Kiểm soát dịch vụ y tế cung cấp giới tính thai nhi ở Yên Bái: Còn nhiều khó khăn
- Cập nhật: Thứ ba, 16/1/2018 | 7:14:15 AM
YênBái - YBĐT - Rất khó để phát hiện vi phạm tại các cơ sở y tế có hành vi chẩn đoán giới tính thai nhi, bởi không bác sĩ nào nói thẳng giới tính hoặc thể hiện trên giấy tờ, trên kết quả siêu âm mà có thể là trao đổi riêng...
Mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh.
|
Bà Hà Thị Mộng Hoài: Tỉnh Yên Bái bắt đầu MCBGTKS từ năm 2009 với tỷ lệ bé trai là 107-108/100 bé gái, bình thường là 103-106 bé trai/ 100 bé gái). Từ năm 2011 đến nay, tỷ số GTKS toàn tỉnh có xu hướng tăng, dao động trong khoảng từ 110-112 bé trai/ 100 bé gái. Năm 2017, tỷ số này là 111,8%, tương đương với mức chung toàn quốc. MCBGTKS xảy ra ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố. Một số huyện có tỷ số GTKS ở mức cao > 112 như Lục Yên, thành phố Yên Bái, Trấn Yên.
P.V: Theo bà, lựa chọn giới tính thai nhi có phải là một trong những yếu tố căn bản dẫn tới tình trạng MCBGTKS?
Bà Hà Thị Mộng Hoài: Đúng vậy. Thực tế, không ít gia đình đã dùng mọi cách để lựa chọn giới tính trước khi sinh bằng nhiều phương pháp khác nhau. Những phương pháp lựa chọn giới tính được áp dụng nhiều như: tìm đọc các loại sách, các mẹo ăn gì để sinh con trai, từ kinh nghiệm dân gian như thụ thai tháng nào thì có con trai hay con gái hoặc hiện đại hơn là tính ngày rụng trứng, siêu âm để biết thời điểm trứng rụng… Với trình độ y học, khoa học công nghệ phát triển như hiện nay, việc lạm dụng kỹ thuật siêu âm để chẩn đoán giới tính thai nhi đang diễn ra phức tạp, gây khó khăn trong việc ổn định tỷ số GTKS theo quy luật tự nhiên.
P.V: Như đã nói, việc lạm dụng yếu tố khoa học, trình độ y học, đặc biệt là sử dụng dịch vụ siêu âm để xác định và lựa chọn giới tính trước khi sinh đang diễn ra. Vậy, vấn đề này hiện nay được ngành chức năng kiểm soát như thế nào, thưa bà?
Bà Hà Thị Mộng Hoài: Phải nói rằng, công tác kiểm soát các cơ sở dịch vụ y tế liên quan đến vấn đề lựa chọn giới tính thai nhi là vấn đề rất khó khăn. Rất khó để phát hiện vi phạm tại các cơ sở y tế có hành vi chẩn đoán giới tính thai nhi, bởi không bác sĩ nào nói thẳng giới tính hoặc thể hiện trên giấy tờ, trên kết quả siêu âm mà có thể là trao đổi riêng, dùng những ký hiệu, ám hiệu chỉ người nhà sản phụ hiểu được, trong khi muốn xử lý được đòi hỏi phải có bằng chứng, chứng cứ rõ ràng.
P.V: Cụ thể việc thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở y tế liên quan đến việc tác động MCBGTKS trên địa bàn tỉnh thời gian qua như thế nào, thưa bà?
Bà Hà Thị Mộng Hoài: Thời gian qua, hoạt động thanh tra việc thực hiện quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi tại các cơ sở y tế đối với tuyến tỉnh chưa được thực hiện. Đối với tuyến huyện, một số trung tâm DS-KHHGĐ huyện, thị xã, thành phố như Lục Yên, thị xã Nghĩa Lộ... đã phối hợp với phòng y tế tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất, thường xuyên đối với các cơ sở y tế, phòng khám cung cấp dịch vụ KHHGĐ, siêu âm.
P.V: Những hạn chế này có khó khăn nào xuất phát từ yếu tố chủ quan không, thưa bà?
Bà Hà Thị Mộng Hoài: Chức năng thanh tra chuyên ngành DS - KHHGĐ được quy định tại Nghị định 122/2014/NĐ-CP ngày 25/12/2014 về tổ chức và hoạt động của thanh tra y tế. Nội dung thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực DS-KHHGĐ quy định tại chương III, điều 19, trong đó khoản 3 quy định: Thanh tra việc thực hiện quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức; các quy định của pháp luật để đảm bảo cân bằng giới tính theo quy luật sinh sản tự nhiên.
Trên thực tế, công chức đã được đào tạo tập huấn, cấp chứng chỉ thanh tra chuyên ngành mới có 3 người. Hiện, đang chờ giao nhiệm vụ thanh tra cho Chi cục DS-KHHGĐ theo chức năng chung của Chi cục; Sở Y tế đang trình.
P.V: Vậy, bà có thể cho biết những khó khăn này sẽ được khắc phục như thế nào để thực hiện tốt việc phối hợp thanh tra, kiểm tra và phát hiện, xử lý vi phạm lựa chọn giới tính thai nhi?
Bà Hà Thị Mộng Hoài: Trong thời gian tới, Chi cục sẽ tiến hành kiện toàn tổ chức hoạt động thanh tra chuyên ngành theo hướng thành lập bộ phận thanh tra thuộc Phòng Kế hoạch - Tổ chức - Hành chính và Tài vụ; tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành; nâng cao kiến thức, hiểu biết về quy định chuyên môn cho cán bộ làm công tác thanh tra của đơn vị nhằm nâng cao hiệu quả tham mưu tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
P.V: Xin cảm ơn bà!
Thu Hạnh (thực hiện)
Các tin khác
YBĐT - Sau khi được thụ hưởng Dự án "Hỗ trợ y tế các tỉnh đồng bằng sông Hồng và Đông Bắc Bộ”, Trung tâm Y tế (TTYT) Mù Cang Chải đã tập trung nâng cấp trang thiết bị y tế, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cao năng lực quản lý và cải tiến chất lượng bệnh viện.
YBĐT - Đến xã Hát Lừu trong những ngày này, không khí chuẩn bị đón xuân, đón tết tràn ngập, không ai còn nhận ra đây là vùng đất tan hoang trong bão lũ cách đây gần 3 tháng.
YBĐT - Lực lượng Công an thành phố sẽ đánh mạnh đối tượng sử dụng "vũ khí nóng”, hung khí, vật liệu nổ để gây án, siết nợ, đòi nợ thuê, gây rối trật tự công cộng.
YBĐT - Năm 2017, huyện Lục Yên đã giải quyết việc làm cho 2.740 lao động, vượt 1,5% so với kế hoạch, trong đó xuất khẩu lao động là 161 người.