Đến thời điểm chiều 5/8, trận lũ quét xảy ra trên địa bàn Mù Cang Chải đã làm 4 người chết và còn 10 người mất tích, 9 người bị thương; 50 ngôi nhà bị xóa sổ hoàn toàn, 5 ngôi nhà bị hư hỏng nặng; 141 công trình thủy lợi bị hư hỏng; 45 ha ruộng lúa, 1.100 m2 ao cá bị vùi lấp… Tổng thiệt hại về tài sản ước tính lên tới trên 160 tỉ đồng.
Tình trạng khẩn cấp đã được ban bố trên toàn địa bàn huyện. Bên cạnh khẩn trương tiến hành công tác tìm kiếm cứu nạn, việc triển khai công tác cứu trợ sau mưa lũ cũng đang được cấp ủy, chính quyền và các lực lượng huyện Mù Cang Chải gấp rút thực hiện với phương châm: "giúp người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ ổn định lại cuộc sống một cách nhanh nhất”.
Ngay sau khi xảy ra thiên tai, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền huyện Mù Cang Chải khẩn trương rà soát, thống kê thiệt hại người và tài sản trên địa bàn và tiến hành hỗ trợ theo chính sách, quy định chung của Nhà nước.
Bước đầu tỉnh quyết định hỗ trợ đối với các gia đình có người chết và mất tích 10 triệu đồng/người; hỗ trợ người bị thương 2,5 triệu đồng/người; hỗ trợ các gia đình có nhà bị cuốn trôi 25 triệu đồng/nhà; đồng thời, hỗ trợ các gia đình có nhà bị trôi 15kg gạo/khẩu/tháng trong thời gian 6 tháng…
UBND huyện Mù Cang Chải đã thành lập bộ phận tiếp nhận hỗ trợ từ huyện đến cơ sở để nhanh chóng tiếp nhận các mặt hàng tiếp tế, nhu yếu phẩm được các tổ chức, cá nhân và những tấm lòng hảo tâm dành cho người dân bị ảnh hưởng.
Thông qua các bộ phận tiếp nhận này, các mặt hàng như: gạo, mỳ tôm, quần áo, rau củ, hoa quả… được phân chia về các địa bàn cơ sở bị thiệt hại theo danh sách phân bổ đã được rà soát.
Đồng chí Lương Thị Xuyến - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: "Việc tiếp nhận hàng cứu trợ đã được chúng tôi nhanh chóng triển khai, thông tin liên lạc luôn được đảm bảo thông suốt. Nguồn hàng hỗ trợ chuyển về từ các địa phương, tập thể, cá nhân hảo tâm đều được khẩn trương phân loại và giao ngay cho các lực lượng để chuyển đến người dân một cách nhanh nhất, bước đầu để người dân vượt qua khó khăn trong thời điểm mất nhà cửa, người thân. Phương châm chỉ đạo trong thực hiện cứu trợ là: đảm bảo kịp thời, công bằng, đúng đối tượng”.
Những ngày qua, các tổ chức, cá nhân và địa phương trên toàn quốc đều đang hướng về Mù Cang Chải, cùng chung tay chia sẻ mất mát, đau thương với người dân ở huyện vùng cao đặc biệt khó khăn này.
Từng đoàn xe chở nhu yếu phẩm, thực phẩm vẫn nối nhau chạy dài trên đường. Biển số 88 của Vĩnh Phúc, biển số 18 của Nam Định, biển số 19 của Phú Thọ, rồi 29 - 30 của Thủ đô Hà Nội…, tất cả đều có mặt ở trung tâm huyện với mục đích chung tay cùng nhân dân Mù Cang Chải vượt lũ.
Và ở đầu bên này, các cán bộ, nhân viên làm công tác tiếp nhận hàng hóa hỗ trợ cũng nhanh chóng phân loại hàng hóa, tổng hợp số liệu để có thể chuyển hàng đi cứu trợ đến với người dân một cách nhanh nhất.
Thiên Cầm