Sau 5 năm "ăn chung một tết”, đồng bào Mông xã Túc Đán (Trạm Tấu) không chỉ thấy tốt hơn, vui hơn vì được giao tiếp với nhiều bạn bè ở các địa phương khác, vì con cái đi học xa đều về đoàn tụ đông đủ mà còn vui vì hoạt động sản xuất vụ đông xuân cũng đã có nhiều chuyển biến, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên.
Theo đó, tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018 này là năm thứ 6, Đảng ủy, chính quyền xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con duy trì "ăn chung một tết” với tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam để không chỉ mọi nhà, mọi thôn có một cái tết đoàn kết mà còn nhằm duy trì các hoạt động sản xuất, học tập... ngày một tốt hơn.
Là xã vùng cao, đặc biệt khó khăn của huyện Trạm Tấu, Túc Đán có 7 thôn, trên 560 hộ với trên 3.290 nhân khẩu, trên 90% là đồng bào Mông. Trước những năm 2010, cũng giống như đồng bào Mông ở nhiều xã khác trên địa bàn huyện, đồng bào Mông nơi đây cũng ăn tết Mông thời điểm trước tết Nguyên đán một tháng.
Bởi vậy, việc ăn tết trước đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc học tập của con em, cũng như lao động sản xuất vụ đông xuân. Thực hiện chủ trương của tỉnh về việc vận động đồng bào Mông "ăn chung một tết” Nguyên đán, từ năm 2012, Đảng ủy, chính quyền xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân "ăn chung một tết”.
Anh Vàng A Giàng - Phó Chủ tịch UBND xã Túc Đán cho biết: "Việc thực hiện "ăn chung một tết” ở xã năm nay đã bước sang năm thứ 6 rồi, bà con đều chấp hành rất tốt. Song việc thực hiện "ăn chung một tết” chỉ ở Yên Bái, còn ở các tỉnh khác như: Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình... vẫn còn ăn tết Mông truyền thống, mà bây giờ công nghệ thông tin hiện đại và phổ biến, lớp trẻ người nào cũng có điện thoại thông minh rất nhiều hình ảnh, video ăn tết, vui chơi tết ở các tỉnh bạn nên cũng tác động ít nhiều tới tâm lý bà con, nhất là lớp trẻ. Bởi vậy, hàng năm vào dịp chuẩn bị đến tết cổ truyền của dân tộc, chúng tôi luôn quan tâm phân công, chỉ đạo cán bộ, đảng viên chủ động kết hợp lồng ghép trong các buổi sinh hoạt tuyên truyền, vận động bà con thực hiện chỉ ăn tết Nguyên đán đồng thời tập trung sản xuất để đảm bảo vụ đông xuân được tiến hành theo đúng khung lịch thời vụ, cũng như chuẩn bị lương thực thực phẩm… để đón tết Nguyên đán”.
Theo đó, hiện nay, tranh thủ trước tết Nguyên đán, ở các bản nhân dân chủ động sửa chữa kênh mương dẫn nước về ngâm ruộng, cày bừa làm đất, phát dọn thực bì nương rẫy... để sau tết Nguyên đán bắt tay vào cấy lúa, trồng ngô.
Anh Mùa A Chống - Trưởng thôn Tà Chử cho biết: "Thôn Tà Chử có 46 hộ dân, trước đây 100% là hộ nghèo, mấy năm qua nhờ thực hiện "ăn chung một tết”, gieo cấy vụ đông xuân được thuận lợi, diện tích không ngừng được tăng lên nên đời sống nhân dân đã từng bước được cải thiện. Riêng vụ xuân năm 2018, thôn Tà Chử sẽ gieo cấy trên 10 ha ruộng và hơn chục héc-ta ngô cùng một số diện tích rau màu khác. Hiện tại, người dân đã tiến hành làm đất chờ xã phát giống là tiến hành làm mạ, gieo cấy”.
Không riêng thôn Tà Chử mà tại các thôn khác không khí sản xuất vụ xuân đều đã rất sôi động. Nhà nhà, người người đã nhận thức được việc ăn tết trước là không phù hợp với điều kiện thực tế lao động, sản xuất của gia đình, địa phương và việc học tập của con em mình nên bà con ai nấy đều rất yên tâm lao động, sản xuất, chờ đón tết chung.
Cho đến nay, toàn xã đã gieo cấy vụ xuân đạt trên 80 ha lúa nước, trên 156 ha ngô và trồng trên 10 ha rau màu; tỷ lệ học sinh hoàn thành cấp học đạt trên 88%, tỷ lệ chuyên cần đạt trên 93%, chất lượng giáo dục toàn diện cũng nhờ đó được nâng lên qua từng năm. Đặc biệt, dịp tết Mông cũng thường trùng vào khoảng thời gian hay xảy ra rét đậm, rét hại nên mấy năm nay, nhờ "ăn chung một tết”, bà con đã có thời gian quan tâm đến cây trồng và vật nuôi của gia đình vì thế mà giảm đáng kể thiệt hại về kinh tế do thời tiết gây ra.
Châu Á