Vượt qua đoạn đường cực kỳ gian khổ với đèo dốc, lầy thụt và cả núi cao, vực sâu chênh vênh, cuối cùng chúng tôi cũng đến trung tâm xã An Lương, một xã vùng sâu, vùng xa nhất của huyện Văn Chấn. Các thầy cô giáo và các em học sinh nhà trường ùa ra đón đoàn như đón người thân lâu ngày trở về khiến chúng tôi không khỏi xúc động.
Sau những lời thăm hỏi ân cần và những cái bắt tay nồng ấm, Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Quang Diện tỏ ra ái ngại khi thấy giày dép, ống quần của cán bộ lãnh đạo BIDV và anh em phóng viên lấm lem bùn đất, tiết trời Tây Bắc sang thu đã khá mát mẻ nhưng lưng áo ai cũng đẫm mồ hôi.
Thấy vậy, chị Ngô Bích Hồng - Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính BIDV Yên Bái liền bảo: "Biết là đường đi vất vả nhưng anh em ai cũng muốn đi để được trải nghiệm. Hơn nữa, đi mới thấy được các thầy cô cũng như đồng bào vùng cao đang vượt khó vươn lên thế nào”.
Buổi làm việc giữa lãnh đạo BIDV với Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, cán bộ xã và ban giám hiệu nhà trường diễn ra ngắn gọn, Giám đốc BIDV Yên Bái - Phạm Trung Tùng phát biểu: "An sinh xã hội là một chương trình hoạt động BIDV. Bằng nguồn quỹ phúc lợi và tấm lòng hảo tâm của người lao động trong toàn hệ thống, chúng tôi dành sự quan tâm tới những hoàn cảnh khó khăn, đồng bào bị thiên tai và hỗ trợ phát triển sự nghiệp giáo dục, nhất là giáo dục vùng cao. Mong muốn phần quà của BIDV góp sức cho sự nghiệp giáo dục phát triển, trẻ em vùng cao được đi học, có kiến thức để thay đổi cuộc sống, xây dựng quê hương”.
Những năm qua, BIDV Yên Bái đã trao tặng cho đồng bào nghèo Yên Bái hàng chục tỷ đồng. Riêng năm 2016, số tiền mà ngân hàng thương mại này trao tặng cho ngành giáo dục và đào tạo Yên Bái lên đến trên 10 tỷ đồng để xây dựng trường lớp học và nhà ở bán trú.
Thực hiện Đề án Sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp học, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học An Lương đã xóa 2 điểm lẻ, tập trung toàn bộ hơn 400 học sinh về điểm trường chính, trong đó có 300 học sinh ở bán trú.
Những lợi ích từ Đề án là rất to lớn và có ý nghĩa lâu dài. Tuy nhiên, khó khăn trước mắt là không nhỏ, trong đó điển hình nhất là thiếu phòng học và không có nhà ở bán trú cho học sinh. Trước khó khăn của nhà trường, tháng 10 năm 2016, lãnh đạo BIDV đã quyết định cùng tỉnh Yên Bái chung sức đầu tư xây dựng 6 phòng học và 6 phòng bán trú cùng các công trình phụ trợ cho nhà trường.
Hai khu nhà có tổng trị giá 4,9 tỷ đồng, trong đó phần góp của BIDV là 2 tỷ đồng; nhu cầu phòng học và nhà ở cho học sinh là rất bức thiết nên dự án đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo huyện Văn Chấn, xã An Lương cũng như Ban Giám đốc BIDV Yên Bái, làm sao để công trình được thi công với thời gian nhanh nhất, chất lượng tốt nhất và bảo đảm an toàn.
Với mục đích, ý nghĩa đó, nhà thầu (Công ty cổ phần Xây dựng Quang Thịnh) đã khắc phục khó khăn, đặc biệt là khó khăn trong việc vận chuyển nguyên vật liệu) để công trình hoàn thành đúng tiến độ, đưa vào sử dụng ngay từ năm học 2017 - 2018.
Thay mặt thầy và trò nhà trường, thầy giáo Nguyễn Quang Diện cho biết: "Mừng lắm các đồng chí ạ! Các cháu có nơi ăn ở, có đủ phòng học thì thầy cô và cha mẹ mới yên tâm. Duy trì sỹ số luôn là nhiệm vụ khó khăn đặc biệt của các trường vùng cao. Có trường đẹp, sân rộng, có nhà ở, bếp ăn như thế này thì đồng bào Dao, Mông, Tày ở Khe Cảnh, Sài Lương và các thôn, bản vùng cao khác mới yên tâm cho con đi học; các cháu mới gắn bó với trường, với lớp”.
Đúng là giáo dục vùng cao đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Chính phủ và các nhà hảo tâm. Ở nơi "thâm sơn cùng cốc” như An Lương mà có ngôi trường khang trang, sạch đẹp, có đủ phòng học, có nhà bếp, công trình vệ sinh, có nhà ở giáo viên... như thế này thì đáng quý lắm.
Mỗi em học sinh được Nhà nước hỗ trợ hơn 400 nghìn đồng/tháng, cùng với lượng rau xanh do nhà trường tự tổ chức tăng gia, vậy là các em đi học không chỉ được kiến thức mà còn được vui chơi, được nuôi dưỡng với những bữa ăn no cơm, đủ rau, thịt.
Vợ chồng anh Páo nhà ở lưng núi Khe Cảnh vừa lặn lội mười mấy cây số xuống trường thăm cậu con trai. Sau hơn một tuần xa nhà mà cháu Sùng A Nhà, con anh chị Páo thay đổi hẳn. Nó đã cắt tóc, mặc áo mới, trời nóng được ngồi quạt điện, tối lạnh được đắp chăn, được ăn những bữa cơm no và có thịt.
Nhìn anh chị Páo quấn quýt bên cậu con đã có nhiều tiến bộ, nghe A Nhà nói với bố mẹ rằng: "Đi học cũng nhớ nhà nhưng vui lắm, được vui chơi với bạn, được thầy cô bảo ban”, anh em trong đoàn công tác ai cũng xúc động và vui mừng. Những đứa trẻ như A Nhà sẽ tiến bộ hơn cha mẹ chúng ở bản bởi cậu bé được nuôi dưỡng và đi học đầy đủ, khi có kiến thức và sự hiểu biết thì dù ở nhà trồng quế hay nuôi trâu thì quế sẽ tốt hơn, trâu sẽ nhanh lớn hơn.
Ăn với thầy cô và các em học sinh nhà trường bữa cơm trưa, nghe thầy cô nói về công việc của mình với những câu chuyện vui, buồn như: nhiều thầy cô đã mua đất, dựng nhà ở An Lương để gắn bó lâu dài với sự nghiệp giáo dục vùng cao; đã đi dạy ở An Lương thì cứ 2 năm phải đổi xe máy một lần, lý do không phải chạy theo model mà đường xấu quá, xe nát hết; chuyện phải cùng ăn, cùng ở với các em để còn dạy bảo hay chuyện cô giáo dạy khối 1 phải có phiên dịch vì nhiều em chưa biết tiếng phổ thông...
Bao nhiêu chuyện mà thầy cô nói nhưng không có một lời kêu ca phàn nàn về chế độ, chính sách. Điều mà các thầy cô ở đây mong muốn chỉ là con đường An Lương đi Nghĩa Lộ được êm thuận, để đi lại cho đỡ cực khổ. Riêng mong muốn có trường, có lớp, có nhà ở cho giáo viên và học sinh thì giờ đã thành hiện thực rồi.
Lê Phiên