Tỉnh Yên Bái chú trọng phát triển hệ thống y tế vùng cao

  • Cập nhật: Thứ ba, 9/5/2017 | 7:58:38 AM

YBĐT - Giai đoạn 2008 - 2016, toàn tỉnh đã có 8/9 trung tâm y tế tuyến huyện và 14/19 phòng khám đa khoa khu vực được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp; 48/180 (tương đương 26,6%) trạm y tế  tuyến xã được xây mới, 39 TYT được cải tạo, sửa chữa, mở rộng.

Lãnh đạo Sở Y tế kiểm tra công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tại các huyện vùng cao.
Lãnh đạo Sở Y tế kiểm tra công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tại các huyện vùng cao.

Những năm qua, ngành y tế Yên Bái đã triển khai nhiều đề án, chương trình nhằm nâng cao năng lực cán bộ y tế, đầu tư trang thiết bị và cơ sở vật chất cho các bệnh viện tuyến huyện, đặc biệt ở các địa phương khó khăn, tạo điều kiện để người dân vùng cao có cơ hội được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế có chất lượng, hạn chế chuyển tuyến điều trị. Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Hồng Vân - Phó Giám đốc Sở Y tế về vấn đề này.

P.V: Những năm qua, ngành y tế đã triển khai nhiều đề án, chương trình nhằm đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các bệnh viện tuyến huyện, các trạm y tế xã, đặc biệt ở 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Kết quả cụ thể là gì thưa bà?

Bà Lê Thị Hồng Vân - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái.

Bà Lê Thị Hồng Vân
: Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái, đặc biệt là tập trung cho y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu, thời gian qua, ngành y tế đã nhận được sự quan tâm đầu tư từ các nguồn vốn của Chính phủ, Bộ Y tế, UBND tỉnh và các tổ chức quốc tế hỗ trợ để nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị (nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ngân sách, vốn ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác).

Cụ thể như sau: đối với cơ sở vật chất, giai đoạn 2008 - 2016 đã có 8/9 trung tâm y tế (TTYT) tuyến huyện và 14/19 phòng khám đa khoa khu vực được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp; 48/180 (tương đương 26,6%) trạm y tế (TYT) tuyến xã được xây mới, 39 TYT được cải tạo, sửa chữa, mở rộng để đảm bảo cơ sở vật chất theo quy định của Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã.

Đến nay, Yên Bái đã có 78 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, đạt 43,3% (19 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn). Về trang thiết bị, các cơ sở y tế tuyến huyện đã được đầu tư cơ bản trang thiết bị đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh thiết yếu của nhân dân, có 34/180 TYT xã được cung cấp đủ trang thiết bị, 32 trạm được cấp một số cơ bản trang thiết bị cho việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của TYT tuyến xã.

Song song với đó, hiện tại, Sở Y tế đang tiếp tục triển khai các dự án từ nguồn vốn ODA để tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các đơn vị y tế tuyến huyện và TYT tuyến xã.

Cụ thể: 3 dự án từ nguồn vốn ODA Chính phủ Đức để đầu tư trang thiết bị cho 4 TTYT tuyến huyện và 14 phòng khám đa khoa khu vực, triển khai hệ thống hỗ trợ y học từ xa kết nối Bệnh viện Việt Đức với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ và TTYT huyện Văn Yên, xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế cho TTYT huyện Lục Yên và 10 phòng khám đa khoa khu vực; mua bổ sung trang thiết bị thiết yếu cho 26 TYT tuyến xã xây dựng tiêu chí quốc gia về y tế xã từ nguồn vốn kết dư do tổ chức AP tài trợ.

Riêng hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải, giai đoạn vừa qua, xây mới TTYT Trạm Tấu với quy mô 50 giường bệnh; TTYT huyện Mù Cang Chải được cải tạo, nâng cấp, sửa chữa để đáp ứng yêu cầu. Đã có 9/26 TYT của cả hai huyện được xây mới, một số trạm được cải tạo, nâng cấp.

P.V: Việc đầu tư mang tính đồng bộ và căn bản, vậy hiệu quả mang lại trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân như thế nào, thưa bà?

Bà Lê Thị Hồng Vân: Với những đầu tư như trên, mặc dù so với nhu cầu thì vẫn còn khiêm tốn, nhưng chúng ta thấy đây chính là những điều kiện căn bản để tiếp tục tạo đà cho những bước phát triển tiếp theo.

Nhờ những đầu tư này mà trong thời gian qua, công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh từ vùng thấp đến vùng cao đã có những cải thiện rõ rệt: tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm đã giảm đáng kể như: bại liệt, bạch hầu, ho gà… từ số mắc và số tử vong hàng vạn, hàng trăm ca mỗi năm nay chỉ còn vài ca mắc, có bệnh đã được khống chế và loại trừ như: bại liệt, phong. Các bệnh như lao, HIV/AIDS, bệnh dại… đã được khống chế và kiểm soát.

Hàng năm, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng (thể nhẹ cân) đã giảm, từ mức trên 30% nay còn 18,5%, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ hàng năm đạt trên 98%, giúp đẩy lùi các bệnh đã có vắc xin phòng. Tỷ lệ chết trẻ dưới 1 tuổi giảm còn dưới 20,5%o; tỷ lệ chết trẻ dưới 5 tuổi giảm xuống còn dưới 24%o…

P.V: Xin bà cho biết khó khăn và thách thức trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đối với địa phương vùng cao?

Bà Lê Thị Hồng Vân: Yên Bái là một tỉnh miền núi, có 72 xã đặc biệt khó khăn, có 2 huyện vùng cao thuộc 62 huyện nghèo trong cả nước. Mặt khác, mô hình bệnh tật thay đổi, nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi gia tăng. Các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, tim mạch, ung thư, đái tháo đường, các bệnh do lạm dụng rượu, bia, thuốc lá chiếm phần lớn và chưa có biện pháp kiểm soát hiệu quả.

Ngoài những vấn đề về sức khỏe chung phải đối mặt như trên, thì những thách thức trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở địa phương vùng cao vẫn đang là mối lo ngại, như tỷ lệ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng nước sạch còn thấp…

Đặc biệt là tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn chưa có biện pháp giải quyết triệt để, hiệu quả. Kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của người dân ở những vùng này chưa cao do khó tiếp cận với các phương tiện truyền thông phổ biến, nên vẫn xảy ra tình trạng ngộ độc các chất độc tự nhiên, gây hậu quả đáng tiếc và nghiêm trọng. Tuy đã có một nguồn lực lớn được đầu tư trong thời gian qua cho Yên Bái về cơ sở vật chất và trang thiết bị, nhưng so với nhu cầu thì vẫn còn là một khoảng cách lớn, nhất là đầu tư cho y tế cơ sở. Chính vì vậy, đây cũng là một thách thức, khó khăn, cần nỗ lực của cả hệ thống để hoàn thành nhiệm vụ.

P.V: Thưa bà, hiện nay ngành đã có những chính sách, nguồn lực ưu tiên gì cho các địa phương vùng cao và trong giai đoạn tới đây, ngành tham mưu với tỉnh và có những giải pháp như thế nào để người dân vùng cao được thụ hưởng các dịch vụ y tế có chất lượng?

Bà Lê Thị Hồng Vân: Ngoài việc thực hiện tốt những chính sách của Đảng, Nhà nước đối với cán bộ công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, tỉnh Yên Bái ban hành Quy định một số chính sách riêng về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đó, nhân lực y tế đặc biệt được chú trọng. Cụ thể, các đối tượng: bác sĩ chuyên khoa II, bác sĩ nội trú, thạc sĩ; đại học hệ chính quy diện tự thi đỗ hoặc tuyển thẳng; bác sĩ đa khoa tốt nghiệp từ loại khá trở lên, dược sĩ đại học tốt nghiệp từ loại giỏi trở lên về làm việc tại các cơ quan y tế nhà nước thuộc huyện Trạm Tấu và huyện Mù Cang Chải được hỗ trợ thêm 30 triệu đồng/ 1 người ngoài chính sách thu hút chung. Ngành đang đề nghị bố trí chỉ tiêu biên chế cán bộ chuyên trách dân số 72 xã đặc biệt khó khăn vào TYT xã để yên tâm công tác.

Về phía người dân, tất cả đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn vùng khó khăn; những người dân sinh sống ở những vùng đặc biệt khó khăn đều được hưởng chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế. Các chương trình mục tiêu y tế - dân số cũng được giành ưu tiên triển khai cho vùng cao, vùng khó khăn. Cụ thể như: các chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; chương trình đào tạo cô đỡ thôn bản cho các xã vùng đặc biệt khó khăn về công tác chăm sóc bà mẹ và trẻ em…

Trong giai đoạn tới đây, ngành sẽ tiếp tục đề xuất với Chính phủ, Bộ Y tế đưa danh mục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các TYT xã vùng cao vào nguồn vốn Trung ương hỗ trợ (thực hiện Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới theo Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 5 tháng 12 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ).

Tiếp tục tham mưu với tỉnh để có chính sách nhân lực y tế tốt hơn ở vùng khó khăn như: tăng mức thu hút nhân lực y tế có chất lượng, ưu tiên đào tạo và tuyển dụng nhân lực y tế cho vùng cao. Tiếp tục duy trì các hoạt động có hiệu quả của các chương trình mục tiêu y tế - dân số: như chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình, chương trình tiêm chủng mở rộng, phòng chống HIV/AIDS, phòng chống lao, chương trình phòng chống suy dinh dưỡng…

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Trần Minh (thực hiện)

Các tin khác
Trong giờ ôn tập môn Giáo dục công dân của cô và  trò Trường THPT Hoàng Quốc Việt.

YBĐT - Theo quy chế của kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm học 2016 - 2017, ngoài các môn thi bắt buộc là Toán, Văn, Anh học sinh khối 12 sẽ phải chọn một trong hai tổ hợp môn thi Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên. Lần đầu tiên môn Giáo dục công dân (GDCD) được đưa vào là một trong những môn thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học.

Đồng chí Dương Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.

YBĐT - Ngày 8/5, Ban Chỉ đạo kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia tỉnh Yên Bái năm 2017 tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch thống nhất nội dung chỉ đạo kỳ thi trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh thống nhất nội dung phối hợp công tác dân vận với Ban Dân vận và cấp ủy, chính quyền địa phương.

YBĐT - Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh đã phối hợp với Ban Dân vận Huyện ủy Văn Chấn, Ban Dân vận Thị ủy Nghĩa Lộ và cấp ủy, chính quyền thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn cơ sở tổ chức Hội nghị phối hợp công tác dân vận bảo đảm cho xây dựng Sở chỉ huy, thao trường thực binh và các điều kiện sinh hoạt dã ngoại trong diễn tập khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh năm 2017.

Ảnh minh họa

Đề thi trắc nghiệm sẽ sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó, do vậy thí sinh tùy vào học lực của mình để đọc đề đến đâu làm chắc chắn đến đó mà không cần phải đọc hết đề để chọn câu hỏi dễ như trước đây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục