Làm báo trong “kỷ nguyên số”
- Cập nhật: Thứ sáu, 3/11/2017 | 6:54:33 AM
YBĐT - Trong thời đại "kỷ nguyên số (KNS)” và cuộc cách mạng khoa học - công nghệ 4.0, việc cập nhật thông tin một cách nhanh chóng, liên tục, tức thời được xem là vô cùng quan trọng, là vấn đề sống còn của mỗi tờ báo. Chính điều này đã tạo nên vị thế và cuộc tranh đua của báo mạng điện tử. Tuy ra đời sau so với các loại hình báo chí khác, nhưng báo điện tử đã nhanh chóng phát triển về số lượng, chất lượng và ngày càng khẳng định được vị trí của mình trong đời sống báo chí, đời sống xã hội.
Phóng viên Phòng Báo Yên Bái điện tử trao đổi nghiệp vụ tác nghiệp.
|
Theo dự báo xu hướng mới về báo mạng điện tử ở Việt Nam hiện nay và trong những năm tiếp theo gồm 7 yếu tố (nhanh hơn, đa dạng, tương tác nhiều chiều, chuyên sâu, uy tín, sâu rộng và gắn kết với mạng xã hội). Tất cả những yếu tố này sẽ tạo nên mô hình tòa soạn hội tụ, gắn với truyền thông xã hội tức là được chia sẻ liên tục cộng đồng, cá nhân, đa chiều, đa dạng, đều này khác với báo truyền thống là kiểm duyệt, sàng lọc, hệ thống chờ đợi tin tức.
Việt Nam hiện có trên 93,4 triệu người, trong đó có 35 triệu người sử dụng Internet, có khoảng 30 triệu người sử dụng các trang mạng xã hội, phổ biến nhất là Facebook.... Chỉ cần một vài thiết bị cá nhân phổ biến như điện thoại thông minh hay máy tính bảng, thông tin và hình ảnh về một sự kiện hay nhân vật nào đó sẽ dễ dàng được đưa lên Internet và nhanh chóng lan truyền với tốc độ chóng mặt, đến khắp nơi trên thế giới chỉ trong một vài giây.
Làm gì để đáp ứng được xu thế của báo điện tử trong kỷ nguyên của công nghệ số mà vẫn đảm bảo được phương châm: nhanh - chính xác - kịp thời - đầy đủ? Trước hết, mỗi cán bộ, phóng viên của Báo Yên Bái không ngừng ra sức tự học tập về chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là kỹ thuật về quay, dựng các tác phẩm truyền hình Internet và làm chủ được công nghệ số như hiện nay.
Cùng với đó, vai trò của người biên tập luôn giữ vị trí trung tâm để xử lý và điều phối thông tin. Nếu sự phối hợp giữa phóng viên và người biên tập không nhịp nhàng thì hiệu quả không cao, không đáp ứng yêu cầu của tờ báo điện tử. Vì vậy, các biên tập viên, những người được giao và xuất bản ấn phẩm luôn đề cao tinh thần, trách nhiệm của mình. Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu làm báo theo hướng hiện đại, theo mô hình hội tụ, có thể trong vài năm tới, bạn đọc chỉ ấn vào tin bài thì có người đọc, hoặc bạn đọc chỉ nói đầu đề, tít bài thì các tin bài sẽ hiện ra và thiết bị đó có thể tự động đọc tin, bài cho mình nghe... nên chúng ta cần có kế hoạch, chiến lược và dự báo được xu thế phát triển của báo điện tử.
Tự hào là "phóng viên” của Báo Yên Bái
Đồng chí Nguyễn Phương Thùy – Phó trưởng Đài TT-TH huyện Trạm Tấu:
Báo Yên Bái từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với những cộng tác viên (CTV) vùng cao như chúng tôi. Đó không chỉ đơn giản là nơi tìm kiếm nguồn thông tin nhanh chóng, trung thực và tin cậy mà còn là một sân chơi trí tuệ, bổ ích để chúng tôi giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ các anh chị, các bạn đồng nghiệp, qua đó khẳng định năng lực, tình yêu với nghề. Hơn thế nữa, thông qua các cuộc thi của Báo Yên Bái phát động hàng năm, chúng tôi thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều. Những năm gần đây, Báo Yên Bái không ngừng đổi mới nội dung và hình thức, hấp dẫn người đọc, đặc biệt ở vùng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, Tòa soạn cũng có những hình thức thiết thực để động viên và khuyến khích những CTV vùng cao như chúng tôi. Đó là động lực để chúng tôi làm nghề.
Đồng chí Nguyễn Hồng Vân - phóng viên Đài TT-TH huyện Văn Yên:
Là một trong những cộng tác viên thường xuyên của Báo Yên Bái, được coi là "cánh tay nối dài”, là lực lượng "bám rễ” sâu trong cộng đồng, góp phần làm nên sự phong phú, sống động của Báo Yên Bái, những năm qua, tôi nhận thấy Báo Yên Bái đã rất quan tâm đến tin, bài của CTV, luôn tạo điều kiện cho đội ngũ CTV tham gia viết bài.
Quan tâm xây dựng, củng cố hệ thống mạng lưới CTV, nắm vững sở trường, thế mạnh của từng CTV để đặt bài phù hợp với từng người. Đối với chuyên trang hàng tháng, Tòa soạn Báo Yên Bái có kế hoạch triển khai cụ thể ngay từ đầu năm, định hướng chủ đề và đề tài tuyên truyền theo từng tháng; đồng thời, thường xuyên liên lạc, nhắc nhở CTV để chủ động phối hợp trong tổ chức thực hiện. Đặc biệt, đối với những sự kiện đột xuất xảy ra trên diện rộng, khi Báo Yên Bái chưa triển khai kịp lực lượng phóng viên để tác nghiệp, Tòa soạn đã liên hệ trực tiếp với CTV ở cơ sở để thực hiện và gửi các bản tin, những hình ảnh thời sự nóng hổi về Tòa soạn sớm nhất ngay sau khi sự kiện xảy ra.
Hàng năm, Báo Yên Bái tổ chức gặp mặt, khen thưởng CTV xuất sắc, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cơ bản viết báo, rút kinh nghiệm, chỉ ra mặt được, mặt chưa được của CTV, kết hợp với sự động viên, khuyến khích tinh thần vượt khó, sáng tạo của CTV. Từ đó, giúp đội ngũ CTV chúng tôi tự tin, viết đúng, viết trúng vấn đề, có thêm nhiều tác phẩm báo chí chất lượng hơn cộng tác với Báo, góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền.
Thiếu tá Nguyễn Thanh Năm – Ban Tuyên huấn, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:
Cách đây hơn 10 năm, khi bắt đầu tiếp cận với môi trường làm báo, mặc dù có chút ít kiến thức thực tiễn trong quân đội song tôi không khỏi bỡ ngỡ và có đôi chút lo lắng bởi vốn kiến thức về chuyên môn báo chí quân sự khá ít ỏi và kinh nghiệm làm báo chưa có. Ban đầu, tôi tập viết từ những tin ngắn về hoạt động của các đơn vị trong LLVT tỉnh.
Tuy nhiên, tin, bài của tôi thường phải chỉnh sửa rất nhiều. Tôi may mắn nhận được sự hướng dẫn nhiệt tình, trách nhiệm và có phần nghiêm khắc của các biên tập viên Báo Yên Bái. Qua đó, tôi đã tự tin hơn trong mỗi lần tác nghiệp và từng bước trưởng thành trong môi trường làm báo. Những tình cảm, sự trao đổi chân tình, trách nhiệm của Tòa soạn; những tin, bài được đăng tải trên Báo Yên Bái không chỉ là niềm vui mà còn là nguồn động lực cho tôi thêm yêu nghề, tâm huyết với công việc và đặc biệt cống hiến nhiều hơn trong môi trường làm báo chuyên nghiệp hiện nay.
Thiếu tá Nguyễn Cảnh Toàn – Phòng Công tác chính trị, Công an tỉnh:
Mỗi người có một cách đến với nghề báo. Mặc dù không được đào tạo chuyên ngành về báo chí nhưng do đặc thù công việc và từ ham thích đọc báo, được trải nghiệm sau những chuyến đi, tôi đến với nghề viết như một cái duyên. Nhanh chóng vượt qua bỡ ngỡ ban đầu, tôi tự tin hơn trong những lần đi tác nghiệp. Với người cầm bút, không gì vui hơn khi tác phẩm của mình được đăng tải rộng khắp, được độc giả đón nhận. Gần 20 năm làm CTV, tôi dần tích lũy được kinh nghiệm, trưởng thành hơn qua từng bài viết mới. Là cộng tác viên chuyên trang an ninh ninh trật tự của Báo Yên Bái, tôi luôn ý thức được trách nhiệm của mình trong nội dung thông tin mỗi bài báo.
Đối với mỗi sự việc, tôi đều tìm hiểu kỹ càng, khách quan để có những thông tin chính xác. Tôi tích cực tìm kiếm đề tài mới, cách viết mới; đồng thời, tự tìm đọc những ấn phẩm báo chí, tự học các kỹ năng viết tin, bài để trau dồi kiến thức, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho bản thân. Bên cạnh đó, việc học hỏi, tích lũy kinh nghiệm từ những người làm báo đi trước cũng rất quan trọng. Nhờ đó, những bài viết của tôi ngày càng trưởng thành hơn.
Mặc dù công việc cộng tác viên với Báo có nhiều vất vả nhưng tôi thấy mình được rèn luyện, trưởng thành hơn trong cả cách nghĩ, việc làm đến tác phong ứng xử trong cuộc sống. Dẫu biết rằng phía trước còn nhiều gian nan nhưng tôi cùng những đồng nghiệp đang công tác tại Đội Tuyên truyền, Phòng Công tác chính trị, Công an tỉnh sẽ luôn cố gắng và nỗ lực để có những tác phẩm báo chí chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả Báo Yên Bái. |
Các tin khác
YBĐT - Trận mưa lũ lịch sử vừa xảy ra tại thị xã Nghĩa Lộ đã làm thiệt hại nặng nề không chỉ về đời sống, sản xuất mà còn cả về chăn nuôi.
YBĐT - Đến ngày 30/9/2017 Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Yên Bái đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ và chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, trước yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong những tháng cuối năm rất cấp bách đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực phấn đấu và có những giải pháp hữu hiệu để hoàn thành toàn diện và vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước năm 2017.
Trong cuộc họp ứng phó với bão và mưa lũ sáng 2/11, tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đã chỉ đạo các địa phương chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành cơn bão số 12 thực hiện nghiêm Công điện số 1659 ngày 1/11 của Thủ tướng Chính phủ và các Công điện số 84, 85 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.
Sáng nay 2-11 áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, cơn bão thứ 12 và có tên quốc tế là Damrey. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/h), giật cấp 10.