Đổi thay Tà Xi Láng

  • Cập nhật: Thứ tư, 14/3/2018 | 8:30:18 AM

YBĐT - Thay vì phải mất gần ngày đường như trước, nay chỉ đi hơn một giờ đồng hồ là đến Tà Xi Láng vì đường đã được đổ bê tông đến trung tâm xã. 

Lãnh đạo huyện Trạm Tấu đến thăm Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Tà Xi Láng.
Lãnh đạo huyện Trạm Tấu đến thăm Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Tà Xi Láng.

Xã Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu có 333 hộ, với 1.896 nhân khẩu, 100% là đồng bào Mông, sinh sống. Trước đây, mỗi khi nhắc đến xã vùng cao đặc biệt khó khăn này, người ta thường nghĩ đến hình ảnh về sự đói nghèo đồi núi hoang vu, dân cư thưa thớt… Nhưng nay, đời sống của bà con đang từng bước thay đổi nhờ sự quan tâm đầu tư theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước và nội lực vươn lên của chính người dân nơi đây.

Bởi thế, thay vì phải mất gần ngày đường như trước, nay chỉ đi hơn một giờ đồng hồ là đến Tà Xi Láng vì đường đã được đổ bê tông đến trung tâm xã. Ông Thào A Tông - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: "Trước kia, con đường đất lên Tà Xi Láng có nhiều đá tai mèo sắc nhọn. Khi trời mưa to, đường lầy lội, trơn trượt, xã dường như bị cô lập, xe ô tô gầm cao cũng không thể lên được, đi bộ thì mất gần nửa ngày trời, còn nếu lên bằng xe máy cần phải quen đường và vững tay lái lắm mới đi được. Bây giờ, đường đã được Nhà nước đầu tư đổ bê tông, đó là điều trước đây trong mơ bà con cũng không dám nghĩ tới...”.
 
Vài năm trở lại đây, nhờ được hưởng lợi từ các dự án, chương trình đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số mà cuộc sống của bà con nơi đây đã vơi bớt nhọc nhằn. Vào mùa giáp hạt, xã không còn hộ đói vì đồng bào đã trồng ngô 2 vụ thay vì trồng 1 vụ như trước kia bằng những giống ngô lai cho năng suất, chất lượng cao. Ngoài ra, bà con còn được cán bộ khuyến nông hướng dẫn trồng thêm nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao.
 
Năm 2017, diện tích cây lương thực có hạt của toàn xã là 720,8 ha, tăng 2,8 ha so với năm 2016, sản lượng lương thực đạt trên 2.200 tấn. Chăn nuôi những năm gần đây không ngừng phát triển, với trên 2.000 con trâu, bò. Bà con còn tích cực phát triển rừng trồng và 2 năm gần đây toàn xã đã trồng được 175 ha, góp phần nâng độ che phủ rừng ở xã Tà Xi Láng lên gần 62%.

Chúng tôi đến thăm thôn Tà Đằng - một trong những thôn khó khăn nhất của xã, nhìn những nương ngô xanh mượt trải dài vút mắt cho thấy cuộc sống của người dân đã có nhiều đổi thay. Chị Giàng Thị Hoa ở thôn Tà Đằng cho biết: "Trước kia, nhà mình chỉ trồng ngô thôi và vất vả lắm mà vẫn có lúc thiếu ăn. Mấy năm nay, được tham gia tập huấn về cây chè nên mình mạnh dạn trồng thử. Cây chè hợp đất nên tốt lắm! Mỗi cân chè khô bán được từ 120 - 170 nghìn đồng. Có thêm nguồn thu nhập, nhà mình không lo thiếu ăn nữa mà còn sắm sửa được thêm nhiều đồ dùng tốt để sinh hoạt”.
 
Ông Sùng A Giao - Trưởng thôn Tà Đằng cho biết thêm: "Trước đây, người Mông mình khổ lắm vì các hộ sống phân tán, mỗi hộ một triền núi, nhìn thì vẫn thấy cái nóc nhà đấy nhưng đi mãi vẫn chẳng đến nơi nên Nhà nước muốn giúp cũng khó. Bây giờ, đường vào bản đã có, Nhà nước còn đầu tư cho bà con cả nước sạch để dùng, nhà văn hóa để tập trung sinh hoạt… Vài năm nay, dân bản cũng không bị thiếu ăn, nhiều nhà đã mua được xe máy để làm phương tiện đi lại và vận chuyển nông sản xuống núi. Ngoài ra, đồng bào Mông còn được chính quyền các cấp tuyên truyền giúp bà con loại bỏ những hủ tục lạc hậu và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước…”

Tham quan các điểm trường ở đây, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn sự đổi thay của Tà Xi Láng. Nếu như trước kia, lớp học ở đây chỉ là những mảnh gỗ ghép lại, khó khăn thiếu thốn đủ bề thì nay các phòng học đều được xây dựng khang trang. Cô và trò được trang bị đầy đủ dụng cụ giảng dạy, học tập thiết yếu.
 
Cô giáo Hoàng Thị Thúy Vân - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Tà Xi Láng chia sẻ: "Sự học ở đây giờ đỡ vất vả hơn trước nhiều, nhất là từ khi có đường bê tông, giáo viên không còn lo bị trễ giờ lên lớp bởi những hôm mưa lũ. Còn các em học sinh không còn phải dò từng bước để vượt dốc đường xa. Cuộc sống của người dân sung túc hơn, nên việc học hành của trẻ em nơi đây cũng được quan tâm. Đa số trẻ đến tuổi đi học đều được bố mẹ đưa đến lớp đầy đủ, giáo viên ít phải đến nhà vận động đi học như trước”.

Rời Tà Xi Láng, thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp từng tốp trẻ con í ới gọi nhau chơi đùa trên con đường bê tông. Mặt trời đã bắt đầu xuống núi nhưng những chiếc xe máy, ô tô chở nông sản vẫn vào ra nhộn nhịp khiến cho xã vùng cao sôi động hơn. Các bản làng người Mông nơi đây đang thực sự được đánh thức để vươn mình.

Anh Dũng

Các tin khác
Đồng chí Hà Ngọc Văn - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tặng giấy khen cho các tập thể đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2017.

YBĐT - Chiều 13/3, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát thanh – truyền thanh – truyền hình (PT-TT-TH) cấp huyện năm 2018.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT trao giải Nhất cho các dự án đoạt giải.

13 dự án đã xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi Khoa học kĩ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2017-2018 khu vực phía Bắc. Cuộc thi vừa được tổ chức tại Nghệ An từ ngày 10-13/3.

Lực lượng công an tiếp cận hiện trường vụ cháy tại khu nhà số 13 Trần Hưng Đạo khiến 5 người thiệt mạng trong tối 12/3.

Ngày 13/3, Thiếu tướng Bùi Văn Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, cho biết cơ quan Công an xác định vụ hỏa hoạn tại khu nhà số 13, đường Trần Hưng Đạo, phường 10, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) xảy ra vào tối 12/3 là vụ án phức tạp chứ không phải một vụ cháy thông thường.

Ảnh minh hoạ.

Đây là nội dung đáng chú ý được đề xuất tại Dự thảo Nghị định quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục