Tòa án nhân dân huyện Mù Cang Chải nâng cao chất lượng công tác xét xử

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/6/2018 | 1:47:33 PM

YBĐT - Là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh, Mù Cang Chải có trên 90% bà con đồng bào dân tộc Mông sinh sống, trình độ dân trí không đồng đều, do đó ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao.

Cán bộ TAND huyện Mù Cang Chải trao đổi nghiệp vụ.
Cán bộ TAND huyện Mù Cang Chải trao đổi nghiệp vụ.

Những năm qua, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Mù Cang Chải đã không ngừng nâng cao chất lượng công tác xét xử các loại án, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, góp phần tích cực trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Đồng chí Nguyễn Trung Dũng - Chánh án TAND huyện Mù Cang Chải cho biết: "Thời gian qua, đơn vị đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đấu tranh, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong giải quyết án hình sự được thực hiện chặt chẽ. Do đó, chất lượng công tác xét xử đã nâng lên đáng kể”.
 
Năm 2017, TAND huyện Mù Cang Chải thụ lý 144 vụ, việc các loại (tăng 4 vụ, việc so với năm 2016). Trong đó, thụ lý 41 vụ/51 bị cáo án hình sự; 2 vụ án dân sự, 37 vụ án hôn nhân gia đình; tổ chức 6 phiên tòa rút kinh nghiệm xét xử, trao đổi nghiệp vụ; xét xử lưu động 11 vụ án hình sự… 

Bên cạnh đó, TAND huyện Mù Cang Chải đã thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết kịp thời các đơn khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật; thường xuyên quan tâm và phối hợp chặt chẽ với Đoàn Hội thẩm, tổ chức cho các hội thẩm nhân dân tham gia 2 đợt tập huấn nghiệp vụ.

Bên cạnh nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng công tác xét xử, những năm qua, TAND huyện Mù Cang Chải cũng phải đối mặt với không ít khó khăn do trình độ tiếp cận pháp luật của bà con đồng bào dân tộc Mông nơi đây còn nhiều hạn chế. Trước hết, phải kể đến những khó khăn đối với công tác xử lý các vụ án liên quan đến tội phạm ma túy.
 
Hàng năm, các vụ án liên quan đến ma túy chiếm tới 2/3 số lượng án hình sự được TAND huyện thụ lý. Một mặt là do nhận thức của người dân cùng nhiều tập quán không phù hợp với pháp luật; mặt khác, do địa bàn huyện nằm giáp ranh với một số huyện của tỉnh Sơn La và Lai Châu đều là điểm nóng về ma túy nên án ma túy tại Mù Cang Chải khá phức tạp. 

Tình trạng tội phạm người cao tuổi cũng có chiều hướng gia tăng. 2 năm gần đây, TAND huyện Mù Cang Chải đã đưa ra xét xử 3 người trên 70 tuổi liên quan đến ma túy. Đặc biệt, số lượng người nghiện tại Mù Cang Chải được đưa vào các trung tâm cai nghiện từ 40 - 50 người/năm. 

Do đó, TAND huyện Mù Cang Chải thường xuyên tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động tại nơi bị cáo phạm tội, góp phần ngăn chặn và răn đe những hành vi vi phạm pháp luật có thể xảy ra. Đồng thời, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân huyện kiểm tra việc giám sát, giáo dục người phải thi hành án hình phạt tù cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ tại các xã, thị trấn trong huyện theo đúng quy định...
 
Bên cạnh đó, việc giải quyết án dân sự, hôn nhân và gia đình cũng là một trong những khó khăn mà TAND huyện Mù Cang Chải gặp phải. Nguyên nhân do tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của đồng bào dân tộc Mông vẫn còn tồn tại. Đa số các cặp vợ chồng dân tộc Mông đều không có giấy đăng ký kết hôn.
 
Trong khi đó, nếu muốn ly hôn thì các cặp vợ chồng đều phải bắt buộc đến Tòa án để giải quyết theo đúng pháp luật và được bảo đảm quyền và lợi ích của các bên đối với tài sản chung, tài sản riêng, con cái, các khoản nợ trước và sau hôn nhân… 

Bà con đồng bào dân tộc Mông vẫn luôn quan niệm, ai là người đưa đơn ra Tòa để ly hôn thì đó chính là người có lỗi và phải ra đi tay trắng. Do đó, TAND huyện Mù Cang Chải luôn sát sao trong công tác tuyên truyền, vận động, vận dụng pháp luật để hòa giải và giải quyết các vụ việc này một cách hợp lý và bảo đảm đúng pháp luật.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, TAND huyện Mù Cang Chải tiếp tục tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền, tổ chức các buổi tư vấn, trợ giúp pháp lý cho người dân, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu 100% các vụ án được giải quyết trong thời hạn luật định; nâng cao hơn nữa chất lượng tranh tụng tại phiên tòa; tổ chức tốt các đợt xét xử lưu động từ 10 - 12 vụ án…
 
Cùng với đó, TAND huyện tiếp tục tạo điều kiện để cán bộ, công chức đều được tham gia đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ xét xử, cập nhật phần mềm thống kê giải quyết án, phần mềm quản lý án và bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị để nâng cao năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong thời kỳ mới.

Mai Linh

Các tin khác
Tuổi trẻ LLVT huyện Văn Yên giúp dân tu sửa đường giao thông nông thôn.

YBĐT - Những năm qua, tuổi trẻ lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh đã đẩy mạnh Phong trào "Thi đua Quyết thắng”, qua đó thể hiện được tinh thần xung kích của tuổi trẻ trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

Những trò chơi trên các thiết bị thông minh luôn cuốn hút trẻ.

YBĐT - Đó là chủ đề của Tháng hành động Vì trẻ em năm 2018, nhằm tăng cường và nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, cơ quan đơn vị, gia đình và trẻ em trong việc thực hiện tốt Luật Trẻ em và phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong môi trường mạng.

Hồn nhiên tuổi học trò vùng cao.

YBĐT - Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có khoảng 230.000 trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 29,2% dân số). Số có hoàn cảnh đặc biệt có khoảng 4.160 trẻ. 

YBĐT - Tổng số học sinh trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ hàng năm dao động từ 3.400 - 3.600 em. Trong đó, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp THPT và học nghề chiếm 80%, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT học chuyên nghiệp và học nghề chiếm 44,6%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục