Làm báo thời Facebook
- Cập nhật: Thứ tư, 21/6/2017 | 8:44:24 AM
YBĐT - Trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin và Internet, xã hội thông tin đang ngày càng phát triển, được chia sẻ liên tục và không ngừng nghỉ theo thời gian. Và Facebook hiện đang là một trong những kênh thông tin rộng nhất với nguồn thông tin đồ sộ, phong phú trên toàn cầu.
Làm báo thời đại Facebook cần có sự chọn lọc thông tin một cách kỹ lưỡng.
|
Cùng với sự lớn mạnh của Facebook, các nhà báo, hay nói rộng hơn là những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí cũng có sự thay đổi. Rõ nét nhất có lẽ là với Facebook, nghề báo đã bắt đầu được “xã hội hóa”, theo nghĩa mọi người đều có thể góp phần tạo ra và phổ biến tin tức trong cộng đồng; báo chí không còn là lãnh địa riêng của các nhà báo. Sự thay đổi này mang lại cơ hội nhưng cũng là một thách thức lớn cho báo chí nói chung và cho các nhà báo nói riêng!
Trong thế giới thông tin ấy, “nhà báo thời Facebook” có một lợi thế vô cùng lớn, đó là thông tin rộng mở, nhiều chiều.
Thế nhưng, viết gì, viết thế nào, bày tỏ quan điểm nào cũng đều phải có sự cân nhắc. Bởi lẽ, tuy thông tin trên Facebook rất phong phú, đa dạng nhưng lại không có sự kiểm chứng rõ ràng; các nguồn tin không chính thống tồn tại khắp nơi; cộng với việc đa dạng các đối tượng, thành phần xã hội cùng tham gia nên việc xuất hiện những “tin vịt”, tin “lá cải”, tin sai sự thật là điều không thể tránh khỏi. Đã có rất nhiều trường hợp tung tin sai sự thật lên Facebook chỉ để thu hút sự hiếu kỳ của người đọc, câu “view”, câu “like”… Những nguồn tin như vậy cần các nhà báo luôn phải tỉnh táo khi chọn lọc để tìm kiếm thông tin.
Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, người làm báo phải có tâm, có tầm và có tài. Trước hết phải đặt cái tâm của mình lên trên, đưa tin nhằm mục đích gì, đưa tin đó có lợi hay không, có xâm phạm đến lợi ích cá nhân của người khác hay không, tác động xã hội của nó như thế nào... Do đó, cái tâm của người làm báo phải đặt lên hàng đầu và cái tầm của người làm báo phải bao quát hết toàn bộ vấn đề, nội dung liên quan đến tác phẩm khi mình đưa lên nó ảnh hưởng như thế nào, sau đó mới đặt đến cái tài thể hiện trong bài viết thế nào cho phù hợp.
Không thể phủ nhận những lợi ích vô cùng to lớn mà Internet và Facebook mang lại cho cộng đồng nói chung, cho các nhà báo nói riêng. Giờ đây, chỉ cần một công cụ cầm tay nhỏ bé như chiếc điện thoại di động, chiếc máy tính bảng là có thể biết thông tin trên cả thế giới.
Đối với mỗi cá nhân, Facebook chứa đựng một kho kiến thức khổng lồ, cho phép giao lưu trực tuyến với bạn bè, thoải mái hưởng thụ các chương trình giải trí như âm nhạc, phim, ảnh hay viết nhật ký online; ngay cả việc học tập cũng có thể lựa chọn các chương trình đào tạo trực tuyến thông qua Facebook và mạng Internet; thậm chí các doanh nghiệp, người bán hàng online còn sử dụng Facebook để thực hiện các khâu từ quảng bá đến tiêu thụ sản phẩm...
Tính nhanh nhạy của nhà báo, của người làm báo là rất cần thiết, tuy nhiên cái nhanh nhạy đó phải thông qua thực tiễn và bằng kinh nghiệm thực tiễn của mình. Bởi cho dù là thế giới ảo nhưng không có nghĩa người sử dụng mạng xã hội có thể làm gì tùy thích, nói gì tùy hứng. Và nhà báo càng phải cẩn trọng hơn nhiều lần khi phát ngôn, bởi mạng xã hội chỉ có thể ẩn danh chứ không hoàn toàn là vô danh. Bất cứ một phát ngôn trên mạng ảo, bất cứ một hành động cụ thể nào trên mạng, nếu gây ảnh hưởng đến một cơ quan, tổ chức hay một cá nhân rất có thể trở thành hành vi vi phạm pháp luật.
Tôi đã từng đọc được những dòng chia sẻ của một nhà báo lão thành: “Làm báo ngày nay, hãy thoải mái bơi trong dòng chảy thông tin của mạng xã hội, nhưng cần phải biết tiếp thu thông tin một cách chọn lọc, tỉnh táo và cân nhắc kỹ trước mọi hành động, phát ngôn của chính bản thân mình, tránh hùa theo đám đông chỉ trích, ném đá người khác mà chưa phân rõ thực hư…”.
Mạng ảo cũng như đời thật, mỗi người đều được tự do bày tỏ quan điểm, ý kiến, cảm nhận riêng của mình, đồng thời chịu trách nhiệm về các thông tin, quan điểm mình đưa ra. Những gì được nói và viết trên Facebook cũng cần phải tuân theo quy trình và luật pháp giống như được xuất bản dưới bất kỳ dạng báo chí nào trong đời sống thực. Nhà báo thời Facebook cũng vậy, thông tin trên mạng là nguồn hữu ích cho các đề tài báo chí, nhưng rất cần được kiểm chứng và sàng lọc để thực hiện đúng chức trách, nghĩa vụ của người làm báo là mang đến cho độc giả những thông tin trung thực, đúng quy định của pháp luật và Luật Báo chí.
Thiên Cầm
Các tin khác
YBĐT - Từ khi thực hiện Đề án phát sóng trên vệ tinh, truyền hình Yên Bái phát sóng liên tục từ 6 giờ sáng đến 23 giờ hàng ngày, trong đó tự sản xuất bảo đảm trên 6 giờ/ngày. Mỗi tháng, Đài sản xuất 9 chương trình truyền hình tiếng Mông, tiếng Thái, tiếng Dao; mỗi ngày trên kênh YTV phát sóng 1 chương trình truyền hình tiếng dân tộc.
YBĐT - Thực hiện mục tiêu đạt chuẩn xã nông thôn mới trong năm 2017, ngay từ đầu năm, Đảng ủy và chính quyền xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình đã giao cho các tổ chức đoàn thể phụ trách lĩnh vực vệ sinh môi trường mà Hội Phụ nữ xã đóng vai trò nòng cốt.
YBĐT - Ngày 20/6, Ban Chấp hành Tỉnh đoàn khóa XIII Yên Bái tổ chức Hội nghị lần thứ 12, Ủy ban Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị lần thứ 7 sơ kết công tác Đoàn – Hội và phong trào thanh thiếu nhi 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017.
YBĐT - Để có một chương trình phát thanh - truyền hình đến với công chúng thì cần sự đóng góp công sức của rất nhiều người, trong đó không thể không nói đến vai trò quan trọng của những người luôn thầm lặng sau các chương trình, sau cánh sóng. Họ được coi như những “ong thợ” luôn cần mẫn, chăm chỉ với nghề. Đó là những kỹ thuật viên sản xuất chương trình và truyền dẫn phát sóng của Đài Phát thanh-Truyền hình (PT-TH) tỉnh Yên Bái.