Để phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững vùng dân tộc và miền núi, góp phần khắc phục các hạn chế, bất cập, khó khăn, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc, mục tiêu thực hiện chính sách dân tộc nhất quán của Đảng: "Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”, Ban Dân tộc tỉnh đã từng bước đổi mới, chủ động tăng cường phối hợp với các ngành, các địa phương nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác dân tộc và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn.
Đẩy mạnh hoạt động trong công tác dân tộc, năm 2017, Ban Dân tộc tỉnh tích cực, chủ động phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền các địa phương nắm chắc tình hình, xử lý kịp thời các sự việc nảy sinh trong đời sống nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, làm chủ địa bàn. Ban đã chủ động phối hợp với các địa phương vận động, thuyết phục một số hộ đồng bào Mông có ý định di cư vào Tây Nguyên tại xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu và xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn yên tâm định canh, định cư ổn định cuộc sống; nắm bắt tình hình đồng bào vắng mặt khỏi nơi cư trú, nhất là tình trạng lao động người dân tộc đi làm ăn xa; tình trạng khiếu kiện đông người ở vùng đồng bào dân tộc.
Đồng thời, triển khai thực hiện một số chính sách dân tộc mới được Chính phủ ban hành. Để nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý Nhà nước, thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc giai đoạn 2017 - 2021. Đặc biệt, lần đầu tiên, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức ký kết chương trình phối hợp thực hiện công tác dân tộc với lãnh đạo UBND 8/9 huyện, thị trong tỉnh.
Qua đó, tăng cường sự cộng đồng trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc phối hợp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công tác dân tộc, nhất là các chương trình, dự án, chính sách công tác dân tộc triển khai trên địa bàn.
Đồng chí Giàng A Câu – Trưởng ban Dân tộc tỉnh chia sẻ: "Chúng ta mới chỉ quan tâm nhiều đến việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc chứ chưa chú trọng công tác quản lý Nhà nước về công tác dân tộc. Trên thực tế, đây là một nhiệm vụ khó khăn, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Các cấp, các ngành cần chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện. Để tăng cường công tác chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong phối hợp, triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc một cách sâu sát, hiệu quả, những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh thường xuyên phối hợp với Sở Nội vụ, Công an tỉnh. Mới đây, Ban đã tổ chức ký kết chương trình phối hợp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác dân tộc và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc, giai đoạn 2017 - 2021 với lãnh đạo UBND 8 huyện, thị và thành phố Yên Bái. Đây là việc làm hết sức cần thiết để gắn kết, cộng đồng trách nhiệm giữa ngành và chính quyền các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc trên địa bàn, cũng như phối hợp thông tin kịp thời tình hình công tác dân tộc; triển khai hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, nhất là nắm bắt các vấn đề nảy sinh trong đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số, chủ động làm chủ địa bàn…”.
Nhìn lại tình hình vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh những tháng đầu năm 2017, bên cạnh những tín hiệu vui về sự ổn định của kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh địa bàn vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, còn xảy ra tình trạng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc; một số hộ đồng bào Mông di cư đi các tỉnh khác làm ăn, chủ yếu là Đắk Nông, Lâm Đồng. Cụ thể tại xã Nghĩa Tâm và một số xã của huyện Trạm Tấu có 13 hộ, 61 khẩu di cư đi các tỉnh khác làm ăn.
Nắm bắt tình hình cơ sở, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ động phối hợp với các địa phương vận động, thuyết phục bà con yên tâm định cư. Với các trường hợp không thể thuyết phục, vận động, Ban phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng nắm tình hình, hướng dẫn bà con đăng ký với địa phương theo đúng pháp luật về cư trú, không để bà con vi phạm pháp luật tại địa phương, nhất là tình trạng phá rừng…
Được biết, theo Quyết định số 582 QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Yên Bái có 81 xã thuộc khu vực vùng III, 68 xã thuộc khu vực vùng II, 31 xã, phường, thị trấn thuộc khu vực I, 829 thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135. Không thể phủ nhận, nguồn lực từ các chương trình, dự án, chính sách dân tộc của trung ương và của tỉnh đầu tư trên địa bàn, đặc biệt là các chính sách đặc thù về hỗ trợ phát triển kinh tế, y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc trong tỉnh đã có bước khởi sắc; quốc phòng - an ninh, được giữ vững.
Chỉ riêng Chương trình 135, nguồn vốn giao bổ sung năm 2016 thực hiện năm 2017 trong 6 tháng đầu năm đã giải ngân được 6 tỷ 364 triệu đồng cho các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc xã đặc biệt khó khăn.
Năm 2017, nguồn vốn chương trình được giao thực hiện là trên 70 tỷ đồng, trong đó trên 41 tỷ đồng cho các dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng và chuyển tiếp dự kiến hoàn thành trong năm 2017; hơn 30 tỷ đồng bố trí cho các dự án khởi công mới. Đến hết tháng 5, các địa phương đã cấp được trên 350.200 thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng là người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn và người dân vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh…
Tuy nhiên, tỷ lệ hộ đói nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, chiếm gần 78% số hộ nghèo toàn tỉnh, tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo; tình trạng dân di cư tự do, xuất cảnh trái phép, tái trồng cây thuốc phiện, an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo còn tiềm ẩn, đặt ra cho công tác quản lý Nhà nước về công tác dân tộc những vấn đề cấp thiết, đòi hỏi nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác dân tộc cần phải được tăng cường.
Cần nhìn nhận đó không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành chức năng mà cần tới trách nhiệm quản lý từ chính cấp ủy, chính quyền các cấp, sát sao, cụ thể ngay từ cơ sở. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương nắm chắc tình hình vùng dân tộc thiểu số, nhất là tình hình an ninh nông thôn, dân tộc, tôn giáo, kịp thời nắm bắt dư luận xã hội, phát hiện những vấn đề bức xúc, mâu thuẫn nảy sinh trong vùng đồng bào dân tộc.
Qua đó, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vấn đề nảy sinh ngay từ cơ sở, kiên quyết loại bỏ không để các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để lôi kéo, xúi giục, kích động đồng bào làm trái với chủ trương của Đảng, đi ngược với chính sách của Nhà nước.
Phạm Minh