Tại Hà Nội, dịch bệnh sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt số mắc tăng cao vào những tuần gần đây, nhất là từ tuần thứ 28 đến tuần thứ 31.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế (TTYT) Dự phòng thành phố, từ đầu năm cho đến hết ngày 8/8, số mắc sốt xuất huyết của Hà Nội là 13.274 trường hợp, 5 trường hợp tử vong (Đống Đa: 1 trường hợp; Hoàng Mai: 2 trường hợp; Ba Đình: 1 trường hợp; Hà Đông: 1 trường hợp). Các quận nội thành như Hoàng Mai, Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng và huyện Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín, Hoài Đức chiếm 90% số trường hợp mắc sốt xuất huyết của toàn thành phố.
Do dịch bệnh bùng phát mạnh khiến nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải trầm trọng. Ở các bệnh viện có khoa truyền nhiễm như bệnh viện Thanh Nhàn, bệnh viện Đống Đa, bệnh viện Bạch Mai,…bệnh nhân nằm phải ghép 2-3 người một giường, phòng làm việc các bác sỹ cũng trở thành phòng bệnh.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, do sự gia tăng đỉnh điểm của dịch sốt xuất huyết, bệnh viện phải sắp xếp lại giường bệnh, kê giường ở hành lang, dồn phòng của nhân viên y tế và hồi trường để kê thêm giường bệnh. Trước áp lực quá tải, các bệnh viện còn phải tiến hành sàng lọc bệnh nhân, chỉ những bệnh nhân nặng mới được nhập viện, còn lại cho điều trị tại nhà. Còn các y bác sĩ ở các bệnh viện phải căng mình làm việc, luôn trong tình trạng quá tải và không có ngày nào được nghỉ.
Đến thời điểm này, bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận điều trị gần 200 ca mắc sốt xuất huyết. Trả lời phóng viên VOV.VN, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lâm, trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: "Từ đầu tháng 6 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị hơn 170 ca mắc sốt xuất huyết. Thời tiết hiện nay, nắng nóng, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát. Mỗi này bệnh tiến hành điều trị cho khoảng 30 ca mắc bệnh. Do dịch bệnh đang bùng phát mạnh và diễn biến phức tạp, hiện nay, các bác sĩ của bệnh viện phải bố trí trực cả ngày và đêm để điều trị kịp thời cho bệnh nhân”.
Bác sĩ Lâm cũng khuyến cáo người dân tự phòng bệnh bằng cách diệu lăng quăng, bọ gậy, mắc màn khi đi ngủ, giữ vệ sinh nhà ở…Nếu trẻ có dấu hiện bị sốt, cần cảnh giác với sốt xuất huyết và đi khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời, không nên tự ý điều trị để tránh làm bệnh nặng thêm.
Ngành y tế và chính quyền các địa phương cũng đã nỗ lực triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết; tập trung điều trị cho các bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Cho đến thời điểm hiện tại, 90% bệnh nhân đã khỏi bệnh, số còn lại đang được điều trị tại các cơ sở y tế từ tuyến xã, phường đến tuyến thành phố.
Về trường hợp bệnh nhân thứ 5 tử vong do sốt xuất huyết, TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc TTYT Dự phòng Hà Nội cho biết, đó là bệnh nhân nữ, 36 tuổi, làm nghề tự do và thuê trọ tại phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai. Qua giám sát của đơn vị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và lấy mẫu xét nghiệm, bệnh nhân dương tính với sốt xuất huyết Dengue typ 2.
Bệnh nhân khởi phát bệnh từ 21/7, vào điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương từ ngày 22/7 và tử vong tại viện vào tối ngày 7/8 do suy đa tạng, nhiễm khuẩn huyết trên nền sốt xuất huyết Dengue. TTYT Dự phòng và TTYT quận Hoàng Mai đã phối hợp điều tra, xử lý dịch tại khu vực nhà bệnh nhân thuê trọ theo đúng quy định.
Cùng với việc kêu gọi các cấp chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, ngành y tế đã lên phương án tăng cường phun hóa chất phòng chống dịch. Bắt đầu từ ngày 14/8 cho đến hết tháng 8, TTYT Dự phòng Hà Nội sẽ tập trung phun hóa chất tại quận Đống Đa, Hai Bà Trưng và một số phường thuộc quận Ba Đình, Hoàn Kiếm. Lộ trình phun sẽ đi từ vùng lỗi trung tâm dịch ra vùng ngoài. TTYT huy động 15-20 máy phun/phường để phun ban ngày, còn phun hóa chất bằng ô tô sẽ thực hiện vào ban đêm từ 1-5 giờ sáng./.
(Theo VOV.VN)