Văn Yên có khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa hè nóng, ẩm, mưa nhiều, mùa đông lạnh và khô. Đặc biệt, huyện có khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, nơi có thảm thực vật phong phú, khí hậu thổ nhưỡng thích hợp với nhiều loại cây thuốc, cái loài dược liệu quý hiếm. Trước hết là cây quế - loại cây được người dân trồng từ lâu đời gắn liền với sự phát triển kinh tế, xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là người Dao. Hiện, thu nhập từ cây quế đã trở thành một trong những nguồn thu nhập chính của người dân địa phương.
Bên cạnh cây quế, Văn Yên còn có rất nhiều loại cây khác như: thảo quả, đinh lăng, gừng, nghệ vàng, sả, cà gai leo, dây kim ngân, kim tiền thảo... là những loại cây được nhân dân trồng, sử dụng rất nhiều vừa làm thuốc, vừa làm gia vị. Văn Yên còn có các loại cây thuốc chủ yếu khai thác trong tự nhiên như: thổ phục linh, thiên niên kiện, một rễ, hoài sơn, cối xay, dây gắm, sa nhân, kê huyết đằng, hoàng tinh, lan kim tuyến, lá hôi, dạ cẩm, hà thủ ô...
Đây cũng là nguồn nguyên liệu giúp người dân với kinh nghiệm y dược có thể sản xuất một số loại cây dược liệu từ khâu trồng, chăm sóc, bảo vệ, khai thác và tiêu thụ sản phẩm phát triển kinh tế.
Từ tiềm năng này, những năm qua, huyện đã vận động nhân dân trồng và sử dụng thuốc nam tại cộng đồng, vừa làm cây cảnh vừa làm rau ăn có tác dụng chữa các bệnh thông thường, không gây tốn kém và đạt hiệu quả cao. Đến nay, Văn Yên đã có 387 vườn thuốc trồng; trong đó, có 23 vườn trồng tại trường học, 27 vườn trồng tại trạm y tế, công sở, 335 vườn ở nhà các hội viên.
Bác sỹ Đặng Hồng Hường - Chủ tịch Hội Đông y huyện Văn Yên cho biết: do có thuận lợi lớn là trên địa bàn có nhiều loại cây thuốc nam và gần 20 bài thuốc gia truyền nên thời gian qua, Văn Yên luôn khuyến khích phát triển nuôi trồng, sản xuất dược liệu từ nguồn tại chỗ, góp phần cung ứng dược liệu cho việc chữa bệnh và chế biến thuốc y học cổ truyền. Khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng thuốc nam, thuốc dân gian, thuốc gia truyền để phục vụ khám, chữa bệnh. Năm 2017, ước tổng số dược liệu thuốc nam của huyện đạt 40.674 kg.
Trong năm, trên địa bàn huyện có 52.343 lượt bệnh nhân khám và điều trị y học cổ truyền; trong đó, có 35.231 lượt người khám tại cơ sở y tế, 17.112 lượt người khám tại ông lang bà mế, 1.550 lượt người khám chữa bệnh bằng phương pháp không dùng thuốc.
Tỷ lệ khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền đạt khoảng 30% trong tổng số người khám chữa bệnh chung của huyện. Mặc dù được sự quan tâm của các cấp chính quyền, nhân dân đã có kinh nghiệm, tập quán sản xuất một số loại cây dược liệu từ khâu trồng, chăm sóc, bảo vệ, khai thác và tiêu thụ sản phẩm, nhưng trong phát triển cây dược liệu trên địa bàn gặp phải không ít khó khăn.
Ở Văn Yên, hiện tại vẫn đang ở mức nhỏ lẻ, tự phát là chủ yếu, còn khai thác cây dược liệu có quy mô lớn hầu như chưa có. Ngoài cây quế người dân chủ yếu khai thác cây thuốc theo cách tự nhiên. Bên cạnh đó, tình trạng khai thác dược liệu bừa bãi, thiếu quy hoạch quản lý, bảo tồn, khiến nguồn dược liệu quý hiếm cạn kiệt, nguồn dược liệu ngày càng khan hiếm, chưa đảm bảo tính ổn định, khó kiểm soát được chất lượng thuốc.
Hơn nữa, việc nuôi trồng nguồn dược liệu quý của người dân chủ yếu tự phát, manh mún, còn với những doanh nghiệp thì thiếu những mô hình, quy hoạch, định hướng phát triển, giao thông đi lại khó khăn, nên ảnh hưởng lớn đến trồng, khai thác cây dược liệu có quy mô lớn. Chưa có các giải pháp và hoạt động hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân trong việc sử dụng thuốc nam và các phương pháp không dùng thuốc để phòng và chữa bệnh, công tác xã hội hóa y học cổ truyền chưa được đẩy mạnh...
Để phát triển ngành dược liệu, không chỉ giúp xóa đói, giảm nghèo mà còn giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu, các cấp, ngành cần nhận thức đúng về giá trị kinh tế của dược liệu và cây thuốc không chỉ phục vụ cho sản xuất thuốc chữa bệnh, mà còn là loại cây trồng có khả năng tham gia chuyển dịch cơ cấu cây trồng, sản xuất hàng hóa nâng cao giá trị kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững.
Cần đẩy mạnh chính sách thu hút đầu tư của các doanh nghiệp dược trong và ngoài tỉnh để phát huy lợi thế về rừng và đất rừng trong hoạt động bảo tồn, khoanh nuôi, trồng và thu hái, chế biến dược liệu, sản xuất hàng hóa dược liệu, thuốc y học cổ truyền tại Văn Yên. Điều tra, đánh giá đúng thực trạng sử dụng tài nguyên rừng và đất rừng để có chính sách cụ thể phát triển theo vùng dược liệu, cây thuốc nam của Văn Yên…
Thành Trung