Cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội

Bài cuối: Lộ trình và nguồn lực thực hiện

  • Cập nhật: Thứ ba, 8/5/2018 | 12:13:50 PM

YênBái - Cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội (BHXH) đang là mong mỏi hằng ngày của nhiều người, trong đó có cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước và tình hình kinh tế-xã hội hiện nay, cần phải có lộ trình phù hợp và điều quan trọng là bảo đảm nguồn lực để thực hiện hiệu quả.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

 
Nhu cầu cấp bách...

Giải quyết vấn đề lao động, việc làm, thu nhập và mở rộng BHXH cho người dân là trụ cột cơ bản nhất của chính sách an sinh xã hội. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: "Tạo cơ hội để mọi người có việc làm và cải thiện thu nhập. Bảo đảm tiền lương, thu nhập công bằng, đủ điều kiện sống và tái sản xuất sức lao động... Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách về tiền lương, tiền công, khắc phục cơ bản những bất hợp lý... Phát triển và thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động...”.

Thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng, trước những hạn chế, bất cập của chính sách tiền lương và BHXH, tháng 1-2017, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công (BCĐ) do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm Trưởng BCĐ để thực hiện xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương và Đề án cải cách chính sách BHXH.

Trong hơn một năm qua, BCĐ tổ chức nhiều cuộc họp, tập trung khảo sát việc thực hiện chính sách tiền lương tại nhiều cơ quan, trong đó có Bộ Quốc phòng, làm việc với một số địa phương, như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh… đồng thời chỉ đạo một số bộ, ngành tham khảo kinh nghiệm quốc tế về chính sách tiền lương, BHXH của một số quốc gia khác trên thế giới để xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương, Đề án cải cách chính sách BHXH trình Hội nghị Trung ương 7 thảo luận, quyết định.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng BCĐ, trong nhiều lần làm việc với các cơ quan đã nhấn mạnh tính cấp bách và độ chín muồi của lần cải cách tiền lương, cải cách BHXH này. Một số tổ chức quốc tế, trong đó có Ngân hàng Thế giới (WB) cũng khuyến nghị Việt Nam phải cấp bách cải cách tiền lương và BHXH.

... Nhưng cải cách phải theo lộ trình thích hợp

Cải cách chính sách tiền lương và BHXH là nhu cầu cấp bách, nhưng để thực hiện được cải cách phải có những nguồn lực nhất định và muốn đạt hiệu quả cao cần phải gắn với lộ trình cải cách hành chính, tinh giản biên chế; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Lộ trình cải cách cũng phải gắn với khả năng của nền kinh tế và khả năng của ngân sách Nhà nước.

Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: Sau khi đề án được thông qua tại Hội nghị Trung ương 7 thì từ năm 2021, cả nước mới bắt đầu thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Để có nguồn lực cải cách tiền lương, bắt đầu từ năm 2018, hằng năm, ưu tiên dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương, khoảng 40% tăng thu ngân sách Trung ương cho cải cách tiền lương. Khuyến khích các địa phương tăng thu ngân sách để có nguồn chi trả lương thu hút nhân tài, động viên người lao động giỏi.

Nguồn cải cách tiền lương còn dư sau khi điều chỉnh mức lương cơ sở hằng năm phải tiếp tục sử dụng để thực hiện cải cách tiền lương sau năm 2020. Bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước. 

Đề án cải cách chính sách BHXH đặt ra vấn đề điều chỉnh tuổi hưu để bảo đảm tính bền vững của quỹ BHXH, tập trung theo phương án điều chỉnh tăng tuổi từ 1-1-2021 theo lộ trình với người lao động bình thường trong điều kiện lao động bình thường tăng thêm mỗi năm 3 tháng, cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Tại cuộc hội thảo quốc tế "Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội - kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam", sau khi nghe ý kiến phát biểu của các chuyên gia trong nước và quốc tế, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng chính sách BHXH phải song hành và đặt ngang tầm với chính sách kinh tế và xã hội; phải tính toán lợi ích trung hạn và dài hạn. Bên cạnh đó, việc cải cách chính sách BHXH cần tiến hành đồng bộ, toàn diện, trọn gói, tránh điều chỉnh rời rạc. Cải cách chính sách BHXH phải song hành với cải cách bộ máy quản lý, điều hành.

Các việc phải làm ngay

Để thực hiện thành công hai đề án cải cách chính sách tiền lương và cải cách chính sách BHXH, theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, ngay từ bây giờ, các bộ, ngành cần phải hoàn thành xây dựng vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 18 và Nghị quyết số 19 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về tinh gọn bộ máy và đổi mới hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập. Chính phủ sẽ nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, lao động, doanh nghiệp, BHXH và pháp luật có liên quan đến chính sách tiền lương; đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Hoàn thiện cơ chế thỏa thuận về tiền lương trong doanh nghiệp thông qua việc thiết lập cơ chế đối thoại, thương lượng và thỏa thuận giữa các chủ thể trong quan hệ lao động. Cùng với đó, tăng cường công tác truyền thông để các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức nhận thức rõ được tính cấp bách của vấn đề cải cách tiền lương, BHXH. Đó chính là tiền đề vững chắc để tiến hành cải cách chính sách tiền lương và BHXH, đưa chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống, khơi thông nguồn lực con người cho phát triển kinh tế-xã hội.

Để khắc phục ngay những bất cập khi triển khai Luật BHXH vào quân đội, Bộ Quốc phòng vừa có văn bản kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa quy định thời gian lao động nam nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh con được tính trong khoảng thời gian 30 ngày kể từ ngày vợ sinh, bởi lẽ quy định này chưa phù hợp vì do đặc thù quân sự hoạt động chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và thường xuyên làm nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu không thể nghỉ việc hưởng chế độ thai sản ngay được.

Bộ Quốc phòng cũng đề nghị thay đổi cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH làm căn cứ tính lương hưu đối với lực lượng vũ trang cho phù hợp; vì với cách tính tăng dần theo lộ trình thời gian tham gia BHXH (bình quân 5 năm cuối, 6 năm cuối, 8 năm cuối, 10 năm cuối, 15 năm cuối, 20 năm cuối và bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian, nếu tham gia BHXH từ ngày 1-1-2025 trở đi) sẽ làm lương hưu của lực lượng vũ trang thấp hơn nhiều so với trước đây (chỉ tính bình quân 5 năm cuối) do quân nhân có thời gian dài là học viên, hạ sĩ quan, binh sĩ đóng BHXH trên nền mức lương cơ sở.
 
(Theo QĐND)

Các tin khác
Mô hình nuôi 500 thỏ thương phẩm của đoàn viên Vũ Văn Thắng.

YBĐT - Tuổi trẻ Tân Hương là lực lượng xung kích trong việc tuyên truyền và giúp đỡ các thôn, xóm thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức không vứt rác bừa bãi, giảm tình trạng ô nhiễm môi trường.

YBĐT - Cũng như nhiều trường học khác trên địa bàn tỉnh, đến nay công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 diễn ra trong tháng 6 tới đã được thầy và trò Trường THPT Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu chuẩn bị chu đáo.

Hội nghị triển khai tổ chức Tháng công nhân và Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2018.

YBĐT - Sáng 8/5, Hội đồng an toàn vệ sinh lao động tỉnh (ATVSLĐ) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác ATVSLĐ - phòng cháy chữa cháy (PCCC) năm 2017, triển khai kế hoạch tổ chức Tháng công nhân và Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2018.

Cán bộ thú y huyện Trấn Yên tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho chó trên địa bàn.

YBĐT - Thời tiết nắng nóng là điều kiện cho các bệnh truyền nhiễm phát triển, đặc biệt là bệnh dại. Do đó, công tác dự phòng các ca phơi nhiễm, cũng như quản lý đàn chó nuôi tại gia đình cần phải được quan tâm triệt để. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục