Tính đến thời điểm này, Trường Mầm non Nghĩa Tâm đã hoàn thành các hạng mục cuối cùng để bàn giao cho địa phương đón chào năm học mới. Năm nay, sau khi tiến hành Đề án sáp nhập 1 điểm trường lẻ vào điểm trường chính, Trường Mầm non Nghĩa Tâm được Nhà nước đầu tư hơn 4,5 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới để xây dựng cơ sở vật chất.
Nguồn vốn này cùng với nguồn vốn xã hội hóa, đã giúp xây mới 12 phòng, trong đó có 7 phòng học, 2 phòng chức năng và 3 phòng hành chính quản trị tại điểm trường trung tâm thôn Hợp Nhất và điểm trường thôn Phào. Ngoài ra, nhà trường đã đầu tư xây 200m tường rào, làm sân khấu, sửa chữa và mua sắm thêm bàn ghế, trang thiết bị dạy và học với kinh phí hơn 30 triệu đồng.
Cô giáo Hoàng Thị Huệ - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Nghĩa Tâm cho biết: "Cùng với nguồn vốn của Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa trường lớp học, để chuẩn bị cho năm học mới, Ban Giám hiệu nhà trường đã huy động cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường lao động dọn vệ sinh, trang trí phòng học, huy động ngày công của phụ huynh học sinh tổ chức quét vôi, ve các lớp học, tạo cảnh quan môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp, sẵn sàng đón các em học sinh bước vào năm học mới…”.
Là một trong ba địa phương của huyện Văn Chấn sẽ cán đích nông thôn mới trong năm 2017, nhiệm vụ được xã Nghĩa Tâm đặc biệt quan tâm thực hiện là hoàn thành tiêu chí số 5 về trường học. Từ các nguồn vốn đầu tư, năm học 2017- 2018 các đơn vị trường trên địa bàn xã Nghĩa Tâm sẽ có thêm 20 phòng học, phòng chức năng và phòng ở bán trú kiên cố với tổng vốn đầu tư hơn 8,2 tỷ đồng. Đây là điều kiện quan trọng để các đơn vị trường đạt chuẩn quốc gia về giáo dục.
Thực hiện tiêu chí này, chính quyền địa phương đã phối hợp với các nhà trường vận động các hộ dân sinh sống xung quanh khu vực trường hiến hơn 800m2 đất để mở rộng quy mô trường lớp. Vận động nhân dân đóng góp tiền mặt để đầu tư mua sắm trang thiết bị, bàn ghế phục vụ giảng dạy và học tập của thầy và trò trong năm học mới.
"Với mục tiêu về đích nông thôn mới trong năm 2017, ngoài việc tập trung hoàn thành các tiêu chí như trường học, giao thông nông thôn, môi trường, địa phương đặc biệt quan tâm tới tiêu chí số 19, nỗ lực đưa xã ra khỏi xã trọng điểm về an ninh trật tự, giữ vững các tiêu chí đã đạt và cán đích nông thôn mới trong thời gian tới”- ông Nguyễn Cao Cường - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Tâm phấn khởi chia sẻ.
Cùng với xã Nghĩa Tâm, để chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất cho năm học mới, Trường TH&THCS Thanh Lương cũng được Nhà nước đầu tư gần 6 tỷ đồng xây dựng mới 12 phòng học, nâng tổng số phòng học của đơn vị lên 25 phòng.
Cô Nguyễn Thị Hiệp - Hiệu trưởng Trường TH&THCS Thanh Lương cho biết: "Ngoài nguồn vốn hỗ trợ, Ban Giám hiệu nhà trường phối hợp với các ban ngành, đoàn thể trong xã vận động nhân dân hiến hơn 3000m2 đất, đầu tư làm sân chơi, sân thể dục rộng hơn 700m2 cùng nhiều công trình phụ trợ khác từ nguồn vốn xã hội hóa với tổng trị giá trên 250 triệu đồng…”.
Thực hiện mục tiêu phát triển cơ sở vật chất cho giáo dục vùng cao, những năm qua, huyện Văn Chấn được Nhà nước đầu tư nhiều nguồn lực để xây dựng, kiên cố hóa hệ thống trường lớp học, cùng với sự đóng góp của nhân dân nhiều phòng học được xây dựng khang trang, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học.
Thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp học năm 2016, huyện Văn Chấn đã tách và thành lập 6 trường mầm non độc lập từ 6 trường phổ thông có cấp học mầm non, thực hiện sáp nhập 30 điểm trường lẻ tại 16 xã, thị trấn, trong đó có 23 điểm lẻ về điểm trường chính. Sau khi sáp nhập, toàn huyện hiện có 80 đơn vị trường trực thuộc, giảm 13 trường so với năm học 2016 - 2017.
Để chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, ngoài nguồn vốn đầu tư theo Đề án, ngành giáo dục huyện Văn Chấn và các xã, thị trấn đã vận động nhân dân hiến hàng nghìn mét vuông đất, ngày công, tiền mặt với tổng số tiền hơn 2,3 tỷ đồng, đầu tư sửa chữa, mua sắm trang thiết bị. Trong năm học 2016 - 2017, huyện Văn Chấn đã đầu tư cơ sở vật chất cho 9 nhà trường với tổng mức đầu tư 23,5 tỷ đồng, xây mới 18 phòng học cùng nhiều công trình phụ trợ với kinh phí gần 8 tỷ đồng, đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố, bán kiên cố của huyện Văn Chấn đạt trên 85%.
Ông Lê Quang Minh - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Chấn cho biết: "Đối với các đơn vị trường mới sáp nhập, trường có học sinh ở bán trú và các đơn vị trường vùng cao, từ các nguồn vốn đầu tư cho giáo dục, Phòng tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị cùng công trình phụ trợ để đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập trong năm học mới. Đặc biệt quan tâm tới các đơn vị trường ở các xã nằm trong lộ trình về đích nông thôn mới, tham mưu với UBND huyện Văn Chấn và các cấp, các ngành, tạo mọi điều kiện cho các đơn vị trường hoàn thiện để được công nhận đạt chuẩn quốc gia theo lộ trình đề ra”.
Quang Sơn- Phan Tuấn (Đài TT-TH Văn Chấn)