Nâng cao năng lực quản lý và cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng cao
- Cập nhật: Thứ tư, 29/3/2017 | 2:02:39 PM
YBĐT - 7 năm qua (2009 - 2016), Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ được sự hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức Hợp tác quốc tế kỹ thuật Đức (GIZ) với Dự án “Tăng cường hệ thống y tế tuyến tỉnh” đã nâng cao năng lực trong công tác quản lý và cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng cao.
Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ triển khai nhiều kỹ thuật mới, hạn chế bệnh nhân chuyển tuyến.
|
Trang thiết bị đầu tư hiện đại
Với nhiệm vụ khám, chữa bệnh (KCB) và chăm sóc sức khỏe cho hơn 300.000 dân thuộc 4 huyện, thị phía Tây của tỉnh, trong đó, có 2 huyện vùng cao đặc biệt khó khăn: Trạm Tấu và Mù Cang Chải, vì vậy, với Bệnh viện sự hỗ trợ của Dự án là rất cần thiết.
Trước năm 2009, các trang thiết bị được đầu tư đã lâu, cũ, không đồng bộ và thiếu rất nhiều, như: chụp X-quang thường quy sản xuất năm 1956, máy siêu âm Aloka đen trắng, máy thở Acoma 900… không đáp ứng so với nhu cầu KCB.
Đến năm 2009, Dự án GIZ đã khảo sát xây dựng nhu cầu trang thiết bị của Bệnh viện và đến tháng 6/2012 Dự án đã cung cấp đồng loạt 82 hạng mục trang thiết bị. Trong đó, nhiều trang thiết bị hiện đại như: hệ thống phẫu thuật nội soi, nội soi tán sỏi laser, máy CT Scanner, siêu âm 4D, các máy thở chức năng cao, máy điện não...
Cùng với đó, sự chủ động của Bệnh viện trong việc đào tạo cán bộ nên ngay khi tiếp nhận trang thiết bị, các cán bộ đã quản lý, sử dụng và phát huy tốt hiệu quả trong công tác nâng cao chất lượng khám, chẩn đoán và điều trị. Qua đó, lượng bệnh nhân tăng lên rõ rệt, bệnh nhân điều trị nội trú tại Bệnh viện liên tục tăng trên số giường kế hoạch giao (380 - 450/260 giường bệnh), số bệnh nhân đến khám tăng từ 350 - 400 lượt/ ngày.
Đi đôi với trang thiết bị hiện đại, chuyên môn kỹ thuật được nâng lên, từ năm 2012 khi tiếp nhận các trang thiết bị của Dự án đầu tư, hàng loạt các kỹ thuật mới, kỹ thuật hiện đại mà trước đây chưa thực hiện được thì nay Bệnh viện đã thực hiện như: phẫu thuật nội soi ngoại khoa, sản khoa, phẫu thuật chấn thương sọ não lấy máu tụ ngoài màng cứng, dưới màng cứng, nội soi tán sỏi niệu quản ngược dòng bằng laser, lọc máu cấp cứu ngắt quãng, chạy thận nhân tạo chu kỳ…
Việc triển khai phát triển nhiều dịch vụ chất lượng cao, uy tín và thương hiệu của Bệnh viện cũng ngày càng được khẳng định. Được thể hiện qua số lượng người bệnh đến KCB ngày càng nhiều. Nhờ đó, các bệnh nhân nghèo trước đây rất khó có cơ hội để tiếp cận với các dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao thì hiện nay đã được hưởng dịch vụ này ngay tại Bệnh viện.
Bác sỹ Đào Thanh Quyết - Phó Giám đốc Bệnh viện phấn khởi chia sẻ: “Từ khi được sự hỗ trợ của Dự án về trang thiết bị, cải tiến chất lượng, phát triển chuyên môn kỹ thuật, tỷ lệ hài lòng của nhân viên Bệnh viện đối với trang thiết bị tăng từ 38 - 91%, năng lực của cán bộ y tế đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là năng lực lập kế hoạch và quản lý ở các khoa, phòng… Qua đó, các kỹ thuật cao được triển khai, hạn chế chuyển tuyến, tạo niềm tin ở nhân dân”.
Từ khi được đầu tư trang thiết bị, Bệnh viện đã cứu sống nhiều bệnh nhân, điển hình như: bệnh nhân Hờ A Sử 27 tuổi, dân tộc Mông ở xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải ngộ độc nặng thuốc trừ sâu; cứu sống thành công trẻ sinh non tháng thấp cân, suy hô hấp con sản phụ Vì Thị Thoại 16 tuổi ở huyện Văn Chấn; phẫu thuật thành công đầu tiên thay toàn bộ khớp háng cho bệnh nhân Lò Thị Piến, 57 tuổi ở phường Cầu Thia (thị xã Nghĩa Lộ) bị gẫy cổ xương đùi trái do tai nạn giao thông...
Cải tiến quy trình khám chữa bệnh nâng cao chất lượng dịch vụ
Dự án cải tiến chất lượng đầu tiên được triển khai tại Bệnh viện đó là Dự án “Cải thiện an toàn tiêm” tại 3 khoa điểm: Hồi sức cấp cứu, Sản và Nhi. Dự án triển khai thành công và rất hiệu quả, hiện tại đã được nhân rộng và duy trì bền vững ở tất cả các khoa lâm sàng.
Tiếp đó, Bệnh viện đã sử dụng các công cụ cải tiến chất lượng, lựa chọn vấn đề ưu tiên phù hợp với năng lực để tiến hành can thiệp hiệu quả, cụ thể: ứng dụng công nghệ thông tin giúp giảm thời gian chờ khám, cải tiến quy trình thanh toán chi phí KCB ngoại trú và nội trú, xây dựng sơ đồ hệ thống tổ chức Bệnh viện để công khai cho người dân đến khám tại tất cả các khoa, phòng, kết nối máy xét nghiệm giúp giảm nhân lực, giảm thời gian trả kết quả và tăng độ chính xác so với phải nhập trực tiếp...
Hiện tại, nhiều cán bộ cơ bản nắm được công cụ cải tiến chất lượng, biết phương pháp để lựa chọn vấn đề ưu tiên cải tiến. Do đó, Bệnh viện được đánh giá chất lượng theo Thông tư 19 và Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện đạt 3,2/5, xếp loại khá.
Một trong nhiều hạng mục được hỗ trợ mang lại hiệu quả cao, đó là ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý KCB. Triển khai đưa phần mềm OnMES đã cải thiện năng suất và chất lượng hoạt động đối với lãnh đạo Bệnh viện, các y, bác sĩ, bệnh nhân nhất là giảm thời gian chờ trong khám và điều trị. Tất cả các khâu từ tiếp nhận, thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, chỉ định điều trị, vật tư y tế... đều được thực hiện trên phần mềm.
Từ đó, thuận lợi cho công tác quản lý, theo dõi, kịp thời điều chỉnh theo nhu cầu KCB. Nhân viên y tế giảm thời gian ghi chép, bệnh án điện tử được quản lý chặt chẽ hơn, kết xuất số liệu nhanh và chính xác.
Nhờ đó, các dữ liệu từ phần mềm là cơ sở giúp Ban Giám đốc có sự điều chỉnh nhân lực và công việc hợp lý, hoạch định các chiến lược, kế hoạch phát triển cho Bệnh viện.
Bệnh viện đã ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành.
Ông Đào Thanh Quyết - Phó Giám đốc Bệnh viện khẳng định: “Việc triển khai ứng dụng CNTT quản lý tại Bệnh viện là hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển CNTT của ngành y tế và chiến lược phát triển, tầm nhìn. Hiệu quả thực tế cho thấy, sự hỗ trợ của Dự án đã góp phần cải thiện chất lượng quy trình khám bệnh, giảm thời gian chờ đợi, giảm bớt thủ tục cho bệnh nhân, nâng cao năng lực quản lý của Bệnh viện…”.
Cùng với đó, hệ thống lấy số thứ tự gọi khám tự động và thanh toán viện phí: việc hỗ trợ hệ thống máy xếp hàng tự động tại Bệnh viện đã giúp cải thiện việc chờ đợi và mất trật tự tại Khoa Khám bệnh.
Năm 2015, Bệnh viện tiếp tục lắp đặt và áp dụng thiết bị đọc mã vạch cho bộ phận tiếp nhận, bảo đảm thời gian tiếp nhận ngắn nhất và tăng độ chính xác về các thông tin người bệnh. 3 tháng đầu năm 2017, Bệnh viện đã khám bệnh cho 27.489 lượt, bệnh nhân điều trị nội trú 4.510 người, 322 bệnh nhân điều trị ngoại trú, công suất sử dụng giường bệnh 111,8%...
Trong thời gian 7 năm thực hiện Dự án, với sự cố gắng, nỗ lực của các y, bác sỹ, cán bộ Bệnh viện đã đạt những thành tựu quan trọng, góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ y tế nói chung, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân.
Trần Minh
Các tin khác
Ngày 28-3, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã hoàn thành việc biên soạn cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh đại học hệ chính quy, cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2017”.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa ký ban hành Công văn số 1086/BYT-PC gửi Văn phòng Chính phủ về việc góp ý đối với dự thảo Nghị định về kinh doanh rượu.
YBĐT - Thực hiện chủ trương kỷ cương, trật tự đô thị, ngày 7/3/2017 UBND phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái đã xây dựng Kế hoạch số 17 về việc tổ chức CVĐ tuyên truyền chấp hành giải phóng hành lang đô thị, bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn phường.
Chiều 27/3, đồng chí Đỗ Đức Duy – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp với các sở, ngành liên quan về tình hình thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.