Văn Chấn khó khăn trong bảo đảm an toàn thực phẩm
- Cập nhật: Thứ tư, 21/12/2016 | 1:45:34 PM
YBĐT - Theo số liệu thống kê của UBND huyện Văn Chấn, 5 năm qua trên địa bàn huyện đã xảy ra 15 vụ ngộ độc thực phẩm với 278 người mắc, trong đó có 2 trường hợp tử vong tại xã Nghĩa Tâm.
Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Yên Bái và HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm tại huyện Văn Chấn.
|
Văn Chấn là huyện có địa bàn rộng, dân số đông, nhu cầu sử dụng thực phẩm lớn. Do đó, nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) dẫn đến các vụ ngộ độc rất dễ xảy ra.
Trong thời gian qua, công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng sử dụng thực phẩm hàng hóa hết hạn, kém chất lượng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Tình trạng mua bán, sử dụng các chất phụ gia, chất bảo quản, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, ngoài danh mục cho phép vẫn được sử dụng tại các cơ sở chế biến thực phẩm nhỏ lẻ, chế biến thủ công.
Việc kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn chưa được thực hiện thường xuyên, gặp nhiều khó khăn do thiếu các điều kiện về hỗ trợ xét nghiệm mẫu các sản phẩm, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo ATTP. Do dó, các vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn huyện vẫn xảy ra.
Theo số liệu thống kê của UBND huyện Văn Chấn, 5 năm qua trên địa bàn huyện đã xảy ra 15 vụ ngộ độc thực phẩm với 278 người mắc, trong đó có 2 trường hợp tử vong tại xã Nghĩa Tâm.
Ông Hoàng Minh Hải - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Văn Chấn cho biết: “Các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra chủ yếu là do các gia đình tổ chức hiếu, hỷ, nhờ anh em, bạn bè đến làm giúp. Những người này cơ bản thiếu kiến thức về vệ sinh ATTP. Các phương tiện phục vụ chế biến, khu chế biến thực phẩm và bảo quản thực phẩm đều không đạt yêu cầu. Nguồn gốc thực phẩm được sử dụng thường do người dân mua tại các địa phương khác là chủ yếu, việc tự cung, tự cấp về rau xanh, thực phẩm sạch rất hạn chế”.
Ngay sau khi các vụ ngộ độc xảy ra, huyện đã chỉ đạo các ngành chuyên môn giám sát đầy đủ, kịp thời. Thực hiện các xét nghiệm nhanh, lấy và bảo quản mẫu thực phẩm phục vụ công tác xét nghiệm và điều tra nguyên nhân ngộ độc. Đồng thời, tiến hành truy xuất nguyên nhân xảy ra ngộ độc, qua đó có phương án kịp thời phòng ngừa lây lan ngộ độc.
Hiện tại, trên địa bàn huyện có gần 600 cơ sở chế biến thực phẩm, trong đó có trên 500 cơ sở chế biến nhỏ lẻ song chỉ có 69 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh ATTP.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện hiện nay cũng đang phát triển loại hình dịch vụ chế biến thực phẩm lưu động phục vụ hội nghị, cưới hỏi, ma chay. Đây là loại hình tiện lợi, chi phí thấp nên được nhiều người tiêu dùng lựa chọn sử dụng. Tuy nhiên, loại hình này cũng ẩn chứa nguy cơ gây ra nhiều vụ ngộ độc cấp tính, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Việc quản lý và duy trì hoạt động của loại hình này cần có sự tham gia giám sát của cộng đồng dân cư, đặc biệt chính quyền địa phương nơi có cơ sở chế biến thực phẩm.
Về những khó khăn trong quản lý ATTP hiện nay, đồng chí Hồ Đức Hợp - Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: “Việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATTP đã được các cấp, các ngành thường xuyên quan tâm song nhận thức của người dân về vấn đề này vẫn còn hạn chế đã dẫn đến chủ quan trong sử dụng thực phẩm, nguy cơ xảy ra ngộ độc cao. Một số chủ cơ sở sản xuất vì lợi nhuận đã bất chấp các quy định của pháp luật về đảm bảo vệ sinh ATTP”.
Hiện nay, việc xử lý các trường hợp vi phạm vệ sinh ATTP cũng gặp khó khăn do phải dựa vào kết quả kiểm nghiệm thực phẩm mà các test kiểm tra nhanh của Trung tâm Y tế huyện chỉ có tính chất giám sát, không đủ tính pháp lý để xử phạt. Việc lấy mẫu các sản phẩm nghi ngờ, không đảm bảo để kiểm tra lại gặp khó khăn do chi phí cao, thời gian kiểm tra thường kéo dài từ 7 - 15 ngày.
Do đó, khi có được kết quả kiểm tra thì sản phẩm đã được chủ cơ sở sản xuất kinh doanh bán ra thị trường và gần như được tiêu thụ hết, không còn sản phẩm để thu hồi, tiêu hủy hay truy xuất nguồn gốc khi xảy ra vi phạm; việc phối hợp giữa các phòng chuyên môn, UBND cấp xã trong công tác đảm bảo vệ sinh ATTP cũng đang có nhiều bất cập do thiếu cán bộ chuyên trách, thiếu kinh phí, chủ yếu thực hiện công tác này khi có yêu cầu của cấp trên hay trong các dịp lễ, tết và Tháng An toàn vệ sinh thực phẩm.
Để đảm bảo ATTP trong thời gian tới, nhất là trong dịp tết Nguyên đán đang đến gần, UBND huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, giám sát việc đảm bảo ATTP tại các chợ, khu vực trung tâm xã, thị trấn; tăng cường ngăn chặn và kiểm soát chặt chẽ hàng thực phẩm nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về ATTP.
Hà Anh
Các tin khác
YBĐT - Để học sinh có thêm những hiểu biết về văn hóa truyền thống các dân tộc như các làn điệu dân ca, cách sử dụng các nhạc cụ truyền thống, trò chơi dân gian..., nhà trường đã tích cực lồng ghép văn hóa truyền thống vào các tiết học, giờ học ngoại khóa, giờ ra chơi, giúp học sinh hứng thú và thêm yêu các giá trị văn hóa các dân tộc.
Chiều 20/12/2016, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức trang trọng Lễ công bố quyết định và trao thẻ hội viên đợt đầu giai đoạn 2016-2021 cho các nhà báo lão thành, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa trình Chủ tịch nước xem xét tặng quà cho đối tượng người có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017. Quà tặng theo phương án trình Chủ tịch nước được chia thành hai mức: 400.000 đồng và 200.000 đồng.
Trưa 20/12, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức lễ phát động quyên góp ủng hộ đồng bào Nam Trung Bộ khắc phục thiệt hại do mưa lũ.