tế nhà nước” cho biết: “Từ khi Dự án triển khai đã tác động đến hoạt động của các trạm y tế làm thay đổi bộ mặt trạm y tế từ tác phong làm việc của nhân viên, đến bài trí sắp xếp lại phòng làm việc, tinh thần thái độ khi tiếp xúc tư vấn, khám điều trị cho khách hàng. Các dịch vụ kỹ thuật được nâng lên thông qua các đợt giám sát hỗ trợ, cầm tay chỉ việc. Nhờ đó đã giúp cho các bộ cung cấp dịch vụ tại các trạm y tế khắc phục những thiếu sót trong thực hiện các quy trình chuyên môn. Trạm y tế đã tạo được niềm tin cho khách hàng, góp phần gia tăng lượng khách hàng đến nhận dịch”.
Có thể thấy, lợi ích của mô hình Phòng thương hiệu “Tình chị em”, giúp nhiều phụ nữ các xã tham gia Dự án được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc chất lượng cao một cách thuận tiện. Với đội ngũ cán bộ cơ sở, việc tham gia mô hình Phòng thương hiệu “Tình chị em” giúp họ được học tập, nâng cao trình độ, diện mạo trạm y tế xã khang trang, góp phần vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ trên địa bàn đúng với khẩu hiệu của “Tình chị em”: “Thấu hiểu, kín đáo, tận tâm trong chăm sóc sức khỏe”.
Thu Hiền
Các tin khác
Với chủ đề “Tây Bắc-Những trái tim thắp lửa," tối 5/12, tại Quảng trường Hùng Vương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Dân tộc, tỉnh Phú Thọ đã long trọng tổ chức Lễ tuyên dương người có uy tín tiêu biểu vùng Tây Bắc.
Trong 3 năm từ 2012 - 2015, thị xã Nghĩa Lộ có 63 mô hình dân vận khéo về vận động nhân dân thực hiện tốt phong trào khuyến học, tu sửa khuôn viên các nhà trường.
YBĐT - Trong tổng số 80 trẻ sinh ra ở xã Lương Thịnh thì có tới 12 trẻ là con thứ 3 trở lên. Tình trạng sinh con thứ 3 trở lên đang có chiều hướng gia tăng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dân số cũng như công tác xóa đói, giảm nghèo ở huyện Trấn Yên.
YBĐT - Toàn thành phố Yên Bái có 35 câu lạc bộ, 203 đội văn nghệ thu hút trên 2.500 thành viên tham gia làm nòng cốt trong hoạt động tuyên truyền, văn hóa văn nghệ tại cơ sở; 9/9 phường đăng ký xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị, 2 xã đăng ký xây dựng xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới.