Theo đánh giá của Bộ Y tế, tình trạng côn đồ, người nhà bệnh nhân hành hung cán bộ, nhân viên y tế khi đang làm nhiệm vụ tại các cơ sở KCB có chiều hướng gia tăng đáng báo động. Chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay, cả nước đã xảy ra hàng chục vụ gây rối, mất an ninh bệnh viện rất nghiêm trọng, cho tới tấn công đe dọa tính mạng cán bộ, nhân viên y tế. Dù chưa bị hành hung nhưng chuyện các y, bác sỹ Yên Bái bị bệnh nhân và người nhà bệnh nhân lăng mạ xảy ra như "cơm bữa”, rất nhiều bác sỹ và điều dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện thành phố Yên Bái hay Bệnh viện Đa khoa Hữu Nghị 103 đều cho biết: "Khi chăm sóc cho bệnh nhân có tính côn đồ, chúng tôi rất lo lắng. Việc chưa bị đánh cũng chỉ may mắn hoặc do lực lượng bảo vệ có mặt kịp thời”.
Bác sỹ Trịnh Thị Thu Hoài - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ: "Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đến các cơ sở y tế phải tôn trọng cán bộ y tế. Hơn nữa, họ phải tin tưởng các y, bác sỹ khi đang nỗ lực cứu chữa cho họ hoặc người thân của họ nhưng không ít người luôn đòi hỏi mình phải được ưu tiên hơn người khác. Họ còn tìm cách gây áp lực rất vô cớ... Họ làm vậy không những vi phạm pháp luật mà còn cản trở, gây khó khăn cho cán bộ, nhân viên. Chưa kể, quá trình thực hiện các thủ thuật trong trạng thái tâm lý lo sợ thì ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến kết quả và chất lượng công việc”.
Bác sỹ Thu Hoài dẫn chứng một số vụ việc mới xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Mới đây, tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, có bệnh nhân được chẩn đoán là sốc nhiễm khuẩn có suy gan, thận, được chỉ định lọc máu cấp cứu (bình thường khi bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng có chỉ định lọc máu cấp cứu). Trong quá trình lọc máu, bệnh nhân bị sốc tụt huyết áp do một lượng máu lớn trong cơ thể phải đưa ra ngoài để lọc và sau khi lọc lại được truyền lại; đồng thời, bệnh nhân được truyền thêm albumin do trong quá trình lọc một lượng lớn albumin trong cơ thể bị mất đi.
Trong lúc các cán bộ y tế đang tập trung cấp cứu, người nhà đứng ngoài phòng lọc máu chửi bới thậm tệ. Nhiều người còn dọa đánh, dọa giết, dọa kiện cáo này nọ. Ngày 25/10/2017, bệnh nhân Ngô Ngọc Phong vào Khoa Cấp cứu được chẩn đoán: xuất huyết tiêu hóa nặng do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản/bệnh nhân xơ gan. Kíp trực phải nỗ lực hết sức để giữ lại mạng sống cho bệnh nhân gồm: thở oxy, theo dõi mạch huyết áp bằng monitor, đặt sonde dạ dày bơm rửa bằng nước lạnh và bơm adrenalin vào dạ dày để cầm máu, điều trị thuốc kháng sinh, giảm tiết axit dạ dày, xét nghiệm cấp cứu... Thay vì người nhà phải cách ly khỏi bệnh nhân thì rất đông người lao vào vừa chửi vừa dọa.
Trước tình trạng kể trên, nhiều cơ sở KCB đang triển khai hàng loạt các biện pháp để bảo vệ nhân viên của mình như: phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an, thiết lập đường dây "nóng” để nắm bắt tình hình và ứng phó khi có tình huống xảy ra.
Các bệnh viện đều củng cố, tăng cường lực lượng bảo vệ, nhất là thuê các công ty vệ sỹ về bảo vệ mục tiêu, giữ gìn trật tự an ninh; lắp đặt camera an ninh và cố gắng sắp xếp, bố trí bác sỹ, điều dưỡng trực đêm là nam giới. Cán bộ y tế luôn động viên nhau mềm mỏng hoặc cương quyết để bảo đảm an toàn tính mạng của bản thân và yên tâm làm việc.
Điều dưỡng Nguyễn Thúy Hằng - Bệnh viện Đa khoa Hữu Nghị 103 cho biết: "Đêm hôm chỉ có hai chị em ở phòng cấp cứu cũng thấy rất lo. Nhiều hôm bệnh nhân tai nạn hoặc đánh nhau vỡ đầu, chảy máu vào viện cấp cứu với thái độ rất hung hăng, chị em chúng tôi rất sợ.
Rất may, Bệnh viện đã thuê vệ sỹ. Hơn nữa, mấy anh bảo vệ chuyên trách cũng tích cực nên chúng tôi chưa lần nào bị đánh như ở các bệnh viện khác”. Bên cạnh tình trạng bị đánh, bị lăng mạ, cán bộ y tế đang phải chịu áp lực rất lớn khi người nhà bệnh nhân và cả bệnh nhân vào viện mà cứ kè kè điện thoại quay video, chụp hình, sẵn sàng tung lên mạng. Chỉ cần một lỗi nhỏ, có khi không một lỗi lầm gì mà họ vẫn tung lên. Cộng đồng mạng không biết đúng sai thi nhau bình luận.
Trước vấn nạn hành hung, lăng mạ, bôi nhọ đội ngũ cán bộ y tế kể trên, ngành y tế cần có những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ cán bộ của mình; cần kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng lực lượng bảo vệ và có phương án bảo vệ hiệu quả; đề cao hơn nữa trách nhiệm của công ty vệ sỹ. Công luận cũng cần lên án mạnh mẽ, pháp luật phải xử lý nghiêm minh những hành vi coi thường pháp luật, ngang nhiên đánh đập, lăng mạ cán bộ y tế ngay tại các bệnh viện.
Lê Phiên