Bước ngoặt phát triển của giáo dục Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ sáu, 30/12/2016 | 10:18:32 AM

YBĐT - Yên Bái là tỉnh miền núi còn nghèo, song sự mạnh dạn trong thực hiện Đề án Sắp xếp quy mô mạng lưới trường lớp học giai đoạn 2016 - 2020 là chiến lược đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng “4 hóa” (chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và dân chủ hóa) mà nghị quyết của Đảng đã chỉ ra…

Đồng chí Dương Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra cơ sở vật chất tại Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Pá Hu, huyện Trạm Tấu sau sáp nhập.
Đồng chí Dương Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra cơ sở vật chất tại Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Pá Hu, huyện Trạm Tấu sau sáp nhập.

Sắp xếp để chuẩn hóa

Sau 30 năm đổi mới, cùng với cả nước, Yên Bái đạt được nhiều thành tựu trong giáo dục, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy vậy, trước yêu cầu hội nhập và nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực theo kịp với sự phát triển của đất nước, tỉnh Yên Bái đã lựa chọn những giải pháp khắc phục những yếu kém, bất cập trong phát triển giáo dục, để đưa giáo dục lên tầm cao cả về cách nghĩ và cách làm.

Đề án Sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp học giai đoạn 2016 – 2020 là bước đánh dấu kết thúc sứ mệnh lịch sử của mô hình trường học thôn bản - mô hình này đã làm tốt công tác phổ cập giáo dục ở vùng cao, để mở ra giai đoạn chuẩn hóa giáo dục.

Chuẩn hóa từ con người, đến cơ sở vật chất mà theo mục tiêu Đề án tiến tới 100% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn, tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, thu hút giáo viên giỏi; đầu tư đảm bảo đủ phòng học, phòng chức năng cần thiết và các trang thiết bị dạy và học.

Nỗ lực giảm hơn 600 điểm trường lẻ để có thể đầu tư cơ sở vật chất tập trung tiến tới chuẩn hóa về cơ sở vật chất đã được thực hiện với lộ trình cụ thể. Chỉ riêng năm học 2016 - 2017, toàn tỉnh đã đưa 179 điểm trường lẻ về điểm trường chính, các điểm trường chính được đầu tư về cơ sở vật chất. UBND tỉnh đã giao bổ sung chỉ tiêu kế hoạch vốn năm 2016 để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị thiết yếu để thực hiện Đề án.

Sắp xếp để đổi mới giáo dục theo con đường chuẩn hóa tại tỉnh Yên Bái đã có những quyết định quyết liệt, bản lĩnh và giải pháp thực hiện kiên định,  kiên trì, không làm theo kiểu “phong trào”. Tư duy khoa học, thực tiễn và đổi mới sẽ tạo ra tầm nhìn sâu rộng và đúng hướng cho giáo dục phát triển.

Sắp xếp để hiện đại hóa

Khi giáo dục không phải đầu tư dàn trải mà tập trung, cơ sở vật chất được đầu tư, giáo viên, học sinh có điều kiện tiếp cận với những thành tựu của khoa học - kỹ thuật đặc biệt là công nghệ thông tin, tạo ra cơ hội lớn cho tiến trình hiện đại hóa giáo dục.

Theo Đề án lộ trình đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ tăng trên 19.500 học sinh và tăng gần 13.000 học sinh được ở bán trú. Năm học 2016 – 2017, mặc dù số trường, điểm trường giảm song số lượng học sinh tăng gần 5.000 và tăng trên 5.000 học sinh bán trú.

Hiệu quả của các trường bán trú đã được thực tế chứng minh nhiều năm qua, đặc biệt chất lượng giáo dục được nâng lên nhưng Yên Bái vẫn là một tỉnh còn khó khăn, các trang thiết bị dạy học hiện đại không đủ cho tất cả các điểm trường, trong khi vận chuyển giữa các điểm trường để phù hợp với chương trình học là không thể.

Những điểm trường với 2-3 lớp ghép ở vài bậc học không còn, các em học sinh sẽ được tiếp cận với nền giáo dục hiện đại, mà mục đích cuối cùng của hiện đại hóa giáo dục chính là hạnh phúc của con người.

Một lớp học mới đáp ứng nhu cầu thu điểm lẻ mở rộng điểm chính tại Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Púng Luông, huyện Mù Cang Chải.

Sắp xếp để đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục

Có thể nói “xã hội hóa giáo dục” không chỉ là cách nghĩ mà đã từ lâu là cách làm để đẩy mạnh phát triển giáo dục ở nước ta và để thực hiện nguyên lý giáo dục của Đảng gắn với nhà trường, gắn giáo dục với xã hội, giáo dục luôn đáp ứng nhu cầu xã hội.

 Công tác xã hội hóa giáo dục tại tỉnh Yên Bái nhiều năm nay đã thực sự hiệu quả. Song, khi triển khai Đề án mới thấy sức mạnh của sự đồng lòng của các cấp các ngành, của toàn xã hội cho công tác giáo dục ở địa phương như thế nào. Công tác xã hội hóa được các địa phương tích cực triển khai huy động nguồn lực tập trung đầu tư cơ sở vật chất trường học, hỗ trợ học sinh ra lớp, đặc biệt ở huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải.

Chỉ sau 2 tháng triển khai Đề án, toàn tỉnh đã huy động từ nguồn xã hội hóa trên 63 tỷ đồng bao gồm tiền mặt và hiện vật. Các nguồn xã hội hóa tập trung sửa chữa phòng học, cơ sở vật chất, các công trình phụ trợ, hỗ trợ học sinh nghèo mua sách vở, đồ dùng học tập, xây dựng kho thóc khuyến khóc, hỗ trợ các trường dân tộc bán trú bước vào năm học mới.

Đặc biệt, sự quan tâm của phụ huynh đối với công tác giáo dục đã được nâng lên. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình nhà trường và xã hội, nhất là trong các trường bán trú.

Sắp xếp để dân chủ hóa nền giáo dục

Đề án thực hiện sắp xếp lại quy mô mạng lưới trường lớp, đảm bảo tất cả học sinh từ vùng thấp tới vùng cao đều được tiếp cận với nền giáo dục hiện đại. Học sinh thành phố hay học sinh vùng sâu vùng xa đều được học ở môi trường tốt nhất đó chính là điều mà Đề án hướng tới.

Đề án không tinh giản biên chế mà để thực hiện dân chủ ngay chính trong ngành giáo dục, tự chọn lựa các vị trí phù hợp với năng lực của từng cán bộ giáo viên đảm bảo chất lượng giảng dạy. Đề án được thực hiện ở khắp các địa phương, công khai, dân chủ. Ngay cả chính trong việc chọn lựa con người ở từng vị trí. Dân chủ đảm bảo công bằng, chính là tạo được sự đồng thuận thực hiện Đề án.

Khi sự nỗ lực cố gắng không “cào bằng” thì mọi tiềm năng sáng tạo của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh được phát huy. Đây là bước đi quan trọng để đưa đến những thành tựu mới, để tạo ra sức sống mới cho phát triển giáo dục với nhiều sáng kiến, nỗ lực, tâm huyết của các thầy cô giáo, của các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý và tất cả những ai tham gia hoạt động giáo dục vì lợi ích và hạnh phúc của chính mình do giáo dục mang lại.

Việc quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học có vai trò vô cùng quan trọng trong nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao. Dù có rất nhiều khó khăn nhưng trong thời gian qua, tỉnh Yên Bái thực hiện sắp xếp mạng lưới trường lớp học có hướng dẫn, quy hoạch bài bản, có những bước đi phù hợp và đặc biệt là tạo được sự đồng thuận trong nhân dân và xã hội tham gia, góp phần không nhỏ vào chiến lược đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng “4 hóa”.

Thanh Ba

Các tin khác
Các đồng chí lãnh đạo cắt băng khánh thành Bệnh viện Đa khoa tỉnh quy mô 500 giường. (Ảnh: Đức Toàn)

YBĐT - Năm 2016 đã đi qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngành y tế Yên Bái đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đánh dấu sự đổi mới về mọi mặt: cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế, chất lượng các dịch vụ kỹ thuật được nâng cao, tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh có nhiều chuyển biến tốt…

YBĐT - Kết thúc năm 2015, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) của tỉnh đạt được nhiều kết quả khả quan. Nhận thức và hành động của đại bộ phận người dân về chính sách DS-KHHGĐ đã có những chuyển biến tích cực.

YBĐT - Là trung tâm cụm xã nên Phong Dụ Hạ chọn hướng phát triển mạnh thương mại, dịch vụ trên cơ sở thành lập các hợp tác xã chuyên sản xuất, cung cấp vật liệu xây dựng và các mặt hàng nông sản phục vụ người dân.

YBĐT - Năm 2016, bằng nhiều nguồn lực cho chương trình giảm nghèo thông qua các chương trình, dự án về xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, đã giúp cho hộ nghèo, cận nghèo ở Yên Bái vươn lên thoát nghèo ổn định cuộc sống.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục