Yên Bái: Chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm
- Cập nhật: Thứ hai, 6/3/2017 | 11:21:17 AM
YênBái -
YBĐT - Trước diễn biến khó lường của dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc và nguy cơ xâm nhập Việt Nam, phóng viên Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với thạc sỹ, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Hà – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái (TTKSBT).
Phóng viên: Thưa ông, xin ông đánh giá về diễn biến tình hình dịch cúm A/H7N9 hiện nay ra sao? Và đến thời điểm hiện nay ở Việt Nam đã phát hiện ra trường hợp nghi ngờ nào mắc cúm A/H7N9?
Ông Nguyễn Văn Hà: Dịch cúm A(H7N9) bắt đầu được ghi nhận tại Trung Quốc từ tháng 3 năm 2013 và có nguồn gốc từ cúm gia cầm. Người mắc bệnh thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của gia cầm trong quá trình chăn nuôi, giết mổ, ăn thịt và các sản phẩm của gia cầm không được nấu chín, hoặc là có tiếp xúc với môi trường bị nhiễm vi rút cúm A(H7N9).
Ngoài dịch cúm A(H7N9), A(H5N1) đang có những diễn biến phức tạp trên các đàn gia cầm hoặc gây bệnh trên người nêu trên, hiện nay thế giới cũng đang ghi nhận cúm A(H5N6), cúm A(H5N8) gây dịch trên các đàn gia cầm tại một số nước châu Âu, châu Á.
Tại Việt Nam cũng ghi nhận rải rác ổ dịch cúm A(H5N6) trên đàn gia cầm tại một số tỉnh, thành phố. Đặc biệt là theo thông tin mới nhất mà các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa hiện nay tại 3 xã của huyện Vụ Bản và Trực Ninh của tỉnh Nam Định đã có dịch cúm A (H5N1) trên gia cầm và cho đến nay chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm cúm A (H5N1) trên người, những người tiếp xúc với gia cầm ốm chết ở các ổ dịch cúm A (H5N1) đang được theo dõi, giám sát tình hình sức khỏe theo quy định.
Về tình hình cúm A (H7N9), cho đến nay ở nước ta chưa có trường hợp nào được báo cáo nhiễm vi rút cúm A(H7N9) ở người hay gia cầm. Tuy nhiên, tình hình này có thể nhanh chóng thay đổi do vi rút này đã phát hiện ở tỉnh Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc) có chung đường biên giới với Việt Nam. Nếu gia cầm bị nhiễm vi rút từ Trung Quốc được vận chuyển vào Việt Nam trong đó có cả tỉnh Yên Bái thì nguy cơ bị lây nhiễm cúm A(H7N9) là không tránh khỏi.
Phóng viên: Nguồn lây cúm A/H7N9 và mức độ nguy hiểm như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Hà: Vi rút cúm A(H7N9) thường gây bệnh cúm ở các loại gia cầm và các loài chim. Hầu hết các trường hợp lây nhiễm ở người đã ghi nhận là do tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với gia cầm bị nhiễm hay là môi trường bị nhiễm bệnh.
Do vi rút cúm A(H7N9) không gây các bệnh nghiêm trọng ở gia cầm khi bị nhiễm, hầu hết gia cầm nhiễm vi rút đều không có biểu hiện bệnh nhưng có khả năng lây bệnh cho người. Người mắc bệnh thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của gia cầm trong quá trình chăn nuôi, giết mổ, ăn các sản phẩm gia cầm không được nấu chín hoặc tiếp xúc với môi trường bị nhiễm vi rút cúm A(H7N9). Một số ít ca dường như do lan truyền từ người sang người, tuy nhiên hiện chưa có bằng chứng khoa học về việc này.
Mức độ nguy hiểm của bệnh là khi mắc bệnh thì thường diễn biến rất nặng, tỷ lệ tử vong cao, lên tới 40%.
Phóng viên: Thưa ông, trước diễn biến khó lường của dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc và nguy cơ xâm nhập Việt Nam, hiện ngành y tế có giải pháp gì để chủ động đối phó khi có dịch cúm xảy ra trên địa bàn tỉnh?
Ông Nguyễn Văn Hà: Là cơ quan thường trực, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã chủ động tham mưu cho Sở Y tế để tiến hành triển khai các hoạt động, giải pháp:
- Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm A(H7N9) của tỉnh, đồng thời ban hành văn bản chỉ đạo đối với tất cả các đơn vị y tế trên địa bàn chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm lây sang người theo Quyết định của Bộ Y tế số 567/QĐ-BYT, ngày 21/02/2017 - phê duyệt "Kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm A (H7N9) tại Việt Nam".
- Đăng tải lên Trang thông tin điện tử của ngành y tế các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương; các khuyến cáo phòng chống dịch cúm A(H7N9) của Bộ Y tế.
- Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống cúm A(H7N9) và cúm A (H5N1).
- Chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế tăng cường giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh chuyển Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để làm xét nghiệm.
- Chỉ đạo tăng cường hệ thống giám sát dịch từ tuyến tỉnh đến tuyến xã, thôn bản, trường hợp người đi về từ vùng dịch, người có tiền sử tiếp xúc với gia cầm mà có biểu hiện bất thường về sức khoẻ.
* Về phía Trung tâm Kiểm soát bệnh tật:
- Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết phục vụ công tác xét nghiệm chẩn đoán xác định bệnh, các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh được lấy mẫu bệnh phẩm kịp thời làm xét nghiệm và có kết quả sớm nhất để phục vụ cho công tác điều trị cho bệnh nhân.
- Đội cơ động chống dịch cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho công tác phòng chống dịch tại cộng đồng: Đảm bảo đủ cơ số hoá chất, thuốc men, trang bị bảo hộ cũng như cho vận hành, kiểm tra máy móc, trang thiết bị cho công tác phòng chống dịch. (ảnh)
Phóng viên: Để chủ phòng tránh bệnh, người dân phải làm gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Hà: Để chủ động ngăn ngừa sự lây truyền của vi rút cúm gia cầm A(H7N9), A(H5N1), A(H5N6) sang người, xâm nhập vào nước ta, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
2. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
3. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
4. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông đã tham gia cuộc trao đổi!
Đức Toàn - Thu Trang
Các tin khác
“Tắt đèn, bật tương lai” là thông điệp của Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2017 vừa được Bộ Công Thương phát động sáng 5/3 tại Đại học Bách khoa Hà Nội với sự tham gia của hàng nghìn bạn trẻ.
Ngày 5/3 tại thành phố Hải Phòng, Trung ương Đoàn phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Năm an toàn giao thông 2017 với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên.”
Bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng yếu các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Ngày 7/3, không khí lạnh được tăng cường và ảnh hưởng đến hầu hết các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Kể từ ngày 6-3, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (QLXNC) sẽ thực hiện tiếp nhận tờ khai điện tử đề nghị cấp, cấp đổi hộ chiếu phổ thông cho người dân.