Trung thu rộn ràng tiếng trống lân

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/9/2017 | 8:00:31 AM

YBĐT - Tết Trung thu 2017 đang đến rất gần. Các đội múa lân, trên địa bàn thành phố Yên Bái lại bắt đầu tập luyện để biểu diễn phục vụ các cháu thiếu nhi.

Đội múa lân phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái tập luyện chuẩn bị cho tết Trung thu 2017.
Đội múa lân phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái tập luyện chuẩn bị cho tết Trung thu 2017.

Đến nhà ông Bùi Văn Hà ở phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái những ngày này mới cảm nhận hết cái tất bật của những người làm nghề biểu diễn lân, sư, rồng. Điện thoại của ông chốc chốc lại reo lên bởi cuộc gọi hợp đồng biểu diễn kín mít từ ngày 12 – 14/8 âm lịch. Các thành viên trong đội của ông đã tập hợp đông đủ để tranh thủ tập luyện vào lúc sáng sớm và chiều muộn… Cả đội có khoảng 15 thành viên, độ tuổi từ 18 – 30 tuổi, hầu hết các thành viên đều có chung niềm đam mê, yêu thích nghề này.
 
Ông Hà chia sẻ: "Gia đình tôi đã trải qua 3 đời múa lân, không dám nhận là múa giỏi nhưng tôi tiếp xúc với nghề này từ nhỏ nên múa lân như ăn sâu vào tiềm thức của tôi. Nghề này không phải ai cũng có thể theo được, ngoài năng khiếu ra phải có độ kiên trì, bền bỉ và tính cách hòa đồng mới bám trụ được”.

Để múa lân trong 10 - 15 phút, người biểu diễn phải tập luyện rất vất vả và phải có thể lực, tâm lý tốt mới thực hiện được những bài múa khó. Đây là môn nghệ thuật đòi hỏi khả năng sáng tạo và cảm thụ âm nhạc. Một bài múa lân, sư, rồng sẽ trở nên khô cứng, vô hồn nếu người biểu diễn không biết thả hồn vào chính những con lân, con sư, con rồng khoác trên người và thiếu sự hòa quyện giữa những bước đi vừa uyển chuyển, nhịp nhàng vừa duyên dáng, oai hùng với nhịp trống, phách. Những bài múa lân đặc sắc, mới mẻ luôn được các thành viên trong đội múa thường xuyên tìm tòi, học hỏi các động tác kỹ thuật khó trên các phương tiện truyền thông như truyền hình, Internet…
 
Ông Hà chia sẻ thêm: "Lúc đầu, làm nghề gặp khá nhiều khó khăn. Việc thu hút các thành viên tham gia không phải dễ. Nhu cầu giải trí của người dân chưa có nhiều nên cả năm chỉ được phường hay các tổ chức thuê diễn ở một vài chương trình nhưng vì đam mê và có sự kỳ vọng đối với nghề nên tôi chưa bao giờ có suy nghĩ từ bỏ. Đặc biệt nguồn kinh phí đầu tư ban đầu không hề nhỏ, mỗi 1 bộ múa lân bao gồm: đầu lân, quần, trống, gậy… trị giá cả chục triệu đồng”. Vì làm nghề lâu năm nên không chỉ tại nơi ông Hà đang ở mà rất nhiều khu phố, cơ quan, tổ chức… trên địa bàn thành phố biết đến đội của ông.
 
Ông Nguyễn Ngọc Mễ - Tổ trưởng Tổ dân phố Yên Thái, phường Yên Thịnh cho biết: "Trung thu nào chúng tôi cũng thuê đội múa của ông Hà đến biểu diễn ở khu phố mình. Trung thu năm nay cũng vậy, thông thường chúng tôi phải hẹn lịch trước 1 tháng vì vào những ngày cao điểm hầu như đều kín lịch. Đội múa của ông Hà biểu diễn khá chuyên nghiệp, sáng tạo khiến cho trẻ con khu phố chúng tôi rất thích thú”.
 
Vào dịp tết Trung thu, một ngày đội có thể biểu diễn "chạy sô” đến vài địa điểm. Mỗi bài biểu diễn tầm 15 – 20 phút, thu về khoảng 1,5 – 2 triệu đồng.

Bên cạnh đó, ông Hà luôn trăn trở không để mai một nghệ thuật múa lân, sư, rồng truyền thống. Những lúc rảnh rỗi, ông truyền niềm yêu thích bộ môn múa lân này tới các thế hệ trẻ, hướng dẫn cách làm, cách trình diễn sao cho sinh động. Mục đích để sau này con cháu có thể nối nghiệp và giữ được bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Không phụ công dạy dỗ và nỗ lực truyền nghề của ông, rất nhiều thanh niên quanh khu ông ở hứng thú với nghề này và xin đi theo đội múa của ông.
 
Anh Nguyễn Đông Dương ở phường Yên Ninh cho biết: "Từ bé hay được bố mẹ dẫn đi xem múa lân, tôi thích lắm! Giờ đi theo chú Hà học múa, tôi thấy hạnh phúc vô cùng. Nghề này không chỉ rèn luyện cho bản thân sự dẻo dai, khéo léo mà còn đem lại niềm vui cho mọi người”.

Phong trào biểu diễn lân ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút được rất nhiều bạn trẻ tham gia. Trước kia, cả thành phố chỉ có 1, 2 đội múa lân, thì vài năm trở lại đây có thể thấy, mỗi khu phố đều xuất hiện những nhóm múa tự phát, họ đều là những người rất trẻ. Các bạn trẻ đều rất hào hứng vì mang lại nhiều lợi ích thiết thực như tăng cường sức khỏe, sự dẻo dai và khả năng phối hợp với đồng đội. Mặc dù chưa phải là đội chuyên nghiệp nhưng các thành viên trẻ đều chịu khó tìm tòi, học hỏi thêm các động tác kỹ thuật khó rồi cùng nhau tập luyện.
 
Xã hội ngày càng phát triển, dịp tết Trung thu cũng có thêm nhiều hoạt động vui chơi giải trí mới nhưng múa lân vẫn thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ. Sức lan tỏa đó có được là nhờ nỗ lực không ngừng cùng với sự đam mê với nghề của những người như ông Hà.

Hải Hà

Các tin khác
Mô hình chăn nuôi bò thương phẩm của đoàn viên thanh niên xã Bạch Hà.

YBĐT - Cũng giống như nhiều xã thuần nông tại huyện Yên Bình, nhiều thanh niên ở Bạch Hà phải rời xa quê hương tìm kiếm việc làm, lập nghiệp tại vùng đất mới. Con số 178 đoàn viên thanh niên (ĐVTN) thường xuyên sinh hoạt cũng chỉ chiếm được 4,1% dân số địa phương phần nào đã cho thấy những khó khăn trong công tác Đoàn...

YBĐT - Trong 9 tháng năm 2017, Trung tâm Y tế huyện Trấn Yên đã khám chữa bệnh cho 146.466 lượt bệnh nhân, trong đó tuyến huyện là 66.172 lượt bệnh nhân và tuyến xã, thị trấn là 80.294 lượt bệnh nhân, số bệnh nhân điều trị nội trú là 8.230 lượt người và 2.871 lượt bệnh nhân điều trị ngoại trú.

YBĐT - Chiều 26/9, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2002 - 2017.

Quang cảnh buổi Hội thảo.

YBĐT - Sáng 26/9, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái phối hợp với Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam tổ chức Hội thảo chia sẻ kết quả rà soát tình hình thi hành pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em và phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2017.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục