Nắng ấm bản định cư Lao Chải

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/9/2017 | 7:43:45 AM

YênBái - YBĐT - Tết Độc lập này, ở những bản định cư vừa hình thành, chúng tôi cảm nhận được rõ ràng niềm vui của bà con dân bản, nụ cười đã trở lại cùng với niềm tin vào Đảng, Nhà nước.

Sau gần 1 tháng bị cơn lũ quét kinh hoàng tàn phá, dưới sự chung tay, góp sức khắc phục của các lực lượng, nơi đây đã không còn ngổn ngang gạch đá. Thay vào đó, hình ảnh những ngôi nhà mới đang được dựng lên, những khuôn mặt người dân đã vơi bớt nét bàng hoàng, tạm nén lại những mất mát, đau thương để cùng nhau bắt tay xây dựng cuộc sống mới. 

Tết Độc lập này, ở những bản định cư vừa hình thành, chúng tôi cảm nhận được rõ ràng niềm vui của bà con dân bản, nụ cười đã trở lại cùng với niềm tin vào Đảng, Nhà nước.

Đỉnh núi Tà Ghênh, xã Lao Chải chênh chếch lưng trời, cảm giác như có thể với tay được đến mặt trời trong những ngày nắng ấm như hôm nay. Trong cơn lũ dữ, Lao Chải là một trong những địa phương bị tàn phá khốc liệt nhất. 

Tàn dư để lại là 14 ngôi nhà bị xóa sổ hoàn toàn, hơn 20 ngôi nhà phải di dời khẩn cấp đến vị trí mới tránh xa những nơi có nguy cơ sạt lở đất và lũ ống, lũ quét; 38 công trình thủy lợi bị hư hỏng; 5 cầu bê tông bị cuốn trôi; 1 điểm trường học "không còn dấu tích”… 

Cũng may, nhờ cuộc điện thoại khẩn cấp lúc 3 giờ 30 phút sáng ngày 3/8 của đồng chí Giàng A Lử - Chủ tịch UBND xã, đã kịp thời báo động cho bà con sơ tán người và những tài sản có giá trị nên đã không có thiệt hại lớn về người. Chỉ có một trường hợp duy nhất là cháu Giàng Thị Bâu 3 tuổi ở bản Háng Gàng bị sạt lở đất thiệt mạng… 

Không giấu được vẻ xúc động, đồng chí Giàng A Lử  kể lại: "Vào thời điểm ấy trời mưa rất to, cộng với tiếng sấm ầm ầm liên hồi. Do đã khảo sát và rà soát những điểm có nguy cơ sạt lở nếu mưa to, cộng với kinh nghiệm lâu năm sống ở vùng núi cao này, nên tôi dự đoán sớm muộn cũng sẽ có lũ ống và sạt lở đất xảy ra. Vì thế, tôi đã nhanh chóng gọi điện thoại cho các bí thư chi bộ, trưởng bản để cảnh báo và yêu cầu họ phải khẩn trương thông báo cho bà con sơ tán. Chỉ tiếc là bản Háng Gàng và bản Trống Khua bị mất sóng điện thoại không liên lạc được, nên đã có trường hợp thiệt hại về người xảy ra”… 

Tinh thần "4 tại chỗ” đã được phát huy ngay từ lúc ấy, rất kịp thời và trách nhiệm. Vì vậy, đã hạn chế được rất nhiều thiệt hại, nhất là thiệt hại về người. Hôm nay, người dân Lao Chải đã bình tâm trở lại, vượt qua khó khăn, thử thách của thiên nhiên, đoàn kết cùng nhau dựng lại những mái nhà hạnh phúc.
 
Trên đường lên Tà Ghênh - một trong những bản ở trên cao chịu nhiều ảnh hưởng của lũ quét, chúng tôi gặp những đoàn người mồ hôi ướt đẫm đang cõng những tấm lợp phi-bờ-rô xi măng vượt dốc, di chuyển đến địa điểm của những ngôi nhà mới. Ai cũng vội vã, hối hả và rất tập trung theo sát nhau trên con đường đất vẫn còn khá trơn trượt sau nhiều ngày mưa lũ. 

Hơi ngạc nhiên vì thấy quá đông người gùi tấm lợp, tôi hỏi đồng chí Trần Minh Vấn - Bí thư Đảng ủy xã là người trực tiếp dẫn đường cho chúng tôi lên bản và được biết: "Bà con ở đây có truyền thống giúp đỡ lẫn nhau. Nhà nào có việc là các hộ dân trong bản đều cử người đến giúp theo hình thức "đổi công” và khi nhà khác có việc thì ngược lại. Vì vậy, mọi công việc đều được triển khai rất nhanh, hiệu quả và rất tiết kiệm”. 

Qua tìm hiểu được biết, trong đợt di dời, dựng nhà mới sau bão lũ tại xã Lao Chải, toàn bộ kinh phí đều được bà con (kể cả những người dân vốn làm thợ dựng nhà chuyên nghiệp) giảm đi rất nhiều lần cho các hộ dân bị hậu quả thiên tai. Bình thường, dựng một căn nhà gỗ ở đây có tiền công theo giá thị trường là 22 triệu đồng, song, không vì mưa lũ mà các thợ gỗ tăng giá lên cao. 

Ngược lại, với tinh thần "tương thân tương ái”, sự giúp đỡ của cộng đồng, làng bản, mỗi hộ dân dựng nhà chỉ phải trả 4,5 - 5 triệu đồng tiền công. Đây chính là điều rất đáng trân trọng của người dân vùng lũ. Họ đang chung tay vì cuộc sống của những người kém may mắn mà không đòi hỏi quyền lợi cho cá nhân mình… 

Chúng tôi đến trung tâm bản Tà Ghênh vào cuối giờ chiều, đúng lúc gia đình ông Giàng A Páo đang làm mấy mâm cơm mời bà con dân bản đến vui chung khi dọn về nhà mới. Những gương mặt người dân ánh lên niềm hân hoan, vui sướng khi cùng nhau cụng chén rượu mừng gia chủ trong ngày tân gia. 

Ngôi nhà của ông Páo được san nền tại vị trí mới an toàn và làm bằng gỗ, lợp tôn xốp. Tuy đơn sơ và chưa có nhiều vật dụng gia đình nhưng vẫn rộn ràng tiếng cười nói, chúc mừng trong ngày chuyển về nhà mới. 

Sau khi làm xong lễ cúng tổ tiên theo phong tục đồng bào Mông, ông Páo rơm rớm nước mắt: "Nhờ ơn Đảng, Nhà nước, nhờ sự giúp đỡ của mọi người và sự góp sức của bà con dân bản, hôm nay gia đình tôi được về nhà mới, có thể yên tâm định cư để canh tác, sản xuất. Tôi cùng các con, cháu trong gia đình cảm ơn mọi người nhiều lắm!”.

Được biết, đến hết ngày 25/8, toàn bộ 127 hộ dân thuộc diện phải di dời khẩn cấp đều đã được cấp ủy, chính quyền huyện Mù Cang Chải bố trí về nơi ở mới an toàn. 

Với những nguồn hỗ trợ từ Nhà nước, các tập thể, cá nhân, các nhà hảo tâm trên toàn quốc, sự đồng thuận hiến đất, đổi đất cho nhau của bà con, những ngôi nhà mới khang trang hơn, vững chắc hơn đã được dựng lên một cách nhanh chóng, đúng với tinh thần chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương: "không để người dân nào bị đói và thiếu chỗ ở sau thiên tai”. 

Khắp nơi trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, những "đại công trường” đã được hình thành một cách khẩn trương nhất, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tiếng máy cưa, máy khoan, máy xúc, hòa cùng tiếng hò dô dựng cột, đặt nóc nhà… tạo nên một bầu không khí tấp nập, sôi động dưới ánh nắng vàng rực sau trận lũ lớn. 

Nơi ấy, hình ảnh của những chiến sỹ công an, những màu xanh áo lính của các anh bộ đội, màu áo xanh tình nguyện của thanh niên hòa cùng màu sắc sặc sỡ của những bộ trang phục thổ cẩm đồng bào Mông tạo nên một bức tranh sống động về sự đoàn kết, sẻ chia, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn, khó khăn. 

Đó là minh chứng hùng hồn cho tình người ở vùng bão lũ, khẳng định vững chắc niềm tin của nhân dân các dân tộc với Đảng, Nhà nước. Nắng ấm đã về trên những bản định cư mới, hy vọng mùa màng sẽ bội thu, người dân nhiều sức khỏe, niềm vui để quên đi mất mát, đau thương, cùng chung tay xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Tô Anh Hải

Trận lũ quét lịch sử ngày 3/8 tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đã làm 8 người chết, 6 người mất tích và 9 người bị thương; 61 nhà bị thiệt hại do thiên tai, trong đó có 54 nhà bị cuốn trôi và sập đổ hoàn toàn, 7 nhà bị hư hỏng một phần; 127 nhà phải di dời khẩn cấp; 166 công trình cơ sở hạ tầng bị hư hỏng rất nặng; trên 130 ha diện tích lúa, ngô, hoa màu bị mất trắng… Tổng giá trị thiệt hại khoảng trên 546 tỷ đồng.

Các tin khác
Tỉnh đoàn Yên Bái đã tặng quà 8 gia đình chính sách tại xã Vân Hội.

YBĐT - Ngày 31/8, Tỉnh đoàn Yên Bái đã tổ chức chuỗi hoạt động tuổi trẻ chung tay xây dựng xã điểm nông thôn mới năm 2017 tại xã Vân Hội, huyện Trấn Yên.

Đồng chí Trần Văn Lợi – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Cơ quan VKSND tối cao trao kinh phí hỗ trợ nhân dân huyện Mù Cang Chải cho lãnh đạo Uỷ ban MTTQ tỉnh.

YBĐT - Chiều 31/8, đoàn công tác của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao do đồng chí Trần Văn Lợi – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy cơ quan VKSND tối cao đã đến thăm hỏi và trao kinh phí hỗ trợ nhân dân huyện Mù Cang Chải khắc phục hậu quả bão lũ cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh, Ban Cứu trợ tỉnh số tiền 100 triệu đồng.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khánh cùng đoàn công tác thăm Trường bán trú Tiểu học và THCS xã Túc Đán.

Sáng 31/08, đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Nguyễn Văn Khánh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra tình hình phát triển kinh tế  - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng tại xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu.

Ảnh minh họa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đang lấy ý kiến các trường đại học, học viện, trường cao đẳng về phương án thi, tuyển sinh năm 2018.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục