Nơi lũ dữ đi qua

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/10/2017 | 7:06:45 AM

YBĐT - Dòng nước dữ của trận lũ quét đêm 10, ngày 11/10 đã lắng, nhưng khung cảnh tan hoang ở miền Tây vẫn còn đó. Bên dòng suối Thia, bờ sông Hồng, hàng trăm người vẫn đau đáu nhìn vào con nước đục ngầu. Mọi công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục thiệt hại được các đồng chí lãnh đạo tỉnh chỉ đạo sát sao từng phút, từng giờ; quân dân chung sức hỗ trợ, đùm bọc, giúp nhau ổn định cuộc sống.

Các lực lượng tham gia hỗ trợ nhân dân dựng lại nhà cửa tại huyện Trạm Tấu.
Các lực lượng tham gia hỗ trợ nhân dân dựng lại nhà cửa tại huyện Trạm Tấu.

Gượng dậy sau lũ

Tại xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu cảnh tượng sau lũ thật hoang tàn, đổ nát. Những khối đá to, nhỏ từ trên đỉnh núi theo dòng lũ xóa đi dấu tích của nhiều ngôi nhà. Anh Hoàng Văn Sóng, bản Hát 2  kể lại: "Chưa bao giờ tôi thấy trận lũ nào kinh khủng như vậy! Lúc đấy, khoảng 5 giờ sáng mọi người đang ngủ thì nghe tiếng nước ào ào từ trên núi xuống. Gia đình tôi tỉnh giấc hô mọi người chạy ra ngoài. Vừa chạy được vài bước thì căn nhà đổ ập xuống, trôi theo dòng nước lũ”. 3 nhà cùng xóm của anh cũng đều thoát chết nhưng nhà cửa, tài sản đều trôi đi hết.
 
Đau đớn, xót xa còn nặng nề nhưng người dân nơi đây đang cố vực dậy ổn định cuộc sống. Các lực lượng: thanh niên, dân quân vẫn hối hả giúp dân dọn dẹp nhà cửa, sớm khôi phục, ổn định  cuộc sống. Huyện Trạm Tấu đã huy động trên 2.000 lượt người là lực lượng cán bộ, công chức, giáo viên, ĐVTN, dân quân tự vệ ở các xã đến giúp dân ở xã Hát Lừu. Riêng Hát Lừu cũng đã huy động hơn 600 người ở các thôn, bản tìm kiếm người mất tích, giúp đỡ nhau nạo vét bùn đất, gặt lúa.
 
Chị Lê Thị Hoàng Lân - giáo viên Trường Tiểu học và THCS bán trú xã Bản Công cho biết: "Tôi và rất nhiều cán bộ, giáo viên của trường đến giúp đỡ nhân dân đi gặt lúa và mong muốn người dân sớm thoát khỏi khó khăn hoạn nạn”.
 
Anh Lò Văn Thao vừa đi nhận hỗ trợ về cho biết: "Những ngày qua, chúng tôi đã được sự giúp đỡ, ân cần hỏi thăm của các đồng chí lãnh đạo từ tỉnh đến huyện, của bà con trong xã nên cũng vơi bớt khó khăn”.

 Tại vùng lũ Mường Lò thuộc huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ, bên cạnh tìm kiếm người mất tích, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, ĐVTN, cán bộ, viên chức và người dân địa phương đã tham gia ứng cứu, di dời các hộ dân đến nơi an toàn. Chị Cầm Thị Chanh ở bản Lọng, phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ chia sẻ: "Nhà tôi bị nước lũ vùi lấp bùn đất nhưng đã được bộ đội đến giúp dọn nhà, thu dọn nhiều bùn đất. Cảm ơn bộ đội, cảm ơn cán bộ đã giúp dân chúng tôi ổn định đời sống!”.
 
Ông Chu Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho hay, thị xã đã hỗ trợ tháo dỡ nhà cửa, di dời tài sản cho 16 hộ bị lũ cuốn, sạt lở, sơ tán người, tài sản của 105 hộ ra khỏi vùng bị ngập lụt, sạt lở nguy hiểm; đồng thời, rà soát, di dời 58 hộ đang sống ở khu vực có nguy cơ cao sạt lở, ngập úng. Thị xã cũng tiếp tục duy trì gần 100 người tham gia tìm kiếm 3 người bị mất tích còn lại do sập cầu; huy động lực lượng tại chỗ trên 6.500 lượt người tham gia hỗ trợ, khắc phục thiên tai.
 
Cùng với đó, thị xã đã đảm bảo tốt an sinh xã hội và rà soát, bố trí quỹ đất tái định cư cho các hộ bị mất đất ở; những hộ ở khu vực có nguy cơ cao về sạt lở. Đến nay, đã có trên 4.000 người tham gia tìm kiếm cứu hộ, giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai; hàng chục máy xúc, ô tô được huy động để khắc phục các điểm bị sạt lở đảm bảo giao thông bước 1. Tất cả những người được huy động đến vùng lũ đã chạy đua cùng thời gian, làm việc liên tục để cứu người, lo chỗ ăn ở an toàn cho người dân...
 
Còn đó những hiểm nguy

Dòng suối Thia đã trở lại hiền hòa như vốn có. Tại những nơi lũ dữ đi qua, mọi người đang khẩn trương dọn dẹp, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Thế nhưng, trong ngổn ngang những khó khăn đó, người dân tâm lũ miền Tây vẫn đang phải nơm nớp đối diện với hiểm nguy khi "lá chắn” của họ đã bị lũ phá hủy.
 
Dọc suối Thia, suối Nung qua địa bàn các xã Phúc Sơn, Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn đến phường Cầu Thia, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ hàng nghìn mét kè đã bị sạt lở, gãy, đứt và bị lũ cuốn. Tại tổ 1, phường Cầu Thia, hơn 1.000 m kè đã bị phá hủy hoàn toàn. Lũ ống mang theo đất đá, cây cối đã xói vào sau bờ kè hơn 50 m. Nhiều hộ trước kia nằm cách suối cả trăm mét, giờ đã ở mép suối, có nguy cơ bị xóa sổ.
 
Phía bên kia, một số ngôi nhà ở thôn Cầu Thia thuộc xã Phù Nham, huyện Văn Chấn cũng đã nằm sát bờ suối, thậm chí có nhà đã bị "nuốt” mất một nửa. Hiện nay, kè suối Thia bị sạt lở 5 điểm với chiều dài trên 2.070 m; kè suối Nung sạt lở 6 điểm với chiều dài 2.500 m và kè suối Nậm Tộc sạt lở 2 điểm với chiều dài 100 m. Sau trận lũ, suối Thia, suối Nung, Nậm Tộc, Huổi Phăn bỗng chốc bị mở rộng lên hàng trăm mét, kéo theo đó là những nguy hiểm rình rập đời sống của nhân dân mỗi khi mưa lũ.
 
Qua rà soát, hiện có khoảng 290 nhà có nguy cơ sạt lở, phải tiếp tục theo dõi để di dời. Còn tại tỉnh lộ 174, mưa lũ đã gần như phá hủy hoàn toàn, nhiều đoạn bị sụt lún, đất đá vùi lấp mất hết cả nền đường.
 
Thống kê của ngành giao thông, trên tuyến đường này có đến 62 điểm sạt lở, trong đó có 18 điểm có khe suối bị sạt lở nghiêm trọng, hàng chục nghìn mét khối đất đá vùi kín mặt đường. Đến nay, dù đã thông tuyến tạm thời, nhưng nguy cơ sạt lở trên tuyến đường độc đạo từ thị xã Nghĩa Lộ lên huyện Trạm Tấu vẫn rất lớn. Hàng chục nghìn mét khối đất đá trên ta luy có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào. Nguy hiểm rình rập trên tuyến đường này là điều hiện hữu.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết, Đảng, Nhà nước cần cấp thiết có sự hỗ trợ để xử lý những nguy hiểm đang rình rập đời sống của người dân nơi đây.

Hùng Cường - Văn Thông

Các tin khác

YBĐT - Năm học 2016 - 2017, Trường Tiểu học và THCS Việt Hồng có 2 giáo viên giỏi cấp huyện; 10 giáo viên tiểu học, 10 giáo viên THCS đạt giáo viên giỏi cấp trường; 2 giáo viên đạt danh hiệu Giáo viên chủ nhiệm giỏi.

Các đơn vị từ thiện chuyển hàng cứu trợ ủng hộ người dân thị xã Nghĩa Lộ.

YBĐT - Những ngày này, lũ dữ đã đi qua, các chính sách hỗ trợ của tỉnh, thị xã và những tấm lòng hảo tâm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân vẫn tiếp tục đến với nhân dân vùng lũ.


YBĐT - Ngày 24/10, đoàn công tác của Bộ Y tế do thầy thuốc nhân dân, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn đã đi thị sát việc khắc phục hậu quả thiên tai và tặng quà đồng bào các huyện, thị phía Tây của tỉnh bị thiệt hại do mưa lũ vừa qua.

Vùng núi Sa Pa sáng nay nhiệt độ giảm xuống còn 10,8 độ C.

Kỹ sư Lưu Minh Hải, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai, cho biết, đêm hôm qua 23/10, không khí lạnh từ phía Bắc tràn về đã ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh Lào Cai, đạt ngưỡng mạnh nhất từ đầu vụ thu đông 2017 tới nay.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục