Mỗi một lễ hội đều gắn với phong tục, tập quán riêng có của một vùng, địa phương hay của một dân tộc nhất định. Các lễ hội đều hướng tới giáo dục đạo lý 'Uống nước nhớ nguồn", truyền thống đoàn kết, yêu nước, cần cù lao động và nhân văn của dân tộc Việt Nam, đem lại sự hứng khởi để bắt đầu công việc của một năm mới với ước vọng sẽ tốt đẹp hơn.
Lễ hội mùa xuân năm nay, thực hiện chỉ đạo của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) và UBND tỉnh Yên Bái về việc tổ chức lễ hội diễn ra an toàn, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, thuần phong mỹ tục, tập quán tốt đẹp của địa phương, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý nhà nước về lễ hội, phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tổ chức lễ hội đúng quy định.
Được coi là lễ hội mở màn cho mùa lễ hội xuân của tỉnh Yên Bái, Lễ hội đền Đông Cuông, huyện Văn Yên luôn được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, đặc biệt là sự vào cuộc của các ban, ngành trong huyện để giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của nhân dân các dân tộc trong vùng và thực hiện tổ chức lễ hội đúng quy định.
Do đó, tại Lễ hội đền Đông Cuông 2018, việc dâng đồ mã trong thực hành thờ Mẫu, đốt vàng mã của người dân đã hạn chế. Lễ hội Đền Đông Cuông được tổ chức vào ngày làm việc, tuy nhiên, không có trường hợp cán bộ, công chức sử dụng ô tô công đi lễ đền.
Ngoài ra, Lễ hội đền Đông Cuông 2018 là năm thứ 2 không thực hiện nghi lễ treo trâu. Không chỉ tại Lễ hội đền Đông Cuông, mà năm nay, du xuân tại các lễ hội trên địa bàn tỉnh, hẳn nhiều du khách đều cảm nhận được sự đổi mới và nỗ lực trong khâu tổ chức các lễ hội.
Tại các tuyến đường giao thông đều có biển chỉ dẫn giới thiệu lễ hội. Cơ sở vật chất, điện chiếu sáng, đường giao thông được nâng cấp tu sửa thuận lợi cho việc du xuân, trẩy hội của người dân.
Bên cạnh đó, công tác đảm bảo an ninh trật tự và đảm bảo vệ sinh môi trường được thực hiện nghiêm túc. Để tổ chức lễ hội theo các nghi thức truyền thống, đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn những nét đẹp trong thuần phong, mỹ tục, nhiều địa phương đã quán triệt và ngăn chặn tình trạng dựng quán, bán hàng, đánh bạc dưới các hình thức trong khu vực đền, chùa.
Các trò chơi dân gian từ lâu không xuất hiện tại các lễ hội ở Yên Bái, cũng được phục dựng như: đu tre, bịt mắt bắt vịt, bịt mắt đập niêu hay phần múa lân cũng khiến cho lễ hội có thêm màu sắc riêng. Ngoài ra các trò chơi như cờ người, tung còn vẫn được duy trì.
Các lễ hội đầu xuân năm nay đã đi vào nền nếp, có nhiều chuyển biến tích cực. Việc cầu may mang tính thành tâm, thay vì rải tiền lẻ trên các ban thờ, pho tượng như nhiều năm, người đi hội xuân năm nay chủ yếu ủng hộ việc xây dựng, tôn tạo đền, chùa thông qua hòm công đức.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trên địa bàn tỉnh tại một số lễ hội mặc dù ban tổ chức đã quy định người dân chỉ được thắp hương ở ngoài đền, song, vẫn xảy ra tình trạng khói hương mù mịt do nhiều người dân vẫn cố tình mang hương vào trong đền thắp, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra.
Ngay phía ngoài đường dẫn tới khu di tích vẫn còn hiện tượng người hát rong, ăn xin. Một số lễ hội vẫn còn xảy ra tình trạng ách tắc giao thông, tình trạng đốt đồ mã, vàng mã, mất vệ sinh trong các hoạt động dịch vụ tại lễ hội vẫn còn diễn ra...
Đi lễ hội đầu năm đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Tuy nhiên, nó chỉ thực sự đẹp khi mỗi người đến với lễ hội với cái tâm thành kính và ý thức giữ gìn truyền thống dân tộc.
Để lễ hội đầu xuân thật sự trở thành sinh hoạt văn hóa, đậm đà bản sắc dân tộc, thiết nghĩ ngoài việc tăng cường công tác quản lý của cơ quan chức năng và địa phương diễn ra lễ hội, thì ý thức và văn hóa đi lễ hội của người dân cần được nâng cao hơn nữa.
Thu Hiền