Xúc cảm tháng Tư
- Cập nhật: Thứ bảy, 29/4/2017 | 9:18:35 AM
YBĐT - Chú tôi là bộ đội. Ngày tôi chưa chào đời, chú đã lên đường nhập ngũ.
Tôi chỉ được biết đến chú qua những tấm ảnh, những lá thư đã ố vàng và những câu chuyện kể của ông bà, bố mẹ, họ hàng. Chú là niềm tự hào của cả gia đình, dòng họ vì là một chiến sỹ cách mạng dũng cảm, kiên cường, đã hy sinh cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng quê hương đất nước.
Nhưng bên cạnh niềm tự hào đó, chú cũng chính là người khiến ông bà, các anh chị em và cả người vợ hiền thủy chung của chú phải sống trong nỗi day dứt, trăn trở suốt mấy chục năm trời bởi không tìm được phần mộ.
Chú tôi sinh năm 1950. Là con thứ 6 trong gia đình nên ông bà tôi đặt tên cho chú là Nguyễn Văn Sáu. Chú Sáu đẹp trai, thông minh, học giỏi lại có tài văn thơ. Ngày còn là một cậu học trò trường làng, chú nổi tiếng với dáng vẻ cao to, khỏe mạnh và tài ăn nói có duyên, luôn được nhiều cô gái trong làng chú ý.
Chú mơ ước sẽ trở thành thầy giáo dạy Văn nhưng hoàn cảnh gia đình không cho phép chú thực hiện ước mơ đó. Năm 1968, sau khi rời ghế nhà trường, chú đã cùng với rất nhiều thanh niên lúc bấy giờ, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc - lên đường nhập ngũ, chiến đấu ở chiến trường miền Nam.
Năm 1972, trong một chuyến công tác ngoài miền Bắc, chú được cấp trên cho phép tranh thủ về thăm nhà. Thời gian nghỉ phép tuy ngắn ngủi nhưng ông bà tôi đã kịp tổ chức đám cưới cho chú với một cô bạn học. Sau đám cưới một ngày, chú tôi lại vội vàng khăn gói lên đường, để lại người vợ trẻ còn chưa bén hơi chồng.
Không ai ngờ rằng đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng trong cuộc đời binh nghiệp chú được về thăm nhà. Sau khi chú lên đường, thím tôi khóc ròng suốt mấy ngày liền vì tủi thân và nhớ chồng.
Nhưng sau đó một thời gian, nỗi nhớ thương cũng được xoa dịu khi thím biết mình đã có thai. Ngày đứa bé chào đời, chú cũng không được về thăm nhà để chăm sóc vợ con bởi chiến tranh quá ác liệt mà chỉ có thể hình dung ra hình dáng của con qua những dòng thư chứa chan niềm thương của người vợ trẻ nơi quê nhà.
Là một người phụ nữ đảm đang, dịu hiền, trong những năm tháng chú đi xa, một mình thím gánh vác mọi công việc trong gia đình, từ chăm sóc bố mẹ già, nuôi nấng đứa con còn thơ dại và tham gia công tác ở xã.
Cũng như bao phụ nữ có chồng đi bộ đội lúc bấy giờ, thím khát khao, mong ngóng một ngày không xa, chiến tranh sẽ kết thúc để gia đình, vợ chồng, cha con được đoàn tụ. Nhưng niềm hạnh phúc sum vầy đã không đến với gia đình ông bà tôi.
Mùa xuân năm 1975, gia đình ông bà tôi nhận được giấy báo tử của chú, cách ngày giải phóng miền Nam gần 1 tháng. Người vợ trẻ sau 3 năm chờ chồng đã khóc ngất khi nhận được tin dữ. Nỗi đau quá lớn khiến thím suy sụp rồi đổ bệnh. Được sự động viên của bố mẹ chồng và bà con làng xóm, thím đã cố gắng gượng để tiếp tục làm tròn bổn phận của một người con dâu hiếu thảo và nuôi dưỡng đứa con thơ dại.
Là một người phụ nữ có nhan sắc, lại dịu dàng hiền thục nên thím tôi vẫn được nhiều người đàn ông trong vùng để ý nhưng thím quyết tâm không đi bước nữa mà ở vậy chăm sóc bố mẹ già và nuôi con.
Ông bà tôi đã nhiều lần khuyên thím đừng ở vậy mà hãy tìm người đàn ông tốt để có thể nương tựa nốt những ngày còn lại của cuộc đời mình nhưng thím nhất quyết không nghe. Ông bà thương thím vô cùng và cũng không yên tâm về việc chưa tìm được phần mộ của chú tôi.
Trước khi mất, ông bà chỉ có một tâm nguyện duy nhất là đưa được chú trở về nghĩa trang liệt sĩ quê nhà. Sau nhiều lần bàn bạc, bố tôi và người con gái duy nhất của chú thím quyết định trở lại chiến trường xưa. Với sự giúp đỡ của một người đồng đội cũ, cuối cùng gia đình tôi cũng tìm được phần mộ của chú và đưa về quy tập tại nghĩa trang liệt sỹ ở quê nhà. Đó là một ngày đầu tháng Tư năm 2010.
Vậy là sau nhiều năm nằm lại nơi chiến trường, chú tôi đã được yên giấc ngàn thu tại quê hương trong niềm yêu mến, tự hào của nhân dân, của bà con làng xóm và những người thân yêu. Đất mẹ bao dung đã giang rộng vòng tay ôm đứa con xa quê vào lòng. Dù đã ra đi nhưng chú mãi mãi sống trong tình cảm của những người dân nơi đây.
Mỗi độ tháng Tư về, gia đình tôi lại không quên đến nghĩa trang kính cẩn thắp hương tưởng nhớ chú. Trên bia mộ, tấm ảnh chú chụp từ ngày mới nhập ngũ được một người bạn thân của bố tôi vẽ lại trông rạng ngời biết bao. Vầng trán cao, đôi mắt sáng lấp lánh và nụ cười hiền hậu. Chú như đang mỉm cười với chúng tôi và mong chúng tôi đừng buồn bởi chú đã sống một cuộc sống đầy ý nghĩa!
Mai Phương
Các tin khác
YBĐT - Không chỉ một lần những cựu chiến binh chúng tôi trở về thăm Quảng Trị chiến trường xưa, nghiêng mình trước những ngôi mộ có tên và không tên nơi tại Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Đường 9 Nam Lào…
Vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 02/2017/TT-BYT quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước (gọi tắt là Thông tư số 02).
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã ra lời kêu gọi thực hiện 3 tháng cao điểm vận động toàn dân tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ; kêu gọi mỗi cơ quan, tổ chức, mỗi gia đình có một việc làm cụ thể để góp phần chăm lo cho các gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình chính sách.