Tự hào “duyên nghiệp” của tôi
- Cập nhật: Thứ hai, 3/7/2017 | 10:42:26 AM
YBĐT - "Nghề nghiệp cũng là một cái duyên" - tôi đã từng nghe câu nói này nhiều lần từ thời còn đi học và tất nhiên là chẳng mấy tin. Nhưng đến khi ra trường, tìm kiếm công việc, môi trường phù hợp với kiến thức, khả năng và sở thích của bản thân để rồi trở thành một cán bộ công đoàn thì tôi đã tin vào cái “duyên nghiệp” ấy.
Tuổi trẻ, mỗi lần tôi trả lời “em là cán bộ công đoàn” ai cũng nghi hoặc, ái ngại cho tôi. Bởi theo quan niệm thông thường, là cán bộ công đoàn vất vả lắm, chồng nào thông cảm cho khi đột xuất lại đi và hơn cả cần phải là những người lớn tuổi, nhiều kinh nghiệm mới đủ uy tín để làm cầu nối giữa lao động và người sử dụng lao động (SDLĐ).
Vậy là lo càng thêm lo, khi tôi vốn là kỹ sư lâm nghiệp, chỉ biết đến cây trồng. Nhưng càng làm, càng đi nhiều, được các anh chị, cô chú đi trước chỉ bảo, rồi được gặp gỡ người lao động doanh nghiệp, làm các công việc liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người lao động tôi càng thêm yêu công việc của mình. Công tác tại cơ quan Liên đoàn Lao động tỉnh từ năm 2007, đến năm 2016 tôi được điều động về làm cán bộ công đoàn chuyên trách ngành công thương tỉnh.
Thời điểm ấy, công đoàn toàn ngành đang nỗ lực đẩy mạnh ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT). TƯLĐTT là văn bản thỏa thuận giữa tập thể lao động và người SDLĐ về các điều kiện lao động và SDLĐ, quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên trong quan hệ lao động. Thỏa ước chịu sự tác động của nhiều yếu tố, trong đó có sự ổn định của nền kinh tế và thị trường lao động.
Tôi nhận thức đầy đủ, việc công đoàn ngành ký Thỏa ước với doanh nghiệp là quy định mới trong Bộ luật Lao động năm 2012. Nhưng doanh nghiệp thì khó khăn, thuyết phục được giám đốc cũng mất thời gian, công sức. Phải thừa nhận rằng, công việc của một nữ cán bộ chuyên trách công đoàn thật là đa năng. Nó đòi hỏi vừa có kiến thức tổng hợp vừa phải có sức hút như một thỏi nam châm đa chiều và chính bản thân cũng phải bị hút bởi một thỏi nam châm lớn hơn nếu không mình sẽ nhanh chóng kiệt sức. Thỏi nam châm đó không gì khác chính là cuộc sống của người lao động được đảm bảo, là thu nhập ổn định của người lao động có thể nuôi những đứa con của họ ăn học, là quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Chỉ bấy nhiêu đó thôi, có thể nuôi dưỡng niềm đam mê của tôi với công việc. Để rồi những vui buồn chuyện nghề, chuyện đời cũng được thăng hoa.
Xác định việc ký kết TƯLĐTT nhằm nâng cao vị thế của người lao động, đảm bảo mối quan hệ lao động hài hòa giữa người lao động và người SDLĐ; tạo sự ổn định và phát triển bền vững cho các doanh nghiệp nói riêng và cho nền kinh tế nói chung. Vì vậy, tôi cùng các anh các chị công đoàn ngành nỗ lực hết mình tuyên truyền, vận động doanh nghiệp... tất cả để tiến tới mục tiêu cao hơn.
Cuối cùng những nỗ lực của anh chị em được đền đáp, ngày 26/7/2016, Công đoàn ngành đã đại diện cho tập thể người lao động tại Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Thành Ngọc thương lượng, ký kết TƯLĐTT với nhiều điều có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.
Đến nay, đã có 9 công đoàn cơ sở thương lượng và ký kết Thỏa ước với người SDLĐ. Cùng với các đơn vị, Công đoàn ngành triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả TƯLĐTT” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, phấn đấu đến năm 2018 hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đã đề ra.
Tuy nhiên, việc thương lượng ký kết TƯLĐTT thể còn bộc lộ những khó khăn, bất cập, trong đó có kỹ năng đối thoại, thương lượng của cán bộ công đoàn, cách thức và phương pháp sử dụng các công cụ đối thoại và tập hợp ý kiến của người lao động để tham gia xây dựng TƯLĐTT. Vì vậy, tôi hiểu việc nâng cao kỹ năng và năng lực của cán bộ công đoàn trong thương lượng TƯLĐTT là việc làm rất cần thiết hiện nay.
Cùng với đó, để có thương lượng tập thể và ký kết TƯLĐTT thực sự hiệu quả mang nhiều nội dung có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật lao động thì cán bộ công đoàn cần phải linh hoạt, đổi mới nội dung, phương pháp thương lượng để ký kết TƯLĐTT sát với thực tế của doanh nghiệp.
Để đạt được các mục tiêu và yêu cầu bảo đảm quyền lợi cao nhất cho người lao động trong quá trình thương lượng đi đến ký kết TƯLĐTT, cần phải bảo đảm các yêu cầu, nguyên tắc cơ bản: phù hợp với thực tế, phù hợp với văn hóa, lối sống, thuần phong, mỹ tục, đạo đức của người Việt Nam, phù hợp với phong tục tập quán địa phương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở, phù hợp với luật pháp quốc gia, phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp; nội dung, hình thức TƯLĐTT phải trong khuôn khổ luật pháp; phù hợp với văn hóa doanh nghiệp và tương quan với thực tế của doanh nghiệp cùng ngành nghề, cùng địa bàn, cùng khu công nghiệp. Bên cạnh đó, cần nêu cao trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ công đoàn trong thương lượng tập thể, ký kết TƯLĐTT.
Trong đó, chú trọng tăng cường sự tham gia của người lao động vào toàn bộ quá trình thương lượng. Tổ chức huấn luyện kỹ năng thương lượng tập thể cho người tham gia thương lượng tập thể. Ban chấp hành công đoàn cơ sở có trách nhiệm thường xuyên giám sát việc thực hiện TƯLĐTT của cả người SDLĐ và người lao động, yêu cầu người SDLĐ tổ chức họp định kỳ để cùng nhau đánh giá việc thực hiện các điều khoản và yêu cầu các bên thực hiện đúng cam kết của mình. Trong quá trình thực hiện nếu thấy có vấn đề gì không phù hợp thì chủ động yêu cầu người sử dụng lao động tiến hành thương lượng để điều chỉnh bổ sung các điều khoản trong TƯLĐTT.
Tổ chức công đoàn ngành đã thực sự là chỗ dựa tin cậy của người lao động và cũng là cầu nối để người SDLĐ và người lao động xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. 10 năm công tác đủ để tôi yêu và rất tự hào vì mình là cán bộ công đoàn chuyên trách. Tôi nguyện gắn bó với tổ chức công đoàn, sẽ cố gắng hết sức mình để có thể góp phần vào xây dựng Công đoàn ngành ngày càng vững mạnh.
Tâm Thành
Các tin khác
YBĐT - Vừa qua, Công đoàn cơ sở (CĐCS) xã An Thịnh, huyện Văn Yên đã tổ chức thành công Đại hội CĐCS xã lần thứ IV, nhiệm kỳ 2017 - 2022. Đây là cơ sở được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện lựa chọn tổ chức đại hội điểm để rút kinh nghiệm cho đại hội CĐCS của Văn Yên trong thời gian tới.
YBĐT - Trong 6 tháng đầu năm 2017, ngành y tế huyện Mù Cang Chải đã khám bệnh cho 28.200 lượt bệnh nhân, giảm 1.143 lượt so với cùng kỳ.
YBĐT - Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017), mới đây, tại xã Cát Thịnh, UBND huyện Văn Chấn đã tổ chức Lễ truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho thân nhân của 4 mẹ.
YBĐT - Những năm qua, công tác tăng cường cơ sở xuống các địa bàn phức tạp về an ninh trật tự (ANTT) đã trở thành hoạt động thường xuyên của Công an tỉnh. Hàng năm, có hàng trăm lượt cán bộ, chiến sỹ xuống các địa bàn vùng sâu, vùng xa để “cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc và cùng nói tiếng dân tộc” với bà con.