Trạm Tấu coi trọng xuất khẩu lao động
- Cập nhật: Thứ năm, 29/12/2016 | 8:28:25 AM
YBĐT - Từ năm 2009 đến nay, toàn huyện có 145 người tham gai lao động xuất khẩu.
Cán bộ Phòng LĐTB&XH huyện Trạm Tấu tuyên truyền công tác XKLĐ.
|
Nhằm triển khai hiệu quả công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) theo Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Trạm Tấu đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác XKLĐ gồm 33 đồng chí, trong đó đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách khối văn hóa - xã hội làm Trưởng ban, lãnh đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện làm Phó ban Thường trực, các tổ chức đoàn thể và chủ tịch UBND các xã, thị trấn làm thành viên Ban Chỉ đạo.
Quá trình hoạt động, Ban Chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; tạo điều kiện cho các công ty, doanh nghiệp tuyển chọn lao động, thông qua mô hình liên kết giữa các đơn vị tuyển dụng, chính quyền địa phương với người lao động nhằm khuyến khích người lao động tham gia XKLĐ.
Để thực hiện kế hoạch XKLĐ, huyện đã giao nhiệm vụ cho Phòng LĐTB&XH huyện chủ động xây dựng kế hoạch, phân bổ chỉ tiêu tới các xã, thị trấn, phối hợp với các tổ chức đoàn thể cùng tham gia tuyên truyền về XKLĐ, công tác đào tạo văn hóa và dạy nghề, học tiếng… trước khi đưa đi làm việc ở nước ngoài.
Mục tiêu của công tác XKLĐ là giúp các gia đình nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, vươn lên làm giàu. Không những thế, sau khi người lao động được tiếp cận các kiến thức KHKT tiên tiến, tính kỷ luật trong lao động và nâng cao tay nghề, dễ tìm được việc làm sau khi hết hợp đồng về nước.
Đồng chí Hoàng Anh Tuấn - Trưởng phòng LĐTB&XH huyện cho biết: “Trong 5 năm gần đây, Phòng đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện, các cơ quan thông tin đại chúng, tổ chức 320 lượt truyền thông các văn bản của trung ương, tỉnh, huyện về công tác XKLĐ. Ngoài ra còn tổ chức tuyên truyền miệng và phát tờ rơi ở trên 500 cuộc họp của xã, thôn, bản và tổ chức 180 buổi tư vấn trực tiếp cho người lao động.
Tại trụ sở UBND xã, thị trấn, đều niêm yết danh sách các công ty, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng XKLĐ. Mặc dù đã rất nhiều nỗ lực nhưng công tác XKLĐ đang gặp phải một số khó khăn như: do phong tục, tập quán của đồng bào Mông là nam, nữ mới xây dựng gia đình không muốn sống xa gia đình, một số doanh nghiệp chưa phối hợp với Ban Chỉ đạo XKLĐ địa phương trong công tác quản lý đưa người đi làm việc ở nước ngoài, hỗ trợ lao động phải về nước… ảnh hưởng đến kế hoạch XKLĐ hàng năm của huyện đề ra”.
Đánh giá công tác XKLĐ trên địa bàn huyện cho thấy: toàn huyện đã tư vấn trực tiếp cho 5.295 lượt người; số lao động đăng ký tham gia XKLĐ tại các thị trường 894 người; số người tham gia học tiếng và định hướng nghề 404 người; số lao động hoàn thành khóa đào tạo 324 người và số người đã XKLĐ là 145 người. Trong số người tham gia XKLĐ của huyện đã có 91 lao động về nước.
Trong đó, có số lao động về từ thị trường Libya do nguyên nhân biến động chính trị và không đủ điều kiện sức khỏe. 9 lao động về từ thị trường Malaysia do công việc không đúng với hợp đồng lao động đã đăng ký, chủ sử dụng lao động hết việc làm phải chuyển sang công ty khác, chế độ của người lao động không đảm bảo với mức lương thấp…
Hiện, những lao động tại Libya trở về đã nhận được sự quan tâm chia sẻ của Nhà nước, tỉnh, huyện. Doanh nghiệp đã hỗ trợ ban đầu và bồi hoàn phần nào giá trị hợp đồng lao động, nhằm giảm bớt khó khăn cho người lao động, số tiền vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã được Nhà nước cho khoanh nợ, tiếp tục cho vay vốn khi người lao động có nhu cầu tham gia XKLĐ.
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác XKLĐ, hiện nay, Phòng LĐTB&XH huyện Trạm Tấu đang triển khai cơ chế phối hợp 3 bên giữa Ban Chỉ đạo XKLĐ của huyện với doanh nghiệp tuyển dụng và cơ sở dạy nghề trong công tác dạy nghề trước khi tham gia công tác XKLĐ; giảm bớt các thủ tục hành chính; tăng cường công tác quản lý nhà nước về công tác XKLĐ, nhất là việc thẩm định các công ty, doanh nghiệp được cấp phép tuyển dụng XKLĐ.
Phối hợp với các ngành và chính quyền địa phương, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động để người lao động hiểu về lợi ích của chương trình XKLĐ; tạo điều kiện để hộ nghèo, hộ chính sách và người lao động được vay vốn, học nghề để tham gia XKLĐ; giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của người đi XKLĐ… giúp các hộ vươn lên thoát nghèo từ công tác XKLĐ.
Thạch Phong
Các tin khác
YBĐT - Yên Bái là tỉnh miền núi, đông đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, nên nhiều năm nay, căn cứ vào tình hình thực tế của nhà trường, mỗi trường học ở vùng cao có một cách tổ chức ăn tết riêng.
Bộ Y tế vừa có công văn gửi các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc tổ chức trực trong dịp nghỉ Tết Dương lịch.
Ngày 27/12, theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng ban Chỉ đạo các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia yêu cầu Bộ Y tế làm chủ công nghệ và tổ chức sản xuất vắcxin phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Để chủ động ngăn ngừa sự lây truyền của vi rút cúm gia cầm sang người trong dịp cuối năm 2016 và mùa lễ hội đầu năm 2017, ngày 27/12 Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng chống.