Cần tháo gỡ vướng mắc khi xử phạt xe không có đăng ký gốc

  • Cập nhật: Thứ năm, 20/7/2017 | 8:11:33 AM

YBĐT - Ngày 12/7/2017, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam có Văn bản số 5486/NHNN-PC gửi Bộ Tư pháp, Bộ Công an, qua đó đề nghị Bộ Công an chỉ đạo cơ quan công an các cấp cho phép người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng bản sao giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông có xác nhận của tổ chức tín dụng khi lưu thông và đề nghị Bộ Tư pháp xử lý vấn đề này.

Tư vấn mua phương tiện giao thông bằng hình thức trả góp.
Tư vấn mua phương tiện giao thông bằng hình thức trả góp.

Công văn nêu rõ, nhằm xử lý những khó khăn, vướng mắc trong việc nhận thế chấp tài sản bảo đảm là phương tiện giao thông, đồng thời tạo điều kiện cho người dân và các tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động vay và đi vay thuận lợi, bảo đảm quyền lợi của bên nhận thế chấp.

Mặc dù NHNN Việt Nam mới có kiến nghị, chưa biết phía Bộ Tư pháp và Bộ Công an sẽ xử lý vấn đề “phạt chủ phương tiện không có giấy đăng ký bản gốc” như thế nào, nhưng ngay sau khi các phương tiện truyền thông đăng tải thông tin này đã nhận được sự đồng thuận cao từ phía người dân, doanh nghiệp và các ngân hàng thương mại.

Bà Nguyễn Thị Bích - chủ một doanh nghiệp ở huyện Trấn Yên bày tỏ: “Ý kiến của phía NHNN rất cần được Bộ Công an xem xét. Cả 5 cái xe của tôi đều đem thế chấp để vay vốn sản xuất, kinh doanh và đương nhiên phía ngân hàng họ giữ giấy tờ gốc để bảo đảm an toàn tín dụng. Giờ công an yêu cầu tôi phải có giấy tờ gốc thì không biết làm thế nào. Ngân hàng sẽ đòi nợ vì tài sản thế chấp không bảo đảm giao dịch. Đang lúc khó khăn thế này thì lấy đâu ra mấy tỷ đồng trả nợ, có trả được cũng ảnh hưởng xấu đến việc làm ăn. Việc thế chấp bằng ô tô để lấy vốn làm ăn hoặc vay để mua xe vào mục đích đi lại hay kinh doanh vận tải từ nay cũng chấm dứt”.

Tài khoản Facebook Đình Lê bình luận: “Việc phương tiện lưu hành bằng giấy đăng ký (bản phô tô) có công chứng hoặc có xác nhận của tổ chức tín dụng vẫn diễn ra rất bình thường, Bộ Công an không nên làm phức tạp thêm tình hình, gây khó cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng. Nếu người điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ thì có nhiều biện pháp xử lý, chẳng hạn như giữ giấy phép lái xe, giữ giấy đăng kiểm, cần thiết thì tạm giữ luôn phương tiện”.

Phát biểu trên trang điện tử Soha, luật sư Nguyễn Đức Long (Hà Nội) cho biết, theo Nghị định số 163/2006 của Chính phủ, khi chủ phương tiện thế chấp tài sản, ngân hàng được phép giữ bản chính, chủ sở hữu cầm bản sao đăng ký xe để tham gia giao thông. Tuy nhiên, nhằm tránh xung đột với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, quy định người điều khiển phải mang bản gốc đăng ký khi tham gia giao thông, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 11/2012 sửa đổi thay thế Nghị định số 163/2006.

Trong đó, quy định không cho ngân hàng giữ bản chính đăng ký xe nữa và người chủ xe phải giữ bản chính để tham gia giao thông. Căn cứ vào các quy định của pháp luật thì việc các ngân hàng giữ giấy tờ gốc của khách là sai nhưng họ không thể "làm khác" được bởi không làm thế rất có thể chiếc xe đó sẽ bị cầm cố hoặc chuyển nhượng, khiến ngân hàng mất vốn.

Từ những ý kiến phân tích ở trên cho thấy, động thái của NHNN là rất kịp thời, cần được Bộ Công an xem xét, trước mắt là tạm dừng, chưa xử lý xe không có đăng ký gốc. Bộ Tư pháp cũng nghiên cứu và kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành thu hồi, chỉnh sửa những văn bản quy phạm trái luật, mâu thuẫn với các điều luật khác, không khả thi, gây khó khăn hoặc đối kháng lợi ích với nhiều người, nhiều ngành nghề...

Theo số liệu của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp), hiện tại, cả nước có gần 1,3 triệu phương tiện giao thông đang thế chấp giấy tờ tại các ngân hàng, chưa kể rất nhiều phương tiện mua trả góp cũng không có giấy đăng ký bản gốc. Đó là hoạt động kinh tế, tài chính rất bình thường, phù hợp với xu thế của thế giới (vay tiền mua xe và mua xe trả góp rất phổ biến tại các nước phát triển)...

Vì vậy, cảnh sát giao thông không nên xử phạt xe không có giấy đăng ký bản chính dù việc xử phạt là không sai. Vấn đề ở đây là lỗi đó không phải là lỗi của người dân, người sở hữu xe; chưa kể việc xử phạt này sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy nguy hiểm khác như: tranh chấp dân sự; lừa bán xe đã thế chấp; một phương tiện đem đi thế chấp, cầm cố tại nhiều tổ chức tín dụng khác nhau...

Tấn Đạt

Các tin khác
Đồng chí Nguyễn Thanh Xuân chia sẻ mất mát và tặng quà gia đình anh Sùng A Chua, thôn Khe Kẹn, xá Cát Thịnh, huyện Văn Chấn.

YBĐT - Ngày 19/7, đồng chí Nguyễn Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đã đến thăm hỏi và tặng quà các gia đình ở huyện Trấn Yên, Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ bị thiệt hại do bão số 2 vừa qua.

YBĐT - Ngày 19/7, đồng chí Nguyễn Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Yên Bái đã tới thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng, người có uy tín trong cộng động tại thị xã Nghĩa Lộ.

Trận mưa từ ngày 12/7 đã làm hư hỏng ngầm tràn Nậm Đông, thị xã Nghĩa Lộ. (Ảnh: Nguyễn Thanh)

Hiện nay (19/7), rãnh áp thấp Tây Bắc - Đông Nam có trục đi qua Bắc Bộ.

Sáng ngày 19-7, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đã phát đi thông báo về tình hình thời tiết tại khu vực Bắc bộ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục