Kỷ luật tích cực: Phương pháp dạy trẻ cần thiết cho người lớn

  • Cập nhật: Thứ hai, 25/9/2017 | 2:10:00 PM

YBĐT - Trong nuôi dạy, giáo dục trẻ, khi trẻ mắc lỗi hoặc có hành vi mà người lớn không mong muốn, nhiều người lớn (cha mẹ, thầy cô...) thường trách mắng, đánh đòn hay sử dụng những hình phạt nào đó đối với trẻ. Đó chính là hình thức trừng phạt của người lớn với trẻ em.

Tiểu phẩm tái hiện việc sử dụng hình thức trừng phạt với trẻ em trong Liên hoan Văn nghệ - truyền thông tại Diễn đàn Trẻ em tỉnh năm 2017.
Tiểu phẩm tái hiện việc sử dụng hình thức trừng phạt với trẻ em trong Liên hoan Văn nghệ - truyền thông tại Diễn đàn Trẻ em tỉnh năm 2017.

Chị Lò Thị Nhiên - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn chia sẻ: "Qua thực tế cho thấy, một số gia đình vẫn sử dụng những biện pháp mang tính bạo lực trong dạy con. Mỗi khi con cái sai phạm, các bậc cha mẹ dùng roi vọt hay chửi mắng trẻ”.
 
Chị Lương Thị Huyền - cán bộ kỹ thuật bảo vệ trẻ em - Vùng Yên Bái và Tuyên Quang (Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam) cũng nhận định: "Phương pháp kỷ luật bằng đòn roi và các hình thức trừng phạt như chửi mắng, nhục mạ... vẫn được nhiều người lớn sử dụng. Điều này gây ảnh hưởng không tốt đến trẻ”.
 
Theo các chuyên gia, trừng phạt trẻ thực ra không mang lại hiệu quả mà người lớn mong muốn, thậm chí còn có hại cho trẻ, để lại cho trẻ những hậu quả cả về mặt thể chất và tâm lý, tinh thần. Vì vậy, thay vì dùng hình thức đánh mắng, trừng phạt trẻ, người lớn vẫn có thể đạt được mục đích giáo dục trẻ bằng phương pháp kỷ luật tích cực. Kỷ luật tích cực là biện pháp mà người lớn thực hiện nhằm thay đổi hành vi tiêu cực ở trẻ em nhưng không gây ra sự đau đớn về thể chất và tinh thần ở trẻ, có hại cho sự phát triển của trẻ.

Theo các chuyên gia, cách kỷ luật trẻ em mang tính tích cực dựa trên các phương pháp: hệ quả tự nhiên và logic; hình thành, thiết lập nội quy, nề nếp kỷ luật trong nhà trường và lớp học; thời gian tạm lắng. Hệ quả tự nhiên là những gì xảy ra một cách tự nhiên, không có sự can thiệp của người lớn, như: khi không ăn sẽ bị đói, khi quên mặc ấm có thể bị cảm... 

Hệ quả logic đòi hỏi sự can thiệp của người lớn hoặc của trẻ khác trong gia đình hay lớp học, như: khi không làm bài tập ở nhà thì đến lớp sẽ bị điểm kém, khi trẻ phá đồ chơi thì sau đó bố mẹ sẽ không mua cho nữa...
 
Việc sử dụng hệ quả tự nhiên và hệ quả logic có hai mục đích chủ yếu: thứ nhất là dạy cho trẻ có ý thức trách nhiệm về các hành vi của chính mình, khích lệ trẻ đưa ra những quyết định có trách nhiệm; thứ hai là có thể thay thế cho trừng phạt: trẻ vẫn học được cách ứng xử tốt mà không cần người lớn đánh mắng. 

Nếu mục đích của việc dùng hệ quả tự nhiên và logic là nhằm dạy trẻ về trách nhiệm thì việc thiết lập nội quy là nhằm để bảo vệ trẻ. Nội quy, nề nếp tạo cơ sở cho trẻ hiểu xem những hành vi nào là phù hợp, những hành vi nào là không phù hợp và đâu là giới hạn không được vượt qua. 

Thời gian tạm lắng là thời gian trẻ đang hoặc có nguy cơ thực hiện hành vi không mong muốn (như trêu chọc, đánh bạn, đập đồ chơi…) bị tách ra khỏi hoạt động mà trẻ đang tham gia.
 
Trong lúc "tạm lắng" trẻ phải ngồi một chỗ, không được chơi, không được trò chuyện hay tham gia hoạt động như những trẻ khác. Việc này diễn ra trong một không gian và thời gian nhất định để cho trẻ bình tĩnh trở lại, suy nghĩ về hành vi không đúng mục đích của mình và tiếp tục tham gia các hoạt động đang diễn ra. Một số kỹ năng khác như lắng nghe tích cực, khích lệ, chế ngự căng thẳng, tức giận… được áp dụng vào thực hành phương pháp kỷ luật tích cực.
 
Chị Hà Kim Thu ở phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái may mắn được biết đến phương pháp kỷ luật tích cực từ trước khi có con. Đến nay, chị đã và đang áp dụng vào nuôi dạy cho hai con của mình. 

Chị Thu chia sẻ: "Nhận thấy đây là phương pháp giáo dục con rất hữu ích nên bằng nhiều cách khác nhau mình đã trang bị được kiến thức cho bản thân về phương pháp này và áp dụng từ nhỏ trong nuôi dạy hai con. Đến nay, nó không chỉ giúp mang lại những hiệu quả như mình mong muốn mà đã bồi đắp thêm tình cảm yêu thương trong gia đình, con cái thực sự tin tưởng, chia sẻ với cha mẹ". 

"Theo mình, để áp dụng thành công phương pháp này trong gia đình, cần có sự vào cuộc đồng thời của những người lớn, đặc biệt là cả bố và mẹ” - Chị Thu nói. 

Thạc sỹ công tác xã hội Trần Minh Hải - giảng viên về kỷ luật tích cực với trẻ em cho biết: "Trong thực hiện kỷ luật tích cực, quan trọng nhất không phải ở phía trẻ mà là ở phía người lớn vì người lớn mới là người thực hiện kỷ luật. Để kỷ luật tích cực trẻ, đầu tiên người lớn như ông bà, cha mẹ, thầy cô phải hiểu tâm lý từng độ tuổi của trẻ để mà ứng xử như thế nào khi trẻ mắc lỗi hay có hành vi không mong muốn. Thứ hai, là người lớn phải được trang bị một số cách nào đó để giảm căng thẳng, tức giận của bản thân khi đối diện với hành vi không mong muốn của trẻ. Thứ ba, người lớn phải biết những phương pháp nào giúp trẻ tốt hơn mà không sử dụng đòn roi, đánh mắng. Muốn vậy, người lớn phải học để có những kiến thức này, có thể thông qua được đào tạo, tập huấn hay đọc nguồn tài liệu...”.

Mới đây, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã phối hợp với Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam tổ chức khóa tập huấn giảng viên nguồn về phương pháp kỷ luật tích cực với trẻ em thuộc Dự án "Chấm dứt bạo lực với trẻ em (EVAC)" tỉnh Yên Bái cho một số cán bộ ngành giáo dục và cán bộ làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em của hai huyện Văn Chấn và Lục Yên - hai địa phương được triển khai Dự án EVAC. Các học viên đã được trang bị kiến thức, kỹ năng về phương pháp kỷ luật tích cực cũng như phương pháp để tập huấn lại về phương pháp kỷ luật tích cực cho cộng đồng.
 
Chị Hoàng Thị Chất - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Khánh Thiện, huyện Lục Yên cho biết: "Trước khi được tham dự khóa tập huấn này, tôi chưa từng nghe nói đến kỷ luật tích cực. Qua tập huấn, bản thân tôi vỡ vạc ra rất nhiều điều, đặc biệt là nhận thấy được những lợi ích lâu dài đối với trẻ khi được giáo dục theo phương pháp này. Những điều này trước hết là thực sự có ý nghĩa đối với chính những người làm cha làm mẹ như chúng tôi". 

Chị Nguyễn Thị Kim Thoa - cán bộ Phòng Giáo và Đào tạo huyện Văn Chấn chia sẻ: "Cha mẹ, thầy cô cũng thực sự phải học thì mới biết giáo dục con cái đúng cách. Mong rằng nhiều cha mẹ, thầy cô được trang bị những kiến thức như thế này để giáo dục trẻ tốt hơn".

 Thu Hạnh

Các tin khác
Cập nhật đường đi của áp thấp nhiệt đới.

Hồi 4 giờ ngày 25-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 19,9 độ Vĩ Bắc, 108,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Ninh-Hải Phòng khoảng 220km về phía Đông Đông Nam.

Vị trí và hướng đi của áp thấp nhiệt đới.

Chủ động các biện pháp đưa ngư dân, người lao động trên các tàu thuyền, chòi canh, lồng bè, khu nuôi trồng hải sản lên bờ để đảm bảo an toàn.

Phát tờ rơi tuyên truyền biện pháp bảo đảm an toàn giao thông cho các em học sinh huyện vùng cao Mù Cang Chải.

YBĐT - Đến nay, 100% cơ sở Đoàn đã  2ký cam kết không sử dụng rượu, bia, ma túy, chất kích thích khi tham gia giao thông; 100% Đoàn xã, phường, thị trấn có mô hình, đội hình thanh niên xung kích tham gia bảo đảm an toàn giao thông. 

Trung bình 1 ngày Trung tâm Y tế thành phố có khoảng 300 lượt người đến KCB.

YBĐT - Theo thống kê từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Yên Bái, 6 tháng đầu năm 2017, Quỹ Khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) của tỉnh bội chi 116,5 tỷ đồng. Sự gia tăng chi phí KCB như hiện nay dẫn đến khả năng năm 2017 Yên Bái không thể cân đối được nguồn quỹ này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục