Bệnh viện Đa khoa Yên Bái: Cứu sống bệnh nhân ngộ độc thuốc diệt cỏ bằng lọc máu hấp phụ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 25/8/2017 | 7:52:11 AM

YênBái -

YBĐT - Mới đây, lần đầu tiên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái đã cấp cứu thành công một ca ngộ độc cấp thuốc diệt cỏ loại Paraquat bằng biện pháp lọc máu hấp phụ - Đây là kỹ thuật mới do Bệnh viện Bạch Mai chuyển giao cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái hồi đầu năm 2017.

Đây là ca đầu tiên được áp dụng thành công kĩ thuật lọc máu hấp phụ trong điều trị ngộ độc cấp Paraquat tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái.
Đây là ca đầu tiên được áp dụng thành công kĩ thuật lọc máu hấp phụ trong điều trị ngộ độc cấp Paraquat tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái.

Trung tuần tháng 8/2017, khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa tỉnh tiếp nhận bệnh nhân nữ Nguyễn Phương T, ở huyện Trấn Yên vào viện trong tình trạng đau bụng, nôn ra chất dịch màu xanh, đau rát miệng họng. Được biết, do mâu thuẫn trong gia đình nên chị T đã uống khoảng một cốc thuốc diệt cỏ. 

Ngay sau khi chẩn đoán bệnh nhân ngộ độc cấp thuốc diệt cỏ loại Paraquat, dây chuyền chẩn đoán và xử trí cấp cứu ngộ độc cấp của Bệnh viện được khởi động. Các bác sỹ đã tiến hành rửa dạ dày, bơm than hoạt vào dạ dày để hấp thụ chất độc, truyền dịch theo phác đồ của Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam, sau đó tiến hành hội chẩn và lọc máu hấp phụ trên thiết bị hiện đại của Khoa. Sau 14 ngày điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định. 

Bác sỹ Nguyễn Song Hào - Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc cho biết: "Paraquat là hóa chất trừ cỏ cực độc. Ngộ độc cấp Paraquat nặng đặc trưng bởi suy đa phủ tạng, đặc biệt là phổi và thận. Phổi là cơ quan đích trong ngộ độc Paraquat, suy hô hấp cấp thường là nguyên nhân chính gây tử vong. Thận là cơ quan tập trung thải trừ độc chất Paraquat nên tổn thương hoại tử ống thận xuất hiện sớm ngay trong 24 giờ đầu, dẫn đến giảm sự đào thải Paraquat nên càng làm tăng độc tính của araquat trong cơ thể. Chính vì vậy, chẩn đoán và áp dụng những biện pháp điều trị thích hợp (rửa dạ dày, uống than hoạt hoặc đất sét) sớm nhằm hạn chế tối đa hấp phụ chất độc vào máu, gia tăng bài tiết Paraquat ra khỏi cơ thể (bài niệu cưỡng bức, lọc máu), giảm thiểu tác động gây tổn thương các cơ quan (dùng ức chế miễn dịch và các chất chống oxy hóa) là vô cùng quan trọng và cấp thiết để cứu sống bệnh nhân”.

Theo thống kê, mỗi năm cả nước có trên 1.000 bệnh nhân tử vong do thuốc diệt cỏ Paraquat, riêng Yên Bái cũng có hàng chục ca. Đầu năm 2017, Bệnh viện tỉnh Yên Bái đã nhận chuyển giao kỹ thuật lọc máu hấp phụ trong điều trị ngộ độc cấp Paraquat từ Bệnh viện Bạch Mai và bệnh nhân Nguyễn Phương T là ca bệnh đầu tiên được Bệnh viện Đa khoa tỉnh chữa trị thành công. 

"Biện pháp lọc máu hấp phụ kết hợp với thẩm tách máu ngắt quãng vừa có tác dụng làm gia tăng loại bỏ Paraquat, vừa có thể điều trị suy thận cấp thường xảy ra sớm ở bệnh nhân ngộ độc Paraquat. Lọc máu hấp phụ làm thay đổi tiên lượng ở bệnh nhân ngộ độc cấp Paraquat. Trước đây khi chưa triển khai lọc máu thì tỷ lệ tử vong ở nhóm bệnh nhân này gần như 100%. Nhưng hiện nay, với kỹ thuật lọc máu hấp phụ mà cơ hội sống sót của bệnh nhân lên tới trên 50%. Tuy nhiên, để tỷ lệ cứu sống bệnh nhân thành công cao thì người nhà bệnh nhân cần đưa bệnh nhân đến sớm để được lọc máu trước 4 giờ” - bác sỹ Hào cho biết thêm.

Cho đến nay, thuốc trừ cỏ Paraquat là loại thuốc được cho là diệt cỏ nhanh nhất, đó chính là lý do Paraquat là chất cực độc. Để phòng tránh ngộ độc các loại hóa chất bảo vệ thực vật độc hại, các bác sỹ khuyến cáo người sử dụng cần có đầy đủ trang thiết bị bảo hộ lao động, dụng cụ phun xịt an toàn. Cùng với đó, cần cẩn trọng trong quá trình lưu trữ, bảo quản, có đầy đủ nhãn mác để phân biệt và để xa tầm tay trẻ em. Khi sử dụng xong cần vệ sinh cá nhân sạch sẽ để loại bỏ các tàn dư thuốc bám vào cơ thể. Đặc biệt, khi phát hiện người ngộ độc hóa chất bảo vệ thực vật cần nhanh chóng đưa đi cấp cứu tại bệnh viện để được các bác sỹ xử lý kịp thời.

Thanh Chi

Các tin khác
Phun hóa chất chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết tại một gia đình.

Theo đánh giá từ Bộ Y tế, trong năm 2017, mặc dù công tác phòng chống sốt xuất huyết được triển khai đồng bộ, quyết liệt với nhiều giải pháp, song bệnh sốt xuất huyết vẫn có xu hướng gia tăng tại một số địa phương.

Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 6 nên từ hôm nay (24/8) đến ngày 25/8 các khu vực trong tỉnh có mưa vừa, có nơi mưa to.

Đồng chí Trần Lan Anh - Phó Giám đốc Sở Y tế,  Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh chủ trì Hội thảo.

YBĐT - Trong hai ngày 23-24/8, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái, Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh phối hợp với Sở Y tế, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh tổ chức Hội thảo phương pháp nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
.

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố cần huy động các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai các giải pháp phòng chống, ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh tay chân miệng tại địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục