Tinh hoa của đất trời

  • Cập nhật: Thứ bảy, 25/1/2025 | 2:34:25 PM

YênBái - Mỗi sớm mai, khi mặt trời ló dạng sau những dãy núi, vùng đất Tú Lệ, huyện Văn Chấn bừng lên sức sống. Không chỉ nổi tiếng bởi những thửa ruộng bậc thang, Tú Lệ còn làm say lòng du khách bởi hương cốm nếp Tan đặc trưng - một sản vật gắn liền với đời sống và văn hóa của đồng bào dân tộc Thái nơi đây.

Lúa nếp gặt về được chế biến ngay trong ngày.
Lúa nếp gặt về được chế biến ngay trong ngày.


Cốm Tú Lệ được làm từ giống lúa nếp Tan trồng trên những cánh đồng màu mỡ, được tưới tắm bởi dòng nước mát lành từ dãy Hoàng Liên Sơn. Những bông lúa ngậm sữa, được thu hoạch vào thời điểm đẹp nhất, tạo nên hạt cốm xanh non, thơm dịu, vị ngọt bùi và độ dẻo đặc trưng không nơi nào sánh được. Theo chị Hoàng Thị Minh, một người làm cốm lâu năm ở thôn Nà Lóng, công đoạn chọn lúa là yếu tố quyết định chất lượng cốm: "Lúa phải được cắt tay, chọn từng bông đúng độ chín, không quá non cũng không quá già”.

Quy trình làm cốm tại Tú Lệ hoàn toàn thủ công, từ việc tuốt lúa, đãi sạch đến rang bằng bếp củi và giã hạt. Người rang phải đảo đều tay, giữ lửa vừa đủ để hạt cốm dậy mùi thơm, đạt độ dẻo lý tưởng. Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và cả tình yêu dành cho nghề truyền thống. Cốm Tú Lệ không chỉ là một món ăn mà còn là biểu tượng của văn hóa và tinh thần cộng đồng người Thái. Mỗi gia đình ở Tú Lệ đều làm cốm, không chỉ để bán mà còn để lưu giữ giá trị truyền thống.

Chị Lê Thùy, du khách đến từ Hải Phòng chia sẻ: "Hương cốm thơm dịu, vị ngọt dẻo của cốm Tú Lệ khiến ai từng thưởng thức đều nhớ mãi. Đây là món quà quê đầy ý nghĩa”.

Ngoài món cốm truyền thống, người dân Tú Lệ còn sáng tạo nhiều món ăn độc đáo như chả cốm, xôi cốm, chè cốm. Những món ăn này không chỉ làm phong phú thêm ẩm thực địa phương mà còn giới thiệu tinh hoa văn hóa ẩm thực Tú Lệ ra thế giới.


  Cốm Tú Lệ có màu xanh ngắt đặc trưng của giống lúa. 

Những năm gần đây, xã Tú Lệ và người dân nỗ lực không ngừng để nâng cao giá trị sản phẩm cốm. Các hợp tác xã như Hợp tác xã Dịch vụ Tú Lệ đóng vai trò kết nối nông dân với doanh nghiệp, bao tiêu sản phẩm, quảng bá thương hiệu.

Anh Lò Văn Mạnh - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Tú Lệ cho biết: "Việc sản xuất cốm được kiểm soát nghiêm ngặt, bảo đảm không sử dụng phẩm màu hay hóa chất. Chúng tôi muốn giữ trọn vẹn hương vị tự nhiên của cốm, từ đó xây dựng thương hiệu bền vững”.

Chính quyền địa phương cũng chú trọng hiện đại hóa quy trình sản xuất để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Các hộ làm cốm được hướng dẫn ghi nhãn mác, tham gia chương trình OCOP, khẳng định chất lượng và mở rộng thị trường tiêu thụ. Dù đã vượt khỏi biên giới địa phương, trở thành món quà quê nổi tiếng, cốm Tú Lệ vẫn giữ nguyên giá trị truyền thống.

Ông Hoàng Văn Soàn - Chủ tịch UBND xã Tú Lệ khẳng định: "Chúng tôi không chỉ xem cốm là sản phẩm kinh tế mà còn là biểu tượng văn hóa. Việc kết hợp giữa quy trình sản xuất truyền thống và quản lý hiện đại sẽ giúp cốm Tú Lệ giữ được giá trị độc đáo và vươn xa hơn”. Ngày nay, cốm Tú Lệ đã có mặt tại nhiều thành phố lớn và xuất hiện trên các kênh bán hàng trực tuyến. Giá cốm dao động từ 120.000 - 150.000 đồng/kg, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Mỗi ngày, các hộ sản xuất tại bản Nà Lóng có thể làm từ 20 - 80 kg cốm, cung cấp cho du khách qua quốc lộ 32 và các đơn hàng trực tuyến.

Hương cốm Tú Lệ là minh chứng cho sự hòa quyện giữa con người và thiên nhiên, giữa truyền thống và hiện đại. Những hạt cốm nhỏ bé chứa đựng tình yêu, lòng tự hào và niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng cho vùng đất Tú Lệ. Trong nhịp sống hiện đại, cốm Tú Lệ vẫn vẹn nguyên giá trị truyền thống, trở thành cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa văn hóa địa phương và thế giới. Những người làm cốm ở Tú Lệ, bằng sự tận tâm và sáng tạo đang viết tiếp câu chuyện của hương cốm đất trời Tây Bắc - một câu chuyện ngọt ngào, bền vững và đậm đà bản sắc Việt Nam.

Anh Dũng

Tags Yên Bái cốm Tú Lệ

Các tin khác
Người Tày Yên Bái tự hào khi Nghệ thuật trình diễn dân gian “Khắp cọi” được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Yên Bái - mảnh đất có 30 dân tộc anh em cùng sinh sống là nơi có bề dày của di sản văn hóa phi vật thể - kết tinh của những lễ hội, phong tục, tập quán, tri thức dân gian của mỗi dân tộc. Hội tụ đa sắc màu văn hóa các dân tộc, Yên Bái tự hào khi nhiều di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được ghi danh. Đây cũng là công cụ hỗ trợ tích cực trong việc định vị hình ảnh, xây dựng thương hiệu, sản phẩm du lịch của địa phương.

Nội dung quy hoạch di tích phải nêu rõ định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững - Ảnh: Di tích Hoàng thành Thăng Long

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo Nghị định quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hồ sơ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch khảo cổ; quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; dự án đầu tư, xây dựng công trình, sửa chữa, cải tạo, xây dựng nhà ở riêng lẻ nằm trong, nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình kiến trúc hạ tầng kỹ thuật và trưng bày bảo tàng công lập.

Mâm ngũ quả của người miền Bắc

Người xưa dựa trên quy luật “sinh - lão - bệnh - tử” chọn ra con số 5, tương ứng với chữ “sinh” để bày biện mâm ngũ quả ngày tết Nguyên đán.

Huyện Văn Yên đã cho ra mắt tuyến phố đi bộ tại Công viên trung tâm huyện phục vụ nhu cầu tham quan trải nghiệm của nhân dân.

Để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, huyện Văn Yên sẽ tổ chức nhiều hoạt động vui xuân, đón tết cùng các Lễ hội đầu xuân, hứa hẹn đặc sắc, hấp dẫn, mang đến khí thế mới để bắt đầu một năm mới với nhiều thành công. Đến nay, công tác chuẩn bị cho các hoạt động mừng Đảng, mừng xuân Ất Tỵ và các lễ hội đầu năm 2025 trên địa bàn huyện Văn Yên đã cơ bản hoàn tất, các đầu việc đều đã đảm bảo tiến độ đề ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục