Khi dân mến, dân tin

  • Cập nhật: Thứ năm, 8/2/2018 | 3:47:12 PM

YBĐT - Tăng cường tổ công tác về các xã trọng điểm là một chủ trương hết sức đúng đắn của Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh. Sau 7 năm triển khai thực hiện, đã có hàng chục tổ tăng cường với các thành viên là cán bộ, chiến sỹ các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh, đội nghiệp vụ công an huyện Trấn Yên đã về các thôn, bản vùng sâu, vùng xa để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Mông, Thái...

Cán bộ tổ tăng cường công tác về thăm lại gia đình anh Giàng A Sáu.
Cán bộ tổ tăng cường công tác về thăm lại gia đình anh Giàng A Sáu.

Chúng tôi may mắn được cùng Thượng tá Nguyễn Thành Phương và Thiếu tá Lê Trung Thành về bản Đồng Ruộng, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên vào một ngày đầu xuân đẹp nắng. Đường xa và rất khó đi nhưng tôi háo hức lắm vì các bạn an ninh đều bảo: "Nơi ấy chứa đựng những kỷ niệm đẹp của người chiến sỹ an ninh khi được dân mến, dân tin”.
 
Đường về Đồng Ruộng đèo dốc, quanh co theo những ngọn đồi, lưng núi, thấp thoáng rừng keo, quế và tre măng Bát độ, những làng bản người Tày, người Dao hay người Kinh miền xuôi lên Y Can, Kiên Thành định cư đã đầm ấm và sung túc. Xe lướt nhẹ dưới tán rừng tre Bát độ, Thượng tá Nguyễn Thành Phương mở đầu câu chuyện "tăng cường cơ sở” của mình. Tháng 4/2013, tổ tăng cường cơ sở của Công an tỉnh, gồm 7 anh em, trong đó 5 người từ Công an tỉnh và 2 đồng chí từ Công an huyện Trấn Yên được cử về xã Kiên Thành.
 
Nhận lệnh, anh em hăng hái lên đường dù trong lòng cũng không ít lo lắng vì 4 tháng trước mắt là phải xa nhà, sinh hoạt thiếu thốn, tiếp đó là yêu cầu kết quả công việc rất cao, trong khi nhiều nhiệm vụ mới mẻ, khác xa với chức trách, nhiệm vụ thường xuyên thực hiện nhưng được sự quan tâm, giúp đỡ của Phòng PV28, Công an tỉnh của Công an huyện Trấn Yên và cấp ủy, chính quyền địa phương, anh em trong tổ công tác đều quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Khảo sát, nắm bắt, đánh giá tình hình địa bàn, xây dựng kế hoạch... tất cả đều phải cụ thể, chi tiết và chính xác nhất, rồi những buổi họp thôn, bản để phát động Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được triển khai. Mô hình "3 không, 2 giảm, 2 giữ” được xây dựng...

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ tăng cường lúc ấy xác định đó là thu nộp vũ khí, vật liệu nổ. Lời hơn, lẽ thiệt được cán bộ công an phân tích cụ thể tại các buổi họp thôn, ai cũng hiểu ra cái sai, cái nguy hiểm của khẩu súng nhưng không phải ai cũng sẵn sàng giao nộp "vật bất ly thân”, "của gia bảo”... Kiên trì vận động, bước đầu, hàng chục khẩu súng đã được giao nộp, tạo ra hiệu ứng rất tích cực. Tuy nhiên, súng vẫn còn trong dân, đặc biệt là súng quân dụng - đó là nhận định của tổ công tác và cũng là thông tin mà anh em nắm được.
 
Qua xác minh cho thấy, ông Giàng A Sáu là người đã từng đi săn bằng súng quân dụng CKC nhưng mấy năm nay vì ít thú rừng và sợ bị bắt nên không ai nhìn thấy ông Sáu đeo súng lên rừng nữa. Đồng Ruộng được xác định là thôn phát động tập trung Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, thêm chuyện "khẩu súng quân dụng” nữa nên cả 2 cán bộ Nguyễn Thành Phương và Lê Trung Thành cùng cuốc bộ lên bản, chọn đúng nhà Giàng A Sáu ở nhờ. Nhiều phần việc được triển khai ngay tại cơ sở, những buổi đi nương, vác củi, làm đồng, rồi thái độ kính già, mến trẻ của chiến sỹ an ninh được dân bản quý mến như người thân.
 
Thiếu tá Lê Trung Thành kể lại: "Khi tình cảm anh em đã mật thiết, anh Sáu đã thực sự tin tưởng rằng, nộp súng sẽ không có tội mà còn được biểu dương, tôi mới lựa lời hỏi: Anh còn giữ súng phải không? Giữ thì nên đem nộp, bởi tàng trữ vũ khí quân dụng là phạm pháp, hơn nữa, súng mà lọt vào tay kẻ xấu thì rất nguy hiểm. Nghe nói vậy, A Sáu nghĩ ngợi một lúc rồi hỏi lại: Nộp súng thật sự không sao chứ?
 
Tôi gật đầu xác nhận, anh nắm chặt tay tôi nói tiếp: Vậy sáng mai anh nộp súng cho em. Dưới ánh trăng khuya vằng vặc, tôi nhận ra ánh mắt tin tưởng và vẻ mặt rạng rỡ của anh Sáu khi cởi bỏ được nỗi dằn vặt, lo âu trong lòng. Sáng hôm sau, anh Sáu mở tủ lấy khẩu súng trường CKC giao nộp cho tổ công tác”.

Câu chuyện Giàng A Sáu nộp súng quân dụng cho công an mà không bị xử lý lan truyền rất nhanh khắp thôn, khắp xã. Nhiều người mới tháng trước còn mang súng lên rừng giấu, giờ lấy về mang nộp, không ít khẩu súng kíp bóng loáng, theo người Mông, người Tày cả mấy chục năm, giờ cũng được đem nộp cho công an.
 
"Ông A Vừ còn một khẩu súng tiểu liên nhưng ông vẫn sợ, không đem nộp” là thông tin mà bà con cung cấp cho tổ công tác. Chiều ấy, Thiếu tá Thành tới thăm nhà ông Vừ. Bữa cơm măng ớt cay nồng được dọn ra, chuyện trồng quế, trồng tre măng Bát độ, chăn trâu, nuôi lợn...
 
Chuyện nào ông Vừ cũng hưởng ứng rôm rả, đến chuyện sử dụng trái phép vũ khí là nguy hiểm và phạm pháp thì ông Vừ kém hưởng ứng. Rồi ba, bốn hôm sau, lúc anh em trong tổ tăng cường tới nhà ông Vừ chơi, khi thì mời ông sang nhà ông Sáu cùng ăn cơm, uống nước... Chuyện trò qua lại, hơn 1 tuần sau, Thiếu tá Thành nhờ anh A Sáu vận động A Vừ nộp súng.
 
Anh Sáu vui vẻ nhận lời. Tối hôm ấy, vợ chồng anh chị Sáu, hai cán bộ công an và ông A Vừ ngồi quây quần bên mâm cơm, anh Sáu thủng thẳng bằng tiếng Kinh: "A Vừ có khẩu súng, anh nộp cho cán bộ đi. Để cũng chẳng làm gì mà nguy hiểm, mình nộp rồi mà có ai bắt mình đâu”.
 
Tiếp lời, cả cán bộ Phương và cán bộ Thành cùng động viên ông Vừ đem nộp và cam kết, ông không mắc tội. Được động viên, ông Vừ nói lớn: "Bôi mỡ, quấn nilon, đào sâu, chôn chặt rồi; mai mình sẽ đào về, đem nộp” và ông Vừ đã thực hiện đúng lời hứa, khẩu tiểu liên báng gấp K63 của ông là khẩu súng thứ 72 mà tổ tăng cường công tác đã vận động, tuyên truyền để bà con thu nộp được trong thời gian công tác, góp phần hoàn thành toàn diện nhiệm vụ đề ra.

Chuyện của Thượng tá Nguyễn Thành Phương kết thúc khi xe ô tô vượt qua suối Rào để táp vào hiên nhà Giàng A Sáu, như những người ruột thịt lâu ngày trở về, vợ chồng A Sáu, lũ trẻ cùng mấy bác hàng xóm ùa ra đón khách. Họ ôm nhau, bắt tay, hỏi han mừng mừng, tủi tủi.

Lê Phiên

Các tin khác

YBĐT - Trong tâm thức người Việt, tục thả cá chép phóng sinh trong ngày tết ông Công, ông Táo vốn là một lễ tục đẹp, mang nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, thả cá thế nào để vừa mang ý nghĩa tâm linh vừa với mục đích tái tạo nguồn lợi và bảo vệ môi trường là điều mà không phải ai cũng ý thức đầy đủ.

Quang cảnh buổi làm việc.

YBĐT - Ngày 8/2, UBND tỉnh tổ chức họp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh lần thứ I, năm 2018. Đồng chí Dương Văn Tiến – Phó Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh chủ trì cuộc họp.

Học sinh Mù Cang Chải trên đường tới lớp. (Ảnh: Minh Huyền)

YBĐT - Cô giáo Yến bảo: "Mình nhớ ngày trước cứ mỗi dịp năm học mới nhà trường phải tổ chức đi vận động học sinh đến trường, nhưng bây giờ đến bản có phụ huynh còn bảo sao bọn trẻ nghỉ học lâu thế, cô mở trường cho chúng nó đi học đi!”. 

Bệnh viện Hữu nghị 103 luôn được nhân dân tin tưởng, lựa chọn để khám chữa bệnh.

YBĐT - Năm 2018 này ghi dấu 10 năm sự ra đời và phát triển của Bệnh viện Hữu Nghị - 103 Yên Bái - bệnh viện tư nhân đầu tiên trong khu vực Tây Bắc, nơi tập hợp nhiều cán bộ, y bác sỹ giỏi, cùng cơ sở vật chất khang trang và những trang thiết bị hiện đại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục