Mứt tết tự làm, niềm vui giản dị

  • Cập nhật: Thứ tư, 18/1/2017 | 2:27:02 PM

YBĐT - Không dùng phẩm màu cho mứt dừa, cô Thuần có nước ép lá dứa hoặc bột trà xanh để tạo màu xanh, bột nghệ hoặc nước cà rốt tạo màu vàng, lá cơm tím hoặc nước ép bắp cải tím tạo màu tím, cà phê tạo màu sô-cô-la, lá cơm đỏ tạo màu hồng. Mứt thành phẩm phải có đường bám vừa độ, khô, thơm, màu đẹp.

Mứt dứa là một sản phẩm mới của cô Phùng Thị Thuần và nhóm bạn trong tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.
Mứt dứa là một sản phẩm mới của cô Phùng Thị Thuần và nhóm bạn trong tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.

Khoảng dăm tết Nguyên đán nay, cô Phùng Thị Thuần - một giáo viên dạy Văn trung học cơ sở, nhà ở khu phố 3, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên luôn tự làm mứt tết cho gia đình, một phần làm quà biếu họ hàng, bạn bè. Cô bảo, cũng vì bản thân có niềm yêu thích với công việc này và cũng vì muốn có món mứt tết rất truyền thống, rất đậm tình mùa xuân. Mọi người, bạn bè, hàng xóm đến chúc tết được thưởng thức món mứt dừa, mứt bí, mứt đu đủ, mứt cà rốt do chính tay cô làm đều cảm thấy thích thú.

Những người thân được cô biếu mứt thấy vui và khen ngon miệng. Tết nọ qua tết kia, ai cũng muốn có một đĩa mứt như thế để mời khách thưởng thức, để câu chuyện ngày tết thêm rôm rả, để không khí tết dường như có được cảm giác giống những tết xưa... chứ không nhiều “chất và vị công nghiệp” của hôm nay. Cô chẳng muốn từ chối người nào, bạn nào nếu có thể trong khả năng. Dần dà, mọi người lúc gần tết lại a-lô, lại ới nhờ cô làm một chút, một ít và tất nhiên số lượng ngày càng nhiều lên. Thế là Tết Nguyên đán Đinh Dậu này, cô Thuần cùng một nhóm bạn quyết định nhận đặt hàng những ai có nhu cầu các món mứt tết củ, quả.

Cô Thuần cho hay, theo xu hướng hiện nay, các loại bánh tự làm thủ công mỗi dịp tết Trung thu hay như mứt quả dịp tết Nguyên đán có cơ hội phát triển mạnh hơn bao giờ hết. Thị trường hàng hóa đa dạng, phong phú như bây giờ, cần gì có nấy song vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn đáng quan tâm thì người tiêu dùng mong muốn mua được các mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đáng tin cậy.

Thời đại công nghệ thông tin phát triển vượt bậc, bạn cũng có thể tìm kiếm trên mạng Internet tất tật mọi điều muốn biết chứ nói gì đến những công thức, các hướng dẫn cách làm bánh, mứt... một cách cụ thể, chi tiết. Vấn đề nữa là các nguyên liệu chế biến các món mứt cũng có sẵn, dễ kiếm, dễ làm.

Đặc biệt, có vẻ như sau khi đã nhanh chóng tiếp cận và thưởng thức đủ các loại bánh kẹo, mứt tết công nghiệp của nhiều năm qua, người tiêu dùng lại muốn nhấm nháp, nhâm nhi hương vị mứt tết thủ công truyền thống. Vì thế nên nhiều bà, nhiều mẹ, nhiều chị em phụ nữ có thời gian rảnh rỗi cũng tụ tập nhau làm mứt để ăn tết, gửi con cháu ở xa... Giải thích cho điều đó bằng nhiều lý do như vậy, ý cô Thuần không muốn đề cao câu chuyện của mình.

Nguyên liệu thì sẵn, công thức “tra Google”, từng bước hướng dẫn cách làm tỉ mỉ nhưng không phải mứt ai làm cũng giống ai. Cô Thuần chia sẻ, qua các mùa tết vừa làm vừa rút kinh nghiệm thì mứt tết cũng ngon hơn. Dễ làm nhất, nhiều người thích nhất vẫn là mứt dừa, cà rốt, đu đủ, còn mứt bí khó hơn, vị ngọt sắc, ngậm đường nhiều nên ai ăn thật ngọt mới thích. Các loại mứt này, cô hoàn toàn không sử dụng chất bảo quản nên chỉ để được trong thời gian khoảng một tháng kể từ khi đóng gói nilon, nếu hút chân không thì sẽ lâu hơn một chút.

Cô Phùng Thị Thuần chuẩn bị làm món mứt bí.

Theo cô Thuần và những người từng ăn mứt tự làm, thời gian để mứt bảo đảm hương vị thơm ngon nhất khi thưởng thức là trong 2 tuần. Đường dùng chế biến mứt phải là đường kính trắng chất lượng tốt, nếu đường không trắng hoặc đường không sạch thì mứt thành phẩm sẽ tự “phơi bày” điều ấy. Không dùng phẩm màu cho mứt dừa, cô Thuần có nước ép lá dứa hoặc bột trà xanh để tạo màu xanh, bột nghệ hoặc nước cà rốt tạo màu vàng, lá cơm tím hoặc nước ép bắp cải tím tạo màu tím, cà phê tạo màu sô-cô-la, lá cơm đỏ tạo màu hồng. Mứt thành phẩm phải có đường bám vừa độ, khô, thơm, màu đẹp.

Kinh nghiệm thực tế của bản thân sau từng mẻ mứt thành công hay thất bại, những khen ngợi hay góp ý của mọi người đã giúp cô Thuần ngày càng có sản phẩm chất lượng ngon, hình thức đẹp. Cô nói rằng mình không có bí quyết gì hết, chỉ là kinh nghiệm mà thôi. Ví như ở khâu chọn nguyên liệu làm mứt dừa, chọn dừa khô phải có vỏ sáng màu, không được già vì sẽ bị cứng, không được non vì sẽ bị nhạt. Đến khâu ngâm đường, dù công thức hướng dẫn có thể là thế này nhưng cô phải hoàn toàn tùy thuộc vào thực tế để điều chỉnh tỷ lệ phù hợp nhất.

Quá trình sên mứt, lửa để mức độ nào, đảo đều tay ra sao... cũng phải lưu ý. Khi trộn màu, độ đặc của nước sẽ quyết định màu sắc đậm hay nhạt của mứt. Nếu muốn có mùi thơm tự nhiên, trong khi sên mứt, cô thường cho thêm một lượng nhỏ sữa đặc Ông Thọ hoặc sữa tươi. Do thời gian bảo quản ngắn nên áng tầm 20 tết, cô Thuần cùng nhóm bạn mới tập trung làm mứt theo đơn đặt hàng. Năm nay, các cô đã có thêm món mới là mứt dứa vì có nhà người bạn trồng dứa sạch đang vào kỳ chín đẹp. “Vui vì mình thực sự tìm thấy niềm vui trong công việc mình làm” - cô Thuần hạnh phúc chia sẻ.

Nguyễn Thơm

Các tin khác
Tỉnh đoàn Yên Bái bàn giao cầu Thẩm Có, xã Suối Quyền, huyện Văn Chấn.

YBĐT - Vừa qua, Tỉnh đoàn Yên Bái tổ chức bàn giao công trình cầu giao thông nông thôn - cầu Thẩm Có tại thôn Vàng Ngần, xã Suối Quyền, huyện Văn Chấn cho nhân dân và chính quyền xã Suối Quyền.

Không khí lạnh gây mưa khiến Hà Nội và các tỉnh miền Bắc trải qua những ngày rét buốt.

Tối 19/1, khối khí lạnh cường độ mạnh tràn về sẽ khiến nền nhiệt miền Bắc giảm sâu, mức cao nhất trong ngày chỉ 17-18 độ C.

Ảnh minh họa

Thực hiện Quyết định 40/QĐ-TTg ngày 11/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia (DTQG) cho 12 địa phương, hỗ trợ nhân dân dịp Tết Nguyên đán năm 2017, Tổng cục dự trữ nhà nước (DTNN) vừa có chỉ đạo đến 24/1, các cục DTNN khu vực phải hoàn thành giao gạo đúng thời hạn cho nhân dân ăn Tết. Hỗ trợ hơn 10 nghìn tấn gạo cho 12 địa...

Các vận động viên tham gia thi đấu tại Giải Vô địch bắn nỏ - đẩy gậy Yên Bái năm 2016, thực hiện phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

YBĐT - Những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) đã tác động tích cực tới các phong trào thi đua yêu nước ở từng đơn vị, địa phương trong tỉnh. Từ phong trào này đã xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, hoạt động đoàn thể. Nhiều di sản văn hoá được bảo tồn, phát triển, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân ở các địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục