Thí điểm lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân giúp giảm tải bệnh viện
- Cập nhật: Thứ ba, 14/2/2017 | 8:49:16 AM
Ngày 13/2, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức họp đánh giá tiến độ việc khám, lập Hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân thí điểm tại 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Bắc Ninh và Phú Thọ.
Ảnh minh họa.
|
Phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì cuộc họp, cùng sự tham gia của đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và 3 Sở Y tế đang thực hiện triển khai thí điểm lập Hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân.
Tại buổi họp, 3 địa phương đã báo cáo tiến độ việc khám và lập Hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân và đề xuất những kiến nghị với Bộ Y tế.
Phú Thọ đã tiến hành thí tại huyện Yên Lập, đã khám và lập Hồ sơ sức khỏe cho hơn 62.000 người/92.794 người, đạt 67%. Từ tháng 3 đến hết tháng 6/2017, Phú Thọ đặt mục tiêu khám và lập hồ sơ sức khỏe cho trên 90% dân số trên địa bàn.
Tỉnh Bắc Ninh đã thí điểm triển khai tại hai xã thuộc huyện Quế Võ, khám và lập hồ sơ sức khỏe (điện tử) cho trên 15.000 người. Dự kiến trong 5-6 tháng tới, Bắc Ninh sẽ triển khai trong toàn toàn tỉnh.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ năm 2014, Hà Nội đã triển khai mô hình bác sỹ gia đình. Các quận, huyện triển khai theo mô hình bác sỹ gia đình đã thực hiện quản lý trên 35.000 hồ sơ sức khỏe. Hiện nay, Sở Y tế Hà Nội đang xây dựng kế hoạch triển khai quản lý hồ sơ cá nhân để trình Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt. Hà Nội sẽ thành lập Ban chỉ đạo từ cấp Thành phố đến các quận, huyện, dự kiến từ 1/3- 9/2017 sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra.
Tại cuộc họp, các địa phương đề xuất Bộ Y tế ban hành kế hoạch triển khai quản lý hồ sơ cá nhân để địa phương có căn cứ triển khai và hướng dẫn việc khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe để các địa phương triển khai thực hiện.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn đề nghị các đơn vị liên quan xây dựng và thống nhất việc khám, lập hồ sơ gồm những xét nghiệm gì (nhóm máu, công thức máu, đường huyết…); siêu âm gì và khám, chuyên khoa cho những đối tượng nào để thống nhất trong việc khám và quản lý Hồ sơ. Từ đó, tính chi phí đối với từng hồ sơ quản lý để dự trù kinh phí và nguồn lực thực hiện.
Theo Thứ trưởng, việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe không phải lập cho xong mà phải luôn được cập nhật thông tin về tình trạng sức khỏe, các chuyên khoa của các đối tượng khác nhau. Việc quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục sẽ giúp phát hiện sớm hầu hết các bệnh thông thường và giải quyết sớm ngay tại tuyến khám, chữa bệnh ban đầu, hạn chế biến chứng và diễn biến bệnh nặng, giúp giảm quá tải bệnh viện, giảm áp lực với ngành y tế.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
Ngày 13/2, tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đoàn tổ chức họp báo phát động cuộc thi sáng tác biểu trưng (lô gô) và bài hát (ca khúc) cổ động, tuyên truyền về Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 – 2022.
YBĐT- Với việc đẩy mạnh các giải pháp bảo đảm trật tự đô thị, thời gian qua, diện mạo thành phố Yên Bái đã có nhiều đổi thay, các tuyến phố trở nên thông thoáng, sạch, đẹp, ý thức của người dân cơ bản được nâng lên.
YBĐT - Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 1.500 lượt cựu thanh niên xung phong được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước.
YBĐT - Sau dịp tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, các bạn trẻ lại chờ mong được hòa vào không khí lãng mạn của ngày Valentine là ngày Lễ tình nhân 14/2. Đón bắt nhu cầu của thị trường trong ngày này, các cửa hàng trên địa bàn thành phố Yên Bái bày bán rất nhiều sô-cô-la, hoa tươi, đồ lưu niệm…