Mưa lũ cũng đã làm thiệt hại 1.256 nhà, trong đó 60 nhà bị sập hoàn toàn, 702 nhà bị nập nước, 60 nhà bị trôi tài sản, 344 nhà phải di dời người và tài sản; 3.240 m kè chống lũ và 1.250 m đường giao thông nội thị của thị xã Nghĩa Lộ bị sạt lở. Trên quốc lộ 32, lý trình 264+274 tại khu vực đèo Khau Phạ bị sạt taluy dương, hiện đang tập trung khắc phục thông tuyến, dự kiến chiều nay (12/10) thông đường; đường tỉnh 174 (Văn Chấn - Trạm Tấu) bị sạt lở một số vị trí, cũng phấn đấu chiều nay thông đường.
Đặc biệt, mưa lũ đã làm diện tích lúa bị vùi lấp, mất trắng trên 67 ha, bị ngập 200 ha; 33 ha diện tích thủy sản và gần 3.000 con gia cầm bị thiệt hại.
Tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng trên 125 tỷ đồng.
Ngay sau khi nhận được báo cáo về thiệt hại do lũ ống, lũ quét tại các huyện Trạm Tấu, Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp đến hiện trường để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả và tìm kiếm cứu nạn, đặc biệt tìm kiếm người mất tích, chữa trị cho người bị thương, bố trí chỗ ở cho các gia đình có nhà bị lũ cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn; thành lập 12 tổ tìm kiếm người mất tích bố trí từ khu vực cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ đến xã Yên Phú, huyện Văn Yên.
Cùng với đó, tỉnh quyết định hỗ trợ đối với các gia đình có người chết và mất tích 10 triệu đồng/người; hỗ trợ người bị thương 2,5 triệu đồng/người; hỗ trợ các gia đình có nhà bị sập, cuốn trôi hoàn toàn 25 triệu đồng/nhà (trong đó từ nguồn ngân sách tỉnh 20 triệu/nhà, Ủy ban MTTQ tỉnh 5 triệu đồng/nhà); đồng thời hỗ trợ các gia đình có nhà bị sập, trôi hoàn toàn 15kg gạo/khẩu/tháng (trước mắt trong thời gian 2 tháng). Chỉ đạo Ủy ban MTTQ tỉnh vận động cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn toàn tỉnh và kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại sớm ổn định cuộc sống.
Với sự nỗ lực của các lực lượng trong công tác tìm kiếm cứu nạn đến nay đã tìm thấy 2 nạn nhân ở thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, trong thời gian tới, trên địa bàn các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu và thị xã Nghĩa Lộ tiếp tục có nguy cơ sạt lở đất và lũ quét. Đồng chí Đỗ Đức Duy – Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các lực lượng tiếp tục tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi, động viên các gia đình có người chết, người bị thương và mất nhà, tài sản, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tổ chức kiểm tra, rà soát, cảnh báo những khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét; thông báo đến các thôn bản và người dân biết để chủ động phương án phòng ngừa; nghiêm cấm mọi phương tiện và người dân đi qua nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; tuyên truyền, vận động nhân dân không đi xúc cá, vớt củi trong những ngày mưa lũ; hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng mưa, lũ và sạt lở đất gây ra. Chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn cùng với nhân dân khẩn trương tìm quỹ đất làm nhà mới cho những hộ dân mất nhà.
Các địa phương tiếp tục tập trung rà soát, thống kê thiệt hại, nhất là đối với các hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao, phải di dời khẩn cấp để chỉ đạo vị trí, địa điểm di dời, tổ chức làm nhà mới ở nơi an toàn và đảm bảo an sinh xã hội cho các hộ dân bị ảnh hưởng thiên tai; thực hiện việc tiếp nhận hàng hóa cứu trợ.
Tiếp tục khắc phục các công trình hạ tầng bị hư hỏng trên địa bàn các xã, phường nhằm đảm đảm giao thông thông suốt, đảm bảo giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, chủ động giải quyết kịp thời, dứt điểm những phát sinh ngay từ cơ sở. Làm tốt công tác thông tin liên lạc phục vụ tìm kiếm cứu nạn...
Văn Tuấn – Mạnh Cường