Phòng chống HIV/AIDS ở Yên Bái: Thiếu nguồn lực sẽ khó khăn

  • Cập nhật: Thứ tư, 1/11/2017 | 8:04:03 AM

YênBái - YBĐT - Hiện nay, Yên Bái vẫn đứng trong tốp 10 địa phương có số người nhiễm HIV cao nhất trong toàn quốc. Lũy tích phát hiện 5.000 người.

Một buổi tư vấn tại Câu lạc bộ người nhiễm HIV Yên Phú.
Một buổi tư vấn tại Câu lạc bộ người nhiễm HIV Yên Phú.

Trong những năm qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS của Yên Bái đã đạt được một số thành công nhất định, nhận thức của người dân về "căn bệnh thế kỷ” đã đầy đủ hơn trước; ý thức phòng chống lây nhiễm, đặc biệt là nhóm đối tượng có nguy cơ cao đã có nhiều thay đổi (không sử dụng chung bơm kim tiêm trong tiêm chích ma túy, đã biết sử dụng bao cao su trong sinh hoạt tình dục).

Đó là kết quả của sự nỗ lực trong công tác tuyên truyền vận động của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự nỗ lực của ngành y tế nói chung và Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS nói riêng trong công tác truyền thông, can thiệp giảm tác hại, tư vấn, xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS...

Hiện nay, Yên Bái vẫn đứng trong tốp 10 địa phương có số người nhiễm HIV cao nhất trong toàn quốc. Lũy tích phát hiện 5.000 người, thực tế số bệnh nhân còn lớn hơn (ít nhất là gấp đôi số đã phát hiện), trong đó hiện đang còn sống là 4.000 người, đang điều trị ARV 1.500 người; tỷ lệ nhiễm HIV/dân số là 0.5%.
 
Điều đáng nói là trước đây số người nhiễm HIV chủ yếu là nam giới, nghiện ma túy thì hiện nay tỷ lệ bệnh nhân mới phát hiện là phụ nữ và trẻ em đã lên tới 30%. Trong khi công cuộc phòng, chống HIV/AIDS còn rất nhiều có khăn, thách thức đòi hòi sự quyết tâm cao của ngành y tế và cả cộng đồng xã hội thì nguồn lực dành cho công tác này đang bị cắt giảm mạnh.
 
Bác sỹ Phan Duy Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Sở Y tế Yên Bái cho biết: "Nguồn kinh phí đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS từ Trung ương và các tổ chức quốc tế liên tục bị cắt giảm mạnh trong thời gian vừa qua, trong khi nguồn lực tại địa phương lại rất eo hẹp, chưa được bổ sung kịp thời. Công tác phòng, chống HIV/AIDS đang gặp rất nhiều khó khăn, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì rất có thể căn bệnh nguy hiểm này sẽ bùng phát”.
 
Bác sỹ Phan Duy Tiêu liệt kê ra hàng loạt nguồn đầu tư bị cắt giảm. Cụ thể, trước đây phòng, chống HIV/AIDS là Chương trình Mục tiêu quốc gia, nguồn kinh phí mà Chính phủ cấp cho là không nhỏ, qua đó công tác này luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành; hai năm trở lại đây, việc phòng chống HIV/AIDS không phải là Chương trình Mục tiêu quốc gia nữa mà thuộc Chương trình Y tế và dân số thông thường nên nguồn kinh phí bị cắt giảm, sự quan tâm của các cấp, các ngành cũng vì thế mà giảm đi. Là "căn bệnh thế kỷ” mang tính chất toàn cầu nên nhiều định chế tài chính và tổ chức quốc tế cũng đặc biệt hỗ trợ các nước, trong đó có Việt Nam ngăn chặn "căn bệnh thế kỷ”.
 
Chẳng hạn giai đoạn 2006 - 2012, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã tài trợ cho Yên Bái  mỗi năm từ 1 đến 3 tỷ đồng; Dự án Phòng chống HIV/AIDS Quỹ Toàn cầu hỗ trợ cho tỉnh mỗi năm 1,5-1,7 tỷ đồng...; Đề án tăng cường kiềm chế HIV/AIDS tỉnh Yên Bái cũng nhận được khoản kinh phí hơn 1 tỷ đồng mỗi năm...
 
 
 
Phát tài liệu tuyên truyền về HIV/AIDS.
 
Với nguồn lực sẵn có, công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Yên Bái được triển khai khá bài bản, như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân cũng như kêu gọi sự quan tâm, chung sức, đồng lòng của cả xã hội đối với "căn bệnh thế kỷ”; đối tượng có nguy cơ cao như nghiện hút, gái mại dâm, đặc biệt là những người không may mắc bệnh đều có nhận thức đầy đủ về căn bệnh nguy hiểm này, từ đó có ý thức phòng chống lây nhiễm cho bạn tình, bạn nghiện và những người xung quanh.
 
Nguyễn Văn H ở thôn Khe Chè, xã Y Can, huyện Trấn Yên tâm sự: "Mình không may mắc bệnh, được tuyên truyền mình đã hiểu nên không tiêm trích chung bơm tiêm với bạn nghiện khác, đồng thời sử dụng bao cao su khi sinh hoạt vợ chồng và cẩn thận hơn trong cuộc sống hằng ngày. Ví dụ như đi làm nương, đi rừng phải cẩn thận không để đứt chân, đứt tay gây chảy máu, bị rồi thì người khác đến băng bó, cầm máu cũng phải nhắc nhau thận trọng”.
 
Những suy nghĩ và việc làm của Nguyễn Văn H, một thành viên tích cực trong Câu lạc bộ "Đồng đẳng” đã cho thấy sự tiến bộ trong nhận thức của người mắc HIV/AIDS mà công tác tuyên truyền, tư vấn đã mang lại. Bên cạnh đó, sự kỳ thị của xã hội đối với những người mắc AIDS giờ cũng đã có nhiều chuyển biến, không ít người bệnh vẫn lao động và công tác bình thường, sinh hoạt trong cộng đồng dân cư vui vẻ, hòa thuận.
 
Ông Nguyễn Văn T ở phường Nguyễn Thái Học là một ví dụ: khi phát hiện mình bị HIV, ông đã rất buồn, càng khó khăn hơn khi xóm phố lạnh nhạt, không muốn ông đến chơi, uống chén nước, làm chung công việc. 

Khi nhận thức đã có sự thay đổi, ông T nhận được sự chia sẻ, động viên, giúp đỡ của gia đình và mọi người trong khu phố; một cơ sở gia công cơ khí trong khu dân cư đã tuyển dụng ông T vào làm việc, ông còn được chăm sóc và điều trị miễn phí... nhờ thế mà tinh thần và sức khỏe của ông T tốt lên, gia đình ông cũng êm ấm, hạnh phúc trở lại. Và rồi ông còn mạnh dạn lấy mình ra làm bài học kinh nghiệm khi nhắc nhở bọn trẻ trong phố không chơi bời sa ngã, chủ động phòng, chống HIV/AIDS.

Với sự hỗ trợ kinh phí từ các tổ chức quốc tế và từ Chính phủ, việc chăm sóc sức khỏe cho những bệnh nhân HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Yên Bái cũng thu được những kết quả rất tích cực, bệnh nhân bị mắc HIV đã đến các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh để được miễn phí điều trị, xét nghiệm, cấp thuốc điều trị ARV, 6 tháng một lần được đo tải lượng vi rút (lấy máu tại Yên Bái, thực hiện việc đo tải lượng tại Hà Nội).

Bên cạnh đó, bệnh nhân còn được khám, điều trị và cấp thuốc miễn phí các bệnh nhiễm trùng cơ hội... với chi phí không hề thấp và mang lại kết quả rất tính cực, giúp nhiều bệnh nhân HIV/AIDS sức khỏe ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Như đã nói ở trên, những kết quả trong công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Yên Bái là rất đáng mừng, tuy nhiên, nguồn lực đầu tư cho công tác này đã và đang bị cắt giảm mạnh, gây ảnh hưởng lớn đến việc ngăn chặn và đẩy lùi "căn bệnh thế kỷ” này, trước mắt là không đảm bảo nguồn kinh phí để tiến hành các xét nghiệm, mua thuốc ARV, chi phí đo tải lượng vi rút cũng như việc khám, cấp thuốc điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội khác.
 
Đứng trước vấn đề này, tỉnh cần sớm thông qua Đề án đảm bảo nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2017-2020 và Đề án Đổi mới công tác cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng điều trị Methadone và đẩy mạnh hoạt động chống lây nhiễm HIV/AIDS giai đoạn 2013 - 2020 để ngành y tế có điều kiện triển khai và thực hiện nhiệm vụ. 

Cần rà soát, phân loại số bệnh nhân HIV/AIDS để cấp hoặc khuyến khích họ mua thẻ bảo hiểm y tế, giúp họ chủ động tiếp cận với các cơ sở y tế để tiếp tục khám và điều trị bệnh.
 
Ngành y tế cần củng cố, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống HIV/AIDS, thực tế cho thấy lực lượng cán bộ y, bác sỹ được đào tạo, tập huấn làm công tác phòng chống HIV/AIDS không những không được tăng cường, bổ sung mà còn đang giảm đi nhanh chóng (Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS đã sáp nhập thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, từ chỗ 30 cán bộ, nhân viên, giờ chỉ còn 1 khoa, với 6 cán bộ, nhân viên).

Tại các huyện, thị, trước đây Trung tâm Y tế dự phòng có đội ngũ y, bác sỹ được tập huấn, đào tạo về phòng chống HIV/AIDS, giờ Trung tâm Y tế dự phòng cũng đã sáp nhập vào Trung tâm Y tế, phần lớn cán bộ y, bác sỹ đã qua đào tạo, tập huấn, giờ phải kiêm nhiệm hoặc chuyển làm công tác khác.
 
Tại cơ sở, công tác tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS cũng đang có dấu hiệu nhạt dần, những Câu lạc bộ "Đồng đẳng” không còn hoạt động, việc cấp phát bơm kim tiêm, bao cao su miễn phí cho đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao giờ chỉ còn được thực hiện tại 21/45 xã, phường trọng điểm về HIV/AIDS do Quỹ toàn cầu hỗ trợ còn các xã, phường khác không có kinh phí cho các hoạt động này.

Lê Phiên

Các tin khác

YBĐT - Từ ngày 12/10 trở lại đây, các hộ kinh doanh du lịch cộng đồng trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ nhận được điện thoại của một số người lạ giới thiệu là trưởng đoàn thẩm định tiêu chuẩn cơ sở kinh doanh đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).

BHXH tỉnh Yên Bái tham dự Hội nghị trực tuyến cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT tháng 10/2017.

YBĐT - Chiều 31/10, Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái dự Hội nghị trực tuyến cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT tháng 10/2017, do Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức. Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến tháng 9/2017, đã có 122,6 triệu hồ sơ được gửi về đề nghị thanh toán BHYT với số tiền 64 ngàn tỷ đồng, tăng 7 ngàn tỷ đồng so với tháng trước.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh.

Thảo luận tình hình kinh tế xã hội sáng 31/10, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng thế giới đã nghiên cứu và áp dụng giờ làm hợp lý. Vì vậy, Chính phủ cần nghiên cứu giờ làm của Việt Nam đã tối ưu chưa, cần sửa đổi những gì.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20 km.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục